Chúng ta

7 sai lầm gây lãng phí nước

Chủ nhật, 18/12/2016 | 07:15 GMT+7

Quên khóa vòi nước, bơm tràn bể chứa... khiến hóa đơn tiền nước của bạn tăng cao.

Quên khóa vòi nước

Nhiều người thú nhận thường xuyên quên khóa vòi nước bồn rửa mặt, bồn rửa bát hoặc máy lọc nước. Buổi sáng thức dậy, họ tá hỏa khi thấy nước tràn lênh láng khắp nhà. Chứng đãng trí không chỉ gây lãng phí nước, mà còn khiến bạn mất công lau dọn, thậm chí uổng phí tiền thay mới sàn gỗ hỏng do ngấm nước.

Sau mỗi buổi tối, hãy làm thêm động tác khóa van nước. Dán tờ giấy nhắc phía trên vòi hoặc nơi gia đình thường xuyên lưu đến nhất, sẽ giúp bạn ghi nhớ thói quen này.

Nên khóa van nước sau khi sử dụng.

Nên khóa van nước sau khi sử dụng.

Chậm sửa thiết bị rò rỉ nước

Không ít người chần chừ cả tháng mới sửa vòi nước, bể chứa hay bình nóng lạnh rò nước trong nhà. Công việc bận rộn khiến bạn không có thời gian sửa chữa hoặc thay mới chúng ngay tức thì. Có thể bạn không biết, một chiếc vòi chảy nhỏ giọt cũng làm thất thoát đến 30 lít nước mỗi ngày. Tốt nhất bạn nên sửa ngay, hoặc mời thợ đến bảo trì định kỳ.

Giặt ít đồ nhưng nhiều nước

Thông thường máy giặt thiết kế 3 mức nước thấp, trung bình, cao. Mỗi mức chênh nhau 15-20 lít. Nhiều chị em sợ máy giặt đồ không sạch, nên thường bấm chọn mức nước tối đa dù quần áo nhiều hay ít. Tâm lý lo lắng này có thể lãng phí 50-150 lít nước mỗi tuần. 

Lãng phí nước xả bồn cầu

Thông thường, bồn cầu có 2 nút nhấn, tương ứng với 2 mức nước xả (3 lít và 5 lít). Tuy nhiên, nhiều người có thói quen xả mức nước lớn mọi nơi mọi lúc, gây lãng phí tiền của. Nhấn đúng nút, tận dụng nước đã sử dụng (nước giặt, rửa)... sẽ giúp hóa đơn hàng tháng giảm đáng kể.

Một số loại bồn cầu chỉ có một nút nhấn duy nhất. Mẹo nhỏ cho bạn là đặt chai nước đầy vào trong bể chứa của bồn cầu. Lượng nước mỗi lần xả sẽ giảm đi đúng bằng thể tích chai đưa vào, giúp bạn tiết kiệm khoảng 40 lít nước một ngày.

7-sai-lam-gay-lang-phi-nuoc-1

Đặt chai nước đầy vào trong bể chứa của bồn cầu giúp tiết kiệm nước xả.

Rửa dưới vòi nước chảy

Nhiều gia đình có thói quen rửa mọi thứ dưới vòi nước đang chảy. Điều này khiến lượng nước tiêu hao lớn, không sử dụng hết và rơi vãi ra ngoài. Bạn nên rửa đồ tập trung trong chậu để tiết kiệm được nhiều hơn.

Tưới cây bằng nước sạch

Tưới cây bằng nước sạch là sai lầm tai hại. Nước rửa rau, vo gạo… cung cấp nhiều dưỡng chất cho cây hơn nước sạch. Ngoài ra, còn tiết kiệm đáng kể chi phí điện nước mỗi tháng.

Dùng máy bơm sai cách

Chọn mua và sử dụng máy bơm sai cách đều gây thất thoát nước sinh hoạt. Trước hết cần chọn máy bơm phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình, như hút nước từ đường ống lên bể chứa; bơm từ giếng, bể ngầm lên bồn chứa trên cao; hay tăng áp lực nước.

Hai thông số quan trọng nhất của máy bơm là độ cao hút đẩy và lưu lượng bơm tối đa mỗi phút. Nên chọn mua máy bơm có độ cao hút đẩy nhiều hơn độ cao thực tế 1,3-1,5 lần để bù hao phí ma sát đường ống. Ví dụ, máy bơm cách bồn chứa 10m thì mua máy có độ cao hút đẩy 15m. Loại máy bơm Panasonic có lực đẩy hơn 20m phù hợp với thiết kế nhà phố hiện đại nhiều tầng, không chỉ mang lại nguồn nước ổn định mà còn tiết kiệm điện nước.

Máy bơm cần đặt gần nguồn nước. Ống dẫn từ máy bơm đến bồn chứa càng thẳng càng tốt, hạn chế trở lực ảnh hưởng đến lưu lượng bơm. Đầu hút của máy bơm nên đặt cao hơn đáy và có khoảng cách nhất định với thành giếng. Tránh bơm vào khung giờ cao điểm khiến áp lực nước yếu. 

Bạn nên xây bồn chứa nước dung tích phù hợp trên cao để tạo áp lực ổn định. Nên có van phao tự động để điều khiển bật tắt máy bơm tự động, tránh trường hợp tràn bồn chứa, gây lãng phí nước sạch cũng như điện năng. Trường hợp dung tích bồn chứa lớn, có thể sử dụng bộ hẹn giờ để thiết lập thời gian bơm nước cố định vào giờ thấp điểm trong ngày, thay cho van phao tự động.

Ngoài ra, cũng cần bảo dưỡng, kiểm tra đường ống và mối nối thường xuyên để phát hiện rò rỉ nước.

Theo VnExpress

Ý kiến

()