Chúng ta

Viết cho những ngày ở Bình Liêu

Thứ sáu, 17/8/2018 | 21:08 GMT+7

Đào tạo dưới đơn vị đối với người trẻ không chỉ là công việc còn là trải nghiệm, là du lịch miễn phí, còn với tôi là những chuyến xa gia đình dài ngày. Dù không phải là lần đầu tiên triển khai đào tạo ở Bình Liêu nhưng lần nào đến với Bình Liêu, trong tôi cũng nhiều cảm xúc. Đối với tôi, những ngày làm công tác đào tạo tại Bình Liêu thật đặc biệt.

Khi tôi viết những dòng này thì trời đang mưa to, sấm chớp đì đùng, lớp học cho nghỉ sớm để các anh chị về còn kịp chạy lúa. Cuộc sống ở huyện miền núi Bình Liêu vẫn còn nhiều vất vả nên đến cả cán bộ cũng phải tất bật mưu sinh. Đến được lớp tập huấn này, với các anh chị nơi đây là cả 1 sự cố gắng lớn. Có những học viên là những thầy giáo, cô giáo cắm bản, là những cán bộ xã vượt qua quãng đường đồi núi hàng chục km để đến lớp. Giờ ra chơi, khi tôi nói về hệ thống chính quyền điện tử, về tiện ích của dịch vụ công, một thầy giáo đã bảo rằng: trẻ em ở đây bỏ học sớm. Đầu năm học nào cũng phải đi vận động để chúng nó đi học. Không giống ở dưới xuôi, trên này trẻ em đi học không mất học phí, lại có tiền đem về. Vậy mà vẫn xảy ra tình trạng bỏ học giữa chừng. Với dân trí như thế, để những người dân tiếp cận dịch vụ công cấp 1,2 còn khó nói gì đến cấp 3,4. Chia sẻ của thầy giáo ấy đã cho thấy, để đưa được một cửa điện tử, dịch vụ điện tử, chính quyền điện tử đến với huyện miền với hơn 99%  là người dân tộc thiểu số là cả một vấn đề.

Vậy nhưng, trong những giờ lên lớp, khi tôi đề cập về ý nghĩa và kết quả khi ứng dụng dịch vụ công thì các anh chị quan tâm lắm, Họ bảo rằng, học để biết và để về bản tuyên truyền cho bà con, được người nào hay người đó. Nếu ai không làm được các anh chị sẽ hỗ trợ thêm. Nói gì thì nói chi phí sẽ giảm đi rất nhiều khi người dân sử dụng dịch vụ công cấp 3,4 này, nhất là đối với một trong những huyện nghèo nhất tỉnh Quảng Ninh như Bình Liêu.

Đào tạo ở xa vốn vất vả, để tố chức được những lớp đào tạo tập trung còn vất vả hơn. Kế hoạch cứ hai ngày một lớp, không kể ngày nghỉ ròng rã cả tháng trời, không có thời gian về nhà. Tình trạng ngày đầu lớp đông đủ, ngày sau chỉ lèo tèo vài học viên diễn ra thường xuyên. Những năm trước xa nhà với cái cục gạch con con liên lạc với gia đình, đồ nghề là cái laptop cổ thời sinh viên, giờ hiện đại hơn với điện thoại thông minh có hình ảnh để trò chuyện với vợ con hàng ngày, những ngày ở xa cũng vì thế mà bớt cô đơn, trống trải.

Lần đầu tôi đến Bình Liêu là 2016. Khi ấy, chúng tôi triển khai tập huấn tại xã Húc Động. Trên Google Map, đường đến xã Húc Động chỉ hơn 2 cây số nhưng khi chạy xe Honda, càng đi lên thì càng đi càng mất hút. Đường thì độc đáo, một bên là núi, một bên là vực. Tới nơi đồng hồ km báo cũng gần 20 cây số. May bữa đó tôi đổ đầy xăng chứ không thì chạy nửa đường chẳng may dắt bộ thì khốn. Bù lại, bữa trưa tôi được cán bộ xã đãi tôi một bữa ăn làm tôi nhớ mãi. Đó là món cơm có màu như là nếp cẩm, cùng với thịt mỡ thái to như thịt gói bánh chưng. Gần ăn thì có một nhóm các bạn trẻ ùa vào, thì ra đó là đám dân quân xã mới đi huấn luyện về người còn đầy bụi đường. Nhìn mấy anh em xà vào mâm cơm ăn ngon lành làm tôi có động lực để chiến đấu với mâm cơm mà trước đó tôi còn e ngại. Những ngày cuối tuần tôi dành thời gian đi chơi thác Khe Vằn, cửa khẩu Hoành Mô, cột mốc biên giới. Để tới được những nơi đó phải vượt qua những cung đường ngoằn ngoèo, nếu tay lái không vững thì không phải ai cũng vượt qua được.

Những chuyến công tác xa của tôi tuy khó khăn, vất vả nhưng vẫn có niềm vui. Đôi khi, niềm vui đến từ những điều vô cùng giản dị và cũng nhờ thế, tôi có thêm động lực để tiếp tục chinh chiến cùng FPT trong những chặng đường tiếp theo.

Hoàng Hải Hà

FPT IS - FPT IS HCM (GMC)

Ý kiến

()