Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn về việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của Quỹ Đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam (start-up). Theo đó các thủ tục thành lập quỹ được tối đa hoá, chỉ mất 3 ngày để thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam.
Quỹ đầu tư mạo hiểm là quỹ hình thành từ vốn góp của các thành viên nhằm thực hiện đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo. Quỹ này không phải tuân thủ các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư của quỹ đầu tư chứng khoán.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình từng cho rằng, việc thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam là một trong những hướng đi giúp đất nước vươn lên tầm cao mới. |
"Việc đầu tư vào quỹ này chỉ phù hợp đối với cá nhân, tổ chức sẵn sàng chấp nhận mức rủi ro cao từ việc đầu tư của quỹ. Cá nhân, tổ chức đầu tư vào quỹ này cần cân nhắc kỹ trước khi tham gia góp vốn, quyết định đầu tư", dự thảo nêu.
Theo đó, để khơi thông nguồn vốn vào start-up Việt thì quỹ được huy động vốn từ nhiều nguồn gồm vốn của nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, vốn uỷ thác. Quỹ có thể tăng vốn thông qua việc huy động thêm từ thành viên hiện hữu hoặc từ thành viên mới, tuy nhiên không được phép đi vay để thực hiện hoạt động đầu tư.
Sau khi thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, các thành viên sẽ bầu ra một vị đại diện gọi là giám đốc quỹ. Việc phân chia lợi nhuận sẽ được tính trên lượng vốn góp của từng thành viên.
Dự thảo này được đưa ra trong bối cảnh làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam bắt đầu được manh nha và đã có một vài mô hình thành công nhờ gọi được vốn ngoại từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, đa phần các start-up của Việt Nam vẫn khó khăn về vốn. Do đó, dự thảo này được cho là đã hợp pháp hoá, khơi thông dòng vốn vào start-up với các thủ tục đơn giản nhất.
Thực tế, các khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay chủ yếu huy động vốn từ các "nhà đầu tư thiên thần", tức là các cá nhân, tổ chức chuyên đi đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sớm, khi chưa có lợi nhuận, thậm chí mới chỉ là ý tưởng và chưa có sản phẩm...
Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, qua khảo sát thực tiễn cho thấy hiện có nhiều nhà đầu tư thiên thần có nhu cầu góp vốn hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, để thành lập một quỹ đầu tư như mô hình quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của Luật chứng khoán thì các điều kiện thành lập quá cao, khắt khe mà các nhà đầu tư quy mô nhỏ không thể đáp ứng. Chẳng hạn, quỹ phải có ít nhất 100 nhà đầu tư, tổng giá trị quỹ phải đạt 50 tỷ đồng,...
Trong khi đó, với start-up các nhà đầu tư thiên thần này chỉ cần góp một lượng vốn 5.000-50.000 USD để biến ý tưởng sáng tạo của một cá nhân nào đó thành sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tăng trưởng nhanh. Do đó, nếu áp dụng quy định của Luật chứng khoán cho quỹ đầu tư mạo hiểm khởi nghiệp sáng tạo sẽ không phù hợp và không khuyến khích được việc góp vốn thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm cho start-up.
Cục Phát triển doanh nghiệp cho rằng muốn khởi nghiệp thành công thì vấn đề vốn luôn là điều kiện tiên quyết đối với bất kỳ một start-up nào. Tuy nhiên, với bản chất rủi ro lớn của các start-up thì các kênh huy động vốn truyền thống như vay vốn ngân hàng hầu như là không thể, vì vậy việc gọi vốn đầu tư cho start-up là rất quan trọng.
"Đầu tư mạo hiểm vào start-up chính là cung cấp nguồn lực để nuôi dưỡng thành công các ý tưởng đổi mới sáng tạo. Trên thế giới, thị trường đầu tư mạo hiểm cho start-up đã phát triển từ nhiều năm trước và rất sôi động, tuy nhiên ở nước ta, hoạt động này mới bắt đầu nổi lên gần đây", Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết.
Theo đó, số lượng các quỹ đầu tư trong và ngoài nước cho khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam rất ít. Các quỹ ngoại như CyberAgent, 500 Startups, Golden Gate Ventures… hiện chỉ mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Một số quỹ đầu tư của các ngân hàng, công ty lớn như Vietcombank, BIDV, VPBank, VietA bank, Tổng công ty dầu khí có hoạt động đầu tư cho doanh nghiệp.
Dự thảo mới của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã góp phần thành lập khung pháp lý và khơi thông dòng vốn vào các start-up Việt. |
Tuy nhiên, các quỹ này hầu hết không đầu tư từ giai đoạn đầu và không đầu tư nhỏ mà chỉ đầu tư vào những dự án có quy mô thường vài trăm nghìn USD và thường mua cổ phiếu, trái phiếu có giá trị vốn hoá trên sàn. Việc thành lập và hoạt động của các quỹ này trước đây là theo quy định của Luật chứng khoán. Trong số các quỹ nội địa thì hiện tại mới có quỹ FPT Venture là đang tích cực thực hiện đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp.
Trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam nhận được đầu tư từ những quỹ đầu tư này. Trong khi đó nhu cầu về vốn của các start-up là rất lớn, thực tế là nhiều start-up Việt Nam đã thành lập công ty ở nước ngoài như ở Hong Kong hoặc Singapore… để có thể gọi vốn được thuận lợi hơn.
Cục Phát triển doanh nghiệp cho rằng cần thiết phải có khung pháp lý hoàn chỉnh để tạo sân chơi chuyên nghiệp cho các nhà đầu tư mạo hiểm. Từ đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ khu vực tư nhân cho start-up.
"Xu hướng toàn cầu cũng như yêu cầu thực tiễn về phát triển kinh tế xã hội của nước ta cho thấy tăng trưởng kinh tế không thể dựa vào những lợi thế cũ như tài nguyên thiên nhiên và lao động rẻ vốn đang bị mai một dần, mà cần phải dựa trên đổi mới sáng tạo. Chính lực lượng các start-up là một trong những động lực mới của quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy nền kinh tế quốc gia phát triển tự chủ và bền vững", Cục Phát triển doanh nghiệp đánh giá.
Những câu chuyện về quốc gia khởi nghiệp Israel đã hun đúc tinh thần làm kinh tế tư nhân trên khắp thế giới. Facebook, Apple, hay Uber là những start-up đã và đang thay đổi cả thế giới.
Mới đây, tại hội thảo Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển, TS. Nguyễn Quốc Toản - Phó chánh văn phòng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng "đã đến lúc cho một cuộc bùng nổ sáng tạo mới trong kinh doanh. Chúng ta cần cố gắng nhiều hơn và cần có nhiều công ty khởi nghiệp hơn nữa".
Theo ông, cần thành lập các quỹ đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp theo mô hình hợp tác công - tư thuộc Chính phủ, các quỹ đầu tư mạo hiểm để kêu gọi vốn đầu tư, tài trợ cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiềm năng.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng Việt Nam muốn trở thành quốc gia khởi nghiệp thì tinh thần khởi nghiệp phải là từ khóa ở mọi diễn đàn, nhen dần lên để cộng đồng nhỏ lan ra toàn xã hội. "Khởi nghiệp không cần đao to búa lớn, điều quan trọng nhất là tất cả mọi người phải ứng dụng khoa học công nghệ, phải sáng tạo để đất nước giàu lên. Tôi muốn bước ra cùng các bạn để tạo cộng đồng, vườn ươm để Việt Nam của thế hệ tiếp theo có thể đào sâu hơn nữa", ông Đam nói.
Theo VnExpress
Ý kiến
()