Chúng ta

VnExpress và một mùa Start-up Việt lập kỷ lục

Thứ tư, 21/11/2018 | 17:07 GMT+7

Từ 14h-17h30 ngày 15/11, số lượng người xem trực tiếp Chung kết và Gala vinh danh Start-up Việt 2018 của VnExpress tăng vọt trên biểu đồ theo dõi. Chỉ trong một ngày sau khi kết quả được công bố, bài viết đạt lượng view kỷ lục cho một bài ở chuyên mục Kinh doanh.

Hội trường Chung kết và Gala vinh danh Start-up Việt 2018 tràn ngập không khí sôi nổi, hào hứng như sức trẻ của phong trào start-up. Người tham gia phấn khích với những bài diễn thuyết truyền động lực của các đại diện Ban giám khảo và khách mời, dành những tràng vỗ tay nồng nhiệt cho các phần thuyết trình và phản biện đầy năng lượng của Top 5 start-up xuất sắc.

Cũng có khi khán phòng trở nên yên ắng khi hồi hộp chờ đợi tiếng reo chuông của các nhà đầu tư, để vỡ òa vui mừng khi các start-up nhận được những lời chấp nhận rót vốn đáng mơ ước. Rồi tất cả như bùng nổ với màn công bố Quán quân của cuộc thi...

1bbc1a4ed6e336bd6ff2-5102-1542-4875-5099

Sau hai tháng tổ chức, chương trình Start-up Việt 2018 do báo VnExpress tổ chức bước vào giai đoạn cuối cùng. Tại Gala chung kết vừa diễn ra, cộng đồng 500 start-up cùng các hội đồng chuyên môn, nhà đầu tư, chuyên gia cố vấn... đã cùng tìm ra quán quân cuộc thi Start-up Việt 2018.

Trong lúc đó, ở những khu vực phóng viên tác nghiệp, không khí làm việc của đội ngũ VnExpress vô cùng khẩn trương để cập nhật từng diễn biến chương trình cho độc giả không thể có mặt ở khán phòng.

Góc lối phải hội trường, một nhóm phóng viên miệt mài chú tâm vào máy tính để ghi chép thông tin cập nhật lên trang. Ba phóng viên gõ văn bản, phân chia và hỗ trợ nhau. Một phóng viên chăm chú đẩy hình ảnh từ 2 phóng viên ảnh gửi qua. Một biên tập viên lo khâu biên tập và đẩy bài lên trang. Thêm thành viên đội kỹ thuật túc trực để hỗ trợ kịp thời...

“Làm sao để nội dung lên nhanh nhất có thể, đồng thời đảm bảo về độ chính xác là một thách thức. Cho nên chúng tôi luôn ở tình trạng “căng não”. Có lúc tôi đang gõ bài thì hệ thống biên tập bị “rớt”, đau tim... muốn chết. May mắn có thành viên đội kỹ thuật ngồi kế bên hỗ trợ ngay”, chị Yến Nhi, phóng viên VnExpress, chia sẻ về kỷ niệm tham gia đưa tin sự kiện.

Quanh đó, 6 chiếc máy quay được đặt phục vụ cho việc phát trực tiếp chương trình lên trang. Số thành viên đội video huy động lên tới 20 người gồm quay phim, phụ máy, kỹ thuật, dựng...

Anh Lê Hồng Phúc, Trưởng nhóm phụ trách video, chia sẻ: “Điều chúng tôi sợ nhất là “rớt mạng” khi đang phát trực tiếp. Những năm trước, chúng tôi thuê đường truyền từ bên ngoài còn năm nay dùng trực tiếp từ Gem Center - nơi tổ chức sự kiện. Ban đầu, tốc độ mạng đo được là 80 Mb/s nhưng khi phát trực tiếp lại chỉ khoảng 10 Mb/s khiến anh em rất lo lắng. Chính vì thế, đôi khi chúng tôi phải tạm cắt một trong hai đường truyền, ưu tiên đường truyền cho video trực tiếp”. Khi được hỏi về cảm xúc khi biết số lượt xem chương trình, anh Phúc chia sẻ: “Lúc biết số lượt xem chương trình, tôi rất vui, vì tôi tham gia Start-up Việt từ mùa đầu tiên và chưa bao giờ số lượt xem đạt tới mức đó”.

vne-1.jpg

Anh Lê Hồng Phúc (thứ hai từ trái sang) và các đồng nghiệp tham gia tác nghiệp tại sự kiện.

Kể từ khi khởi động vào đầu tháng 9/2018, chương trình thu hút hơn 60.000 lượt bình chọn, 10.000 độc giả quan tâm tương tác, tăng đột biến so với hai mùa tổ chức trước vào năm 2016 và 2017.

Anh Ngô Mạnh Cường, Phó Giám đốc Kinh doanh FPT Online kiêm Phó Ban tổ chức, cho biết Start-up Việt 2018 là chương trình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử cuộc thi Start-up Việt. Đặc biệt, trong giai đoạn nước rút kể từ khi công bố Top 25 start-up vào vòng trong, chương trình liên tiếp nhận được những phản hồi tích cực từ bạn đọc, chia sẻ mong muốn được tham gia với vai trò khán giả trong các buổi thuyết trình, vòng chung kết... nhằm tích lũy kinh nghiệm cá nhân.

"Start-up Việt mùa 3 cũng là lần đầu tiên chương trình có vòng huấn luyện dành cho 25 start-up từ các vườn ươm khởi nghiệp có uy tín. Các start-up nhận định rằng sau vài tuần huấn luyện, họ có được nhiều sự tự tin và bài học bổ ích không chỉ cho cuộc thi mà cho các định hướng phát triển trong thời gian tới", anh Cường cho hay.

Điểm nhấn của chương trình năm nay còn là 60 phút kết nối trực tiếp giữa hàng trăm start-up với 16 chuyên gia, cố vấn từ hội đồng chuyên môn, đại diện VIISA, VMCG, SIHUB, Tiki và tập đoàn Phú Đông cùng 4 nhà đầu tư ESP Capital, Reapra, SVF và 500 Start-up.

Chị Ngô Bích Thủy, đồng sáng lập Chatbot Việt Nam, bật mí: "Trong khoảng thời gian tham gia chương trình, Ban tổ chức đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều, từ việc kết nối với các mentor cũng như trong quá trình thi”. Chị cho biết khi đến với cuộc thi này, doanh nghiệp non trẻ như Chatbot Việt Nam đã “có thể tiếp xúc với các doanh nghiệp khác, học hỏi từ họ, đồng thời nhận được ý kiến đóng góp và tư vấn từ các mentor, đặc biệt là cơ hội về truyền thông”.

Ngoài ra, sự xuất hiện của chị Tan Hooi Ling, đồng sáng lập Grab, đánh dấu “lần đầu tiên chương trình có một nhà đầu tư nước ngoài”, anh Minh Tú, bộ phận Tổ chức sự kiện - VnExpress, cho biết. Những chia sẻ tại Gala vinh danh của chị minh chứng sự quan tâm của Grab với chương trình nói riêng và với giới khởi nghiệp Việt Nam nói riêng.

“Nếu bất cứ ai nói rằng các bạn thật điên rồ, đừng lo lắng, chuyện đó bình thường lắm vì các bạn là start-up. Các bạn đang sáng tạo ra những gì chưa từng có, chưa ai từng nghĩ đến", và “Nếu thất bại thì hãy đi tiếp và nói với bản thân rằng điều gì đang chờ phía trước”... Chắc hẳn những người tham dự chương trình không thể quên được bài diễn thuyết truyền lửa của chị.

IMG-5800-5338-1542347113-7603-6233-6748-

Chủ tịch FPT trao hoa cho chị Tan Hooi Ling - đồng sáng lập Grab - vì bài diễn thuyết truyền cảm hứng.

Những chia sẻ chân thành và nhiệt huyết không kém của Chủ tịch FPT cũng để lại những dấu ấn khó phai: "Những người kiến tạo thế giới này vốn dĩ không sợ hãi”, “Những người như các bạn cũng phải có một tầm nhìn, một khát vọng lớn lao”', “Hãy nghĩ sẽ đem lại lợi ích cho hàng triệu, hàng tỷ người”...

Nhiều khán giả đã để lại bình luận trên trang VnExpress: “Mình thích báo VnExpress chỗ này. Sân chơi quá hay và ý nghĩa. Hãy lan tỏa những điều bổ ích và tích cực, là động lực để ngày mới có năng lượng làm việc”; “May mắn tham dự được chương trình Start-up Việt năm nay, thật quá tuyệt vời. Chương trình quá hay, Datamart rất xứng đáng”; “Đi đâu cũng thấy share vụ này. Quá hot luôn. Chúc mừng các bạn”...

Có mặt tại hội trường Chung kết và vinh danh Start-up Việt, bạn Hoàng Linh bày tỏ: “Hơn cả một chương trình dành cho các ý tưởng khởi nghiệp, Start-up Việt 2018 còn cho chúng ta thấy sự quan trọng của sự nhiệt thành và lòng dũng cảm, của lòng tốt và hoài bão, sự kiên trì, và rằng những ước mơ ý nghĩa hoàn toàn có thể bay cao nếu khát vọng đủ lớn và được chắp cánh với những sự hỗ trợ phù hợp nhất. Chương trình của VnExpress rất ý nghĩa, được tổ chức bài bản và truyền nhiều cảm hứng”.

stu-khan-gia-8720-1542774100.jpg

Khán giả nồng nhiệt cổ vũ cho chương trình. 

Tham dự chương trình để tìm kiếm cơ hội hợp tác, anh Đinh Duy Hà, Công ty Ozy Gourmet, nhấn mạnh, chương trình năm nay được Ban tổ chức tiến hành rất tốt ở mọi khâu. "Công ty tôi đang sử dụng các công nghệ hiện đại và tôi rất quan tâm tới chương trình về start-up như thế này. Ngay sau chương trình tôi sẽ liên hệ với một team để làm việc. Đó là điều tôi thích nhất. Tôi mong chương trình sẽ được phổ biến rộng rãi hơn trong tương lai”, anh Hà khẳng định.

Phần chia sẻ của người đứng đầu FPT - anh Trương Gia Bình cũng cho thấy phần nào những gì mà Start-up Việt mùa 3 muốn làm và làm được, hơn là một cuộc thi và chấm giải: “Start-up Việt mong muốn thông qua các bạn, để hàng triệu thanh niên Việt Nam tin tưởng họ cũng làm được như các bạn, để Việt Nam của chúng ta sẽ hoàn toàn khác. Và hơn thế, Start-up Việt muốn thổi cho các bạn ngọn lửa để các bạn chinh phục thế giới”.

Các chuyên gia nhận định chất lượng thí sinh năm nay đã chứng minh độ trưởng thành của cộng đồng Start-up Việt. Với khả năng nhanh nhạy với sự thay đổi, nhất là thay đổi về công nghệ, giới khởi nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể ghi dấu ấn đậm nét trên thị trường quốc tế. Ban tổ chức kỳ vọng tiếp nối thành công của mùa 3, Start-up Việt sẽ góp phần phát triển cả về số lượng và chất lượng làn sóng khởi nghiệp trong nước, để “Việt Nam sẽ có những start-up kỳ lân tỷ USD như Grab” như lời anh Trương Gia Bình.

Video Gala chung kết và vinh danh Start-up Việt 2018 tổ chức bởi VnExpress:

Chương trình Start-up Việt là sự kiện bình chọn khởi nghiệp thường niên do báo VnExpress tổ chức nhằm tìm kiếm các start-up nổi bật trong nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp, vinh danh những mô hình kinh doanh có tính đột phá và mang lại lợi ích kinh tế - xã hội...

Giải thưởng cho quán quân bao gồm gói truyền thông từ Báo VnExpress trị giá 200 triệu đồng, 3 tháng sử dụng dịch vụ miễn phí phòng Private Office trị giá 60 triệu đồng từ nhà tài trợ CirCo và giải thưởng từ các nhà tài trợ khác.

Start-up Việt 2018 là mùa thứ 3 được tổ chức dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, thuộc Đề án 844.

Chương trình chính là cầu nối để các doanh nghiệp mới liên kết với nhau, hỗ trợ cùng phát triển trong hệ sinh thái quốc gia với các bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức cá nhân... Đây cũng là mục tiêu lớn nhất mà Đề án 844 hướng đến.

Hà An

Ảnh: Trần Vũ

Video: Hà An

Ý kiến

()