Chúng ta

'4 không, 5 cần' của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thứ sáu, 30/10/2015 | 15:05 GMT+7

“Qua những câu chuyện mà Đại tá Nguyễn Bội Giong kể lại, người FPT chúng ta có thể học tập được rất nhiều tư tưởng của Đại tướng. Đó là sự khiêm nhường, tôn trọng lắng nghe ý kiến cấp dưới, không ảo tưởng, phải theo đuổi mục tiêu đến cùng… Tất cả tư duy và phương pháp luận đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị”, Chủ tịch Trương Gia Bình nhấn mạnh.

Chiều ngày 29/10, các lãnh đạo FPT đã tham dự buổi chia sẻ ý nghĩa về tư duy chiến lược và phương pháp luận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua lời kể của Đại tá Nguyễn Bội Giong, nguyên Thư ký Quân sự Văn phòng Tổng Chính ủy, một trong những người giúp việc đầu tiên của Đại tướng.

Năm nay, Đại tá Nguyễn Bội Giong đã gần 90 tuổi, vóc dáng nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, tinh tường. Đặc biệt, khi nhắc lại những kỷ niệm về Đại tướng, giọng kể của ông vẫn rất hào sảng. Những câu chuyện lịch sử một thủa được ông khắc họa qua lối nói chuyện mạch lạc, thông tuệ và lôi cuốn.

In-6-anh-660_1446172026.jpg

TGB Seminar on Leadership số này trở lại với phần chia sẻ của Đại tá Nguyễn Bội Giong - người giúp việc đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chương trình diễn ra tại tầng 13, tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội, thu hút hơn 60 người tham dự.

Sau khi học xong bằng tú tài tại trường Bưởi, Đại tá Giong tham gia chiến đấu trong tổ Thanh niên cứu quốc của Mặt trận Việt Minh, cướp chính quyền ở Hà Nội rồi chiến đấu trong 60 ngày đêm khói lửa, sau đó là toàn quốc kháng chiến. Đến tháng 2/1948, ông được điều động về công tác ở phòng Bí thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong thời gian từ tháng 2/1948 đến 6/1951, ông Giong là Thư ký Quân sự ở Văn phòng Tổng Chính ủy. Công việc hằng ngày của ông là giúp Đại tướng nghiên cứu các báo cáo của Ủy ban hành chính kháng chiến các khu và tỉnh thành, nhất là vùng tạm chiếm. Đồng thời, giúp Đại tướng đưa ra dự thảo Huấn lệnh, mệnh lệnh chỉ đạo quân sự và đi theo ông đến các khu, đơn vị để kiểm tra tình hình huấn luyện, chiến đấu.

“Tôi cảm thấy rất may mắn khi cơ duyên đã đưa tôi đến bên cạnh Đại tướng. Ông là người có trí tuệ thông thái, trái tim nhân văn, tâm hồn cao thượng và đức tính khiêm nhường. Sau chiến tranh, Đại tướng luôn nhắc rằng, không nên nói về chiến thắng, chỉ cần để lại cho đời sau cái gì đó hữu ích về tư duy chiến lược và phương pháp luận”, ông Giong nhớ lại.

Theo Đại tá, lối tư duy của anh Văn (cách gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp) là dẫn dắt tư duy. Ông luôn tin tưởng cấp dưới, trọng dụng người tài. "Có lần Đại tướng hỏi tôi, trong chiến tranh, những yếu tố nào là cơ bản? Tôi trả lời ngay là con người và vũ khí. Khi ấy, Đại tướng khen rồi khẳng định: Con người là yếu tố cơ bản nhất. Vì vậy cách chỉ đạo của người cao nhất phải làm sao có được lòng đồng đội, để cấp dưới dám nói điều mình nghĩ".

Con đường đi trong nhận thức luận của Đại tướng cũng luôn đặt lý trí và lẽ phải lên đầu, sau đó mới đến quyền lực và tục lệ cũ. Người cũng luôn đề cao sự thận trọng, đức tính khiêm tốn để đoàn kết mọi người đến phút cuối cùng.

Anh Văn cũng là người có tinh thần trách nhiệm hiếm có, luôn chống lại tư tưởng "dễ làm khó bỏ" và tâm niệm phải theo đuổi mục tiêu đến cùng. Tâm lý con người khi chiến thắng thường rôm rả nhưng lúc thất bại lại tìm mọi cách né tránh. Đại tướng thì khác, ông luôn nhìn thẳng vào hiện thực, không sĩ diện hão, nếu thua trận luôn hỏi thẳng quân số thương vong vì cho rằng phải nhìn thẳng vào hiện thực để biết cách chiến đấu, hoạch định thay đổi chiến lược phù hợp.

“Đại tướng thường nhắc nhở chúng tôi, trong quân sự tuyệt đối không được ảo tưởng. Ảo tưởng sẽ dễ dẫn đến những quyết định sai lầm. Trong quân sự không cho phép bất cứ một quyết định sai lầm nào dù nhỏ nhất, bởi những sai lầm nhỏ bé đều dẫn đến tổn thất xương máu của đồng chí, đồng bào”, ông Giong nhấn mạnh.

In-2-anh-JPG_1446172950.jpg

Ông ân cần khi nhắc lại những lời dặn dò của Đại tướng.

Cũng theo ông, Tướng Giáp rất trọng ý kiến cấp dưới, luôn lắng nghe và nhiều lần áp dụng các ý tưởng sáng tạo của đồng đội trong chiến đấu. Ông còn có nghị lực tuyệt vời, dù đêm khóc ướt gối vì nghe tin thương vong của đồng đội, nhưng sáng ra vẫn luôn nở nụ cười để động viên anh em tiếp tục vững tâm chiến đấu.

Bao trùm lên tất cả là tinh thần nhân văn sâu sắc của Đại tướng. Xuất thân từ một gia đình nhà nho yêu nước nên trong suy nghĩ, việc làm của mình, Tướng Giáp luôn thể hiện tình yêu thương các anh em cấp dưới. Nhiều phụ tá trực tiếp phục vụ Đại tướng lúc chỉ huy các chiến trận lớn, nhất là ở Điện Biên Phủ sau này vẫn kể lại những đêm trắng ông khóc vì thương đồng đội đã ngã xuống trong các trận đánh. Sau này, chỉ cần ngửi thấy mùi máu là ông lại không kìm được nước mắt. Vì vậy, khi các tướng lĩnh từ chiến trường trở về căn cứ báo cáo tình hình cho Đại tướng, họ thường cố gắng giặt thật sạch giày để giũ đi mùi bùn và máu.

Phương pháp tư duy của Đại tướng xoay quanh “4 không, 5 cần”. Người quan niệm tránh cái nhìn cục bộ, không nên tự kiêu tự mãn đến mức ngạo mạn, tiếp cận công việc thận trọng, khiêm tốn bao nhiêu cũng không đủ. Trong chiến tranh, tuyệt đối không được ảo tưởng, nếu người chỉ huy tự tin thái quá dễ làm tổn thất nghìn quân trong chớp mắt. Cũng cần tránh lối suy luận cảm tính vì nó dễ khiến người ta đi xa mục tiêu chính và dẫn đến kết luận vội vàng, sai lệch. Đại tướng đặc biệt chống lại lối làm việc dễ làm khó bỏ, cần phải theo mọi thứ đến cùng.

"5 cần" mà Đại tướng dặn dò, trước tiên đề cao đức tính khiêm nhường, thận trọng ngay từ lúc tiếp cận công việc, hết sức trọng cấp dưới, đề cao ý chí kiên cường, sâu sát thực tiễn, đặt lý trí trên quyền lực và tục lệ cũ.

Trong trận Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", Tướng Giáp luôn thực hiện theo ba tư tưởng chỉ đạo chính gồm giữ vững quyết tâm, luôn chú ý những chi tiết nhỏ mà người thường không để ý và đặc biệt lắng nghe cấp dưới.

“Qua những câu chuyện mà Đại tá Nguyễn Bội Giong kể lại, người FPT chúng ta có thể học tập được rất nhiều tư tưởng của Đại tướng. Đó là sự khiêm nhường, tôn trọng lắng nghe ý kiến cấp dưới, không ảo tưởng, phải theo đuổi mục tiêu đến cùng… Tất cả tư duy và phương pháp luận đó không chỉ áp dụng trong chiến tranh mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị, có thể vận dụng vào cuộc sống và công việc hằng ngày”, Chủ tịch Trương Gia Bình nhấn mạnh.

Không chỉ là vị tướng của nhân dân Việt Nam, đối với FPT, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn có sự ảnh hưởng đặc biệt. Ngày 13/9/1988, tại khu vườn nhỏ của căn nhà Đại tướng ở số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội, FPT đã được ra đời. Chiến tranh nhân dân áp dụng trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc của Đại tướng cũng được FPT ứng dụng trong kinh doanh và quản lý.

TGB seminar on Leadership là chuỗi seminar do Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình khởi xướng và trực tiếp chủ trì với mục tiêu cung cấp, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ lãnh đạo và mong muốn xây dựng FPT trở thành một tổ chức học tập thực sự.

Số đầu tiên diễn ra từ tháng 9/2014, đến nay đã có 15 chương trình được triển khai với nội dung liên quan đến chính sách, định hướng của tập đoàn như: Lean Startup, Chính sách Thành Cát Tư Hãn, Xây dựng lực lượng công nghệ, Tái cấu trúc, Xu hướng Robot trợ lý gia đình, Giải pháp Bank 4.0…

Tử Quyên

Ý kiến

()