Thương vụ lớn đầu tiên
Năm 1989, hợp đồng trao đổi máy tính để lấy vật tư, sắt thép, ôtô và các loại hàng hóa khác giữa Viện Khoa học Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (Viện HLKHLX) được ký kết. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Liên Xô đang bị cấm vận gắt gao việc nhập khẩu thiết bị công nghệ cao, trong đó có máy tính và các thiết bị tin học khác.
Hợp đồng được giao cho Viện Cơ học. Viện Cơ học lại giao cho cơ quan liên doanh của mình với Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia là Công ty FPT thực hiện. Theo hợp đồng ký kết, máy tính Aztech (của Đông Nam Á) đã được Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô lựa chọn để FPT cung cấp trao đổi hàng. Tuy nhiên, FPT quyết định xuất máy tính Olivetti (của Italy) dù có giá thành cao gấp đôi máy Aztech. “Chúng tôi đứng trước sự lựa chọn giữa hiệu quả và uy tín. Và quyết định chọn uy tín trong thương vụ này trở thành một chiến lược truyền thống của FPT: Uy tín dựa trên chất lượng hoàn hảo, hợp tác với các hãng hàng đầu, tạo ra một ưu thế cạnh tranh riêng biệt”, anh Trương Gia Bình đúc kết.
Hợp đồng này đã đem lại nguồn doanh thu quý giá vào buổi đầu thành lập, tạo nên chuyển biến đột phá cho FPT cả về tài chính và tiềm lực, đóng vai trò tiền đề cho sự phát triển của doanh nghiệp những năm về sau. Bắt đầu từ đây, bộ phận Tin học của FPT được hình thành và từng bước phát triển, tạo thành sức mạnh cốt lõi của FPT sau này. Năm 1990, FPT tiếp tục xuất khẩu máy tính sang Liên Xô. Với số vốn này, ngày 08/10/1990, FPT ký hợp đồng nhập 300 chiếc ôtô tải IFA từ Đông Đức (khi đó vừa được sáp nhập vào Tây Đức).
Nguyên PTGĐ FPT Phan Ngô Tống Hưng cho biết, FPT trở thành nhà nhập khẩu xe vận tải lớn thứ hai ở Việt Nam sau Machinoimport - cơ quan được Nhà nước giao nhiệm vụ nhập khẩu xe bằng tiền ngân sách. “Khi nhìn lại, có thể nói rằng rất ít các tổ chức non trẻ, mới thành lập có thể thực hiện những thương vụ như vậy”, anh Hưng đánh giá.
Cuộc đấu thầu đầu tiên
Giữa năm 1989, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức đấu thầu gói Thiết kế và lắp đặt hệ thống điều hòa không khí cho trường quay. Xí nghiệp Cơ Điện Lạnh - do ông Trần Đức Nhuận làm Giám đốc - tham gia đấu thầu dự án này. Đến vòng 2, chỉ còn FPT “đấu” với Đại học Xây dựng Hà Nội.
Trường quay Đài truyền hình Việt Nam. Ảnh minh họa |
Nhờ ưu thế về giải pháp kỹ thuật, tính thực tiễn cao cùng khâu chuẩn bị hồ sơ thầu cẩn thận, chính xác, khoa học và bài bản, FPT chiến thắng cuộc đấu thầu đầu tiên trong lịch sử kinh doanh của mình với hợp đồng trị giá khoảng 500.000 USD.
“Trái đắng” đầu tiên
Trong giai đoạn 1990-1992, FPT còn xuất khẩu hàng may mặc sang Liên Xô, Ba Lan và một số nước Đông Âu. Vào năm 1991, một số cá nhân của FPT đã mua đến 90% cổ phần một hợp tác xã (HTX) may trong nước, hy vọng chủ động sản xuất hàng xuất khẩu. Cũng có thể nói đây là giấc mơ sở hữu đầu tiên của người FPT và một số người suýt nữa đã trở thành “ông chủ” sớm hơn dự định. Do chưa có kinh nghiệm trong việc mua bán cổ phần doanh nghiệp, FPT không kiểm soát được hoạt động tài chính cũng như kinh doanh của HTX may này. Kết quả là, FPT không những không tạo ra lợi nhuận mà còn đánh mất cả khoản vốn mua cổ phần, và tất nhiên cũng không sở hữu được HTX.
Trước cục diện không khả quan này của FPT, anh Lê Quang Tiến chia sẻ: “Vì chưa có kinh nghiệm quản trị đã vội vàng mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực mới, nên Công ty mất định hướng, cán bộ phân tán khắp nơi, tiền bạc mất mỗi chỗ một ít… Đúng là bốn phương tám hướng”.
Khám phá thêm những “lần đầu tiên” của FPT trong “Từ tay trắng đến Tập đoàn toàn cầu” – cuốn sách lần đầu tiên được FPT phát hành ra ngoài công chúng nhân dịp chào mừng 35 năm thành lập Tập đoàn với phiên bản giới hạn chỉ 3.500 cuốn. Hiện, sách đang được mở bán trên website của Rio Book và các nền tảng thương mại điện tử. Người FPT có thể đặt mua tại đây: Website: https://book.rio.vn/products/su-ky-fpt-35-nam/ Shopee: https://shopee.vn/product/266326069/24209061547/ Tiki: https://tiki.vn/su-ky-fpt-35-nam-tu-tay-trang-den-tap-doan-toan-cau-p273991991.html |
Khánh Hưng
Ý kiến
()