Chúng ta

Kỷ niệm Yaly

Thứ sáu, 25/5/2018 | 15:25 GMT+7

Những kỷ nệm sâu sắc cũng như những tình cảm vui buồn lẫn lộn của một thời Yaly. 

Nhà máy thủy điện Yaly thật sự là một công trình vĩ đại mang tầm vóc quốc gia. Ngày Yaly bắt đầu đi vào hoạt động dù mới chỉ là không tải nhưng thật sự đã mang đến cho chúng ta niềm vui sướng và tự hào. Nhưng sự đời có bao giờ hoàn hảo như chúng ta thường mơ ước, đã có một nhóm nhỏ những con người luôn có ác cảm với Yaly: nửa đêm đang ngon giấc bỗng bật dậy mà mồ hôi đầm đìa, tinh thần bấn loạn, họ bị ác mộng chăng? Không phải đâu! Họ mơ thấy Yaly ấy mà. Nhớ thời xưa, sĩ tử đi thi mà phạm húy thì chẳng những bị trượt củ chuối mà lắm lúc còn xơi phải hèo của quan phủ; còn trong cái nhóm nhỏ phức tạp ấy: “Ai mà nhắc đến cái tên Yaly dù vô tình hay cố ý đều bị phạt 100.000 đồng”, sếp của nhóm tuyên bố xanh rờn như vậy. Chắc các bạn cũng đang thắc mắc không biết ai mà mang tư tưởng tiêu cực đến thế? Ối giời chẳng phải ai xa lạ đâu - bọn cửa hàng 41 đấy.

Để hiểu rõ đầu đuôi gốc ngọn chyện này, chúng ta phải quay ngược lại thời gian cách đây ba năm. Đầu năm 2000, cửa hàng 41 chỉ mới thành lập, cơ sở vật chất thiếu thốn, mới có lèo tèo vài ba khách hàng lẻ. Vì vậy, khi tiếp xúc với đại diện Yaly nhằm nắm bắt nhu cầu của họ thì chúng tôi thật sự bị sốc khi con số lên đến gần 60.000 đôla. Đây là một con số kinh khủng vì lúc đó chúng tôi chỉ toàn bán cho khách lẻ với doanh số chỉ vài ngàn đô. Thế là trong khoảng thời gian ba tháng liền sau đó, cả bọn chúng tôi đều dốc toàn bộ sức lực và tâm tư vào dự án này, quyết dành cho bằng được hợp đồng mới nghe: nào là vượt hơn 500 cây số để khảo sát mạng, nào là cuộc chiến không khoan nhượng và đầy thủ đoạn với Hồng Cơ, nào là suốt cả tuần túc trực tại cửa hàng đến nửa đêm để săn tin từ key-person, nào là nỗi thất vọng ê chề khi nghe tin rớt thầu lúc nửa đêm, nhưng sáng hôm sau lại nhận được fax trúng thầu của bọn nó (bọn này quả thối thật, trước khi cho mình sướng thì bọn nó hành hạ mình trước, nhưng cũng hay hay, ít ra cho mình hiểu được chân giá trị của chiến thắng).

Hai con người khổ sở nhất vì dự án này có lẽ là Toàn Pi-Xi và Trình Lờ-Đờ. Cả hai sau khi từ Yaly về thì không ai bảo ai đều một mực cam đoan với mọi người rằng mình không hề uống nước tại đó dù chỉ một giọt, hoá ra có một trại phong hiền hoà tĩnh mịch toạ lạc ở đầu nguồn nước. Người đầu tiên chúng tôi muốn đề cập đến là ToànPC. Với kinh nghiệm trận mạc dày dạn, anh được hân hạnh lãnh ấn tiên phong đi triển khai hợp đồng. Mới đến buổi thứ ba anh đã gào lên với Phát đại ca: “Mày mau phái lên vài thằng phụ tao đi, ở đây thêm vài bữa chắc tao chết vì buồn quá!”. Anh nói quả không sai, từ TP Pleiku, phải đi sâu vào hơn 40 cây số mới đến được Yaly, cảnh vật nơi đây thật hữu tình với sông hồ mênh mông xen lẫn núi non hùng vĩ - thật quá thơ mộng hữu tình với những cặp uyên ương. Thật ác thay lúc đó vây quanh anh chỉ toàn là những đồng chí thợ mạng khô khan tình cảm, suốt ngày chỉ biết đục đẽo-kéo dây-bấm đầu, chả trách anh tức cảnh sinh tình, cảm thấy cô đơn lạc lõng giữa núi rừng hiểm trở mà người yêu thì cách xa hơn 500 cây số. Nhưng tôi thật sự khâm phục anh về tấm lòng kiên trinh son sắt, theo lời kể của Thắng “con” tài xế thì trong hoàn cảnh dễ sa ngã đó, dù bị một nàng lao công vô cùng xinh xẻo tấn công quết liệt với lời hứa sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự-dân sự lẫn trói buộc hôn nhân, nhưng khâm phục thay, lòng anh vẫn vững như kiềng ba chân, quyết tâm giữ trong sạch thân mình cho người yêu đã hứa hôn tại Sài Gòn.

Rồi đến một buổi chiều mưa buồn, sau khi hoàn thành mọi công việc, anh quyết dứt áo ra đi với lời thề một đi không trở lại. Với lời thề đầy dụng ý đó, mình nghĩ rằng anh quá tự tin vào tay nghề mình nên chắc chắn sẽ chẳng bao giờ máy móc bị trục trặc nào nghiêm trọng. Nhưng còn các anh kỹ thuật FCO thì nghĩ khác, các anh cho rằng ToànPC chắc đã thất thân nơi chiến địa địch, nay đành bỏ của chạy lấy người trước khi chưa xảy ra sự thiệt hại nghiêm trọng về thể xác lẫn tinh thần (có lẽ làm việc chung khá lâu nên anh em đã quá hiểu nhau), nhưng bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu đó (dù nghe hơi có lý) tôi vẫn kiên quyết giữ vững lập trường ban đầu.

Người còn lại phải chịu cực không kém chính là đồng chí Yaly Project Manager Trình Lờ Đờ. Chỉ còn mười ngày nữa là tổ chức đám cưới, nhưng bọn Yaly ác nghiệt lại ra tối hậu thư cho FPT: “Một là ông Trình phải lên Yaly lập tức còn không thì dẹp hết, không thanh toán thanh tiếc gì sấc”. Thế là anh đành gạt lệ bước lên xe... đò (chứ không phải xe hoa) nhưng vẫn không quên gửi gắm lại cho cô vợ sắp cưới xinh như mộng một lời hứa ngàn vàng: “Chỉ ngày mai là anh về à, nhớ chờ anh về cưới chứ đừng cưới người khác nha em!” Trước tác phong và thái độ làm việc quên mình của anh, tôi cũng cầu mong tình yêu hãy chắp cho anh đôi cánh thiệt bự thiệt khỏe để anh có thể vượt quãng đường hơn 1000 cây trong vòng một ngày. Và trời quả không phụ người hiền, anh đã về kịp lúc và được thưởng ngay một cô vợ thật xinh mà ai cũng phải ghen tị. Mọi sự tưởng đã tốt đẹp thuận lợi nhưng đến ngày thứ sáu của tuần trăng mật thì anh nhận được tin sét đánh từ em Trang ISO: “Bọn Yaly bảo trong vòng 24 tiếng anh phải có mặt tại đó còn không anh phải gánh chịu mọi hậu quả sau này ”. Đúng là bọn Yaly này xấu xa thật, lúc bình thường thì im hơi lặng tiếng, chỉ chực chờ đến những thời điểm gây cấn lại lại gào lên tìm anh. Lúc ấy dù sức đã gần tàn lực gần kiệt (trăng mật mà) nhưng với tinh thần không ngại hi sinh anh quyết “nỗ lực làm khách hàng hài lòng trên cơ sở hiểu biết sâu sắc và đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu của họ với lòng tận tuỵ và năng lực không ngừng được nâng cao”. Nói là làm, đang hạnh phúc mê tơi tại quê nội Quy Nhơn, dắt theo bà xã anh đến gặp ngay khách hàng để chứng tỏ cho chúng biết thế nào là tinh thần hết lòng vì công việc, sẵn sàng hi sinh vì FPT. Cũng như anh ToànPC, bước ra khỏi cổng nhà máy với bản nghiệm thu-thanh lý hợp đồng (đã ký tên đóng dấu rồi) trên tay, anh lầm bầm: “Bọn cục gạch chúng mày sau này dù có năn nỉ ông bán 100 bộ cũng đừng hòng nhé, ông cạch chúng mày đến già”. Xong việc lúc 5 giờ chiều, đáng lẽ nên nán lại một đêm dưỡng sức nhưng chúng tôi đều muốn về Sài Gòn ngay lập tức, thà nghe tiếng léo nhéo cằn nhằn suốt ngày của em Trang ISO còn hơn phải ở lại cái nhà máy cục gạch này, mặc dù bọn Yaly khẩn khoản mời lại nghỉ ngơi và thưởng thức đặc sản Tây Nguyên (bác Trình bình thường chắc OK liền nhưng nay đang hạnh phúc bên bà xã mới cưới nên đâu dám tòm tem).

Nhưng mọi chuyện đâu có dễ dàng như vậy. Đang trườn dài trong xe và lim dim tận hưởng cái lạnh của núi rừng Tây Nguyên, Thắng “con” lôi chúng tôi trở về thực tại với một câu nói phũ phàng: “Xe chúng ta gặp trục trặc nho nhỏ, bình ăc-quy không chịu nạp điện nữa nên cỡ 5 phút sau đèn xe sẽ không còn. Nhưng các anh yên tâm đi, xe em có tới hai cái đèn pin lận.” Cái trục trặc mà hắn gọi là nho nhỏ đó làm chúng tôi toát mồ hôi đầm đìa dù nhiệt độ bên ngoài chỉ khoảng 20 độ, cái cục buồn ngủ lúc nãy của tôi nay chạy đâu mất dù đang là 12 giờ đêm. Với vai trò mới bất đắc dĩ - cầm đèn pin soi đường cho Thắng “con” chạy. Đang ì ạch từng bước trên xa lộ thì bỗng nghe tiềng tu huýt lanh lảnh cất lên của mấy bác công an công lộ. Bị thổi còi, nhưng chúng tôi mừng nhiều hơn lo bị phạt. Mấy bác công an sau một hồi nghe chúng tôi kể khổ nên cũng bỏ qua sau khi không quên soi đèn pin khắp mọi ngóc ngách trong xe để yên tâm chúng tôi không phải dân buôn lậu. Được thể lấn tới luôn, bọn tôi nhờ mấy bác dẫn đường cho xe chúng tôi về trụ sở ngủ nhờ một đêm thì bị mắng cho một trận, nào là không phạt bọn mày là may rồi còn đòi hỏi lung tung, nào là ai biết tụi bây bị hư đèn giữa đường thật sự hay bọn mày xe không đèn mà cố tình chạy, nào là đừng cản đầu cản đuôi ảnh hưởng bọn ông kiếm ăn. Thế là mấy bác công an lên xe vọt mất, có lẽ kiếm đoạn đường khác tránh bọn kỳ đà chúng tôi. Tức quá, tôi lầm bầm: “Khôn hồn thì đừng mua máy FPT, mai mốt bị hư thì đừng hòng năn nỉ nhé, bọn ông đếch bảo hành luôn”. Nghe câu nói phản động của tôi, sếp Trình lờ đờ cự cho một chập nhưng sau đó có vẻ thông cảm cho sự bực tức của tôi nên sếp đá lông nheo: “Mày khờ quá, cứ lên, cứ bảo hành ngon lành nhưng trước khi về nhớ thả vài con virus ăn hết dữ liệu bọn nó cho anh. Phần mềm có vấn đề hoặc bị virus thì đâu phải trách nhiệm của mấy ông FPT đâu, khách hàng ráng chịu. Khi đó không biết ai phải năn nỉ cạy cục ai để cứu đống dữ liệu đó à nha”. Thế là cả xe chúng tôi cười vang lên, vừa vuốt được cơn giận vừa vực dậy tinh thần để tiếp tục ì ạch mấy trăm cây số tăm tối tiếp theo. Đang hân hoan với ý kiến cực kỳ cục đó, Thắng “con” lại bồi thêm cho chúng tôi một phát nữa: “Xe hết bình nên không đề được đâu, mấy anh em mình phải đẩy mới nổ máy được”. Đúng là trời luôn phụ người gian. Thắng “con” vừa hạ thắng tay, tôi & anh Trình cùng đẩy nhưng máy không chịu nổ, Thắng phải xuống cùng đẩy phụ. Khi đẩy lên đến đầu dốc thì máy nổ nhưng lúc đó chúng tôi đã kiệt sức không còn giữ được nữa, xe mang theo vợ anh Trình bên trong bắt đầu tuột dốc trong sự bất lực lẫn hoảng sợ của chúng tôi. Cả ba chúng tôi đành phải quỳ gối xuống dùng hết sức tàn còn lại mới hãm được chiếc xe sau khi bị nó lôi ngược một đoạn, quần thì rách, gối thì tươm máu. Đau thì thật là đau nhưng ai cũng mừng vì không dám nghĩ hậu quả sẽ như thế nào khi xe tuột dốc và bị lật mang theo cả bốn chúng tôi. Chiếc xe cà khổ của chúng tôi ráng lết thêm vài cây số nữa đành phải dừng lại vì đèn nhỏ hết pin. May mắn thay, cách đó không xa là trạm dừng chân, cũng là nơi trốn công an của mấy chú xe tải buôn lậu đường dài. Mấy chú xe tải đó coi bộ lại rất nghĩa hiệp, giúp chúng tôi sạc lại ăc quy và chỉ cho biết đoạn đường nào có thể dừng lại ngủ qua đêm. Chúng tôi cũng rất biết chơi, chỉ lại cho mấy chú biết công an hồi nãy đang phục kích ở đoạn đường nào. Một lát nữa các xe tải rồi cũng lần lượt ra đi, chỉ còn lại một mình chúng tôi trơ trọi giữa rừng núi hoang vu bạt ngàn. Lết được một hồi nữa thì xe lại mất đèn, chúng tôi đành phải lủi đại vào hàng hiên của căn nhà ven lộ, chủ nhà khá tốt bụng (đi ngủ mà quên tắt đèn hàng hiên) làm chúng tôi có một chỗ qua đêm có vẻ hơi an toàn. Một giấc ngủ chập chờn và khó nhọc kéo đến với chúng tôi, lúc đó Fulro hay cướp ào tới thì chỉ có nước …a di đà Phật thôi. Bình minh rồi cũng ló dạng, bao sóng gió rồi cũng qua đi, cuối cùng xe cũng phải đỗ vào nơi quen thuộc của nó – 41 Sương Nguyệt Ánh - một nơi mà hơn bao giờ hết mang lại cảm giác an toàn và thân quen cho chúng tôi. Lúc này chúng tôi mới cảm thấy FPT của chúng ta thân thương và ấm áp biết mấy, dù chỉ cách xa mới đôi ba ngày. Sáng hôm đó, anh em kỹ thuật rất ngạc nhiên khi thấy bàn thờ của cửa hàng nghi ngút khói nhang kèm mâm đồ cúng thịnh soạn, dù hôm đó chẳng phải mùng một hay ngày rằm.

Ngày nay, vẫn ngồi đây với thân hình còn tương đối lành lặn, chúng tôi thỉnh thoảng vẫn gợi nhắc về những kỷ nệm sâu sắc cũng như những tình cảm vui buồn lẫn lộn của một thời Yaly. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ dự án đó, chúng tôi vững tin rằng Yaly sẽ là một động lực thôi thúc chúng tôi cố gắng mang về cho mái nhà chung của chúng ta những dự án tầm cỡ hơn nữa.

Trần Thanh Trọng Nhân

Công ty Hệ thống Thông tin FPT-HCM

Ý kiến

()