Chúng ta

Utop thúc đẩy mua sắm trực tuyến tại khu công nghiệp Thăng Long

Thứ ba, 24/11/2020 | 08:15 GMT+7

Utop thuộc FPT Software phối hợp với khu công nghiệp Thăng Long khai trương hệ sinh thái mua sắm TL-base, phục vụ hơn 60.000 công nhân qua ứng dụng trên smartphone.

Hệ sinh thái mua sắm trực tuyến TL-base giúp kết nối công nhân, các hộ gia đình với các cửa hàng ăn uống, bán lẻ, chợ truyền thống… Đây là sản phẩm được xây dựng trên ứng dụng Utop với giải pháp Smart O2O, kết hợp giữa bán lẻ truyền thống và trực tuyến, dựa trên công nghệ số, giúp thu hẹp khoảng cách giữa người mua và người bán. Nhờ đó, người dùng có thể mua sắm thuận tiện hơn, nâng cao trải nghiệm, không dùng tiền mặt, tạo ra mạng lưới liên kết chặt chẽ, đảm bảo an toàn thông tin.

Với công nhân và các hộ gia đình trong khu công nghiệp Thăng Long, hệ sinh thái TL-base trên Utop cho phép người dùng mua sắm trực tuyến các sản phẩm thiết yếu từ những nhà sản xuất như Unilever, Vinamilk... các cửa hàng của chợ truyền thống quanh khu vực.

rsz-img-8873-6990-1606180052.jpg

Việc hợp tác là dấu mốc quan trọng của Utop trong việc chuyển đổi số hoạt động kinh doanh.

“Điều này giúp người dùng tiết kiệm thời gian khi có thể linh hoạt lựa chọn phương thức nhận hàng tại nhà máy, khu công nghiệp, hoặc tại cửa hàng bán lẻ gần nhà. Người dùng  sẽ có thể mua sắm nhanh chóng mọi lúc mọi nơi, chỉ với thiết bị di động có kết nối internet và quét mã QR đặt tại nhà máy”, đại diện Utop nói. 

Ngoài việc mua sắm trực tuyến, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Thăng Long có thể gắn kết công ty với nhân viên thông qua việc chuyển đổi quỹ thưởng, phúc lợi sang điểm thưởng. Bên cạnh đó, TL-base còn cho phép người sử dụng tích điểm, đổi quà tại hàng trăm cửa hàng khác nhau trong hệ thống đối tác Utop tại Việt Nam.

rsz-img-8916-2266-1606180052.jpg

Hệ sinh thái TL-base mang lại lợi ích cả cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà sản xuất.

Với chợ truyền thống, việc gia nhập hệ sinh thái TL-base có thể giúp các hộ kinh doanh chuyển từ mô hình cửa hàng truyền thống sang trực tuyến, mở rộng tệp khách hàng, đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi phù hợp để thu hút khách hàng. 

Trước mắt, các cửa hàng tại chợ Mun (thuộc xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) sẽ cho phép người dùng đặt hàng, thanh toán không dùng tiền mặt. Utop còn hỗ trợ truyền thông trực tuyến đến các thành viên trong hệ thống của TL-base, giúp mỗi hộ kinh doanh thu hút thêm khách hàng. Đại diện Utop cho rằng, với sự kiện này, chợ Mun sẽ trở thành chợ làng 4.0 đầu tiên tại Việt Nam.

rsz-img-8939-9658-1606180052.jpg

Với TL-base, người tiêu dùng có thể mua sắm một cách nhanh chóng, nâng cao trải nghiệm, thanh toán không dùng tiền mặt, tạo ra một mạng lưới liên kết chặt chẽ, đảm bảo an toàn bảo mật thông tin.

Việc gia nhập TL-Base có thể giúp các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng như Unilever, Vinamilk… tiếp cận trực tiếp với người dùng cuối, thay vì các kênh trung gian, giúp giảm chi phí phát sinh. Trong thời gian tới, Utop sẽ mở rộng hợp tác và đưa các doanh nghiệp vào trong hệ sinh thái của TL-base, để mang đến những sản phẩm, dịch vụ đa dạng hơn cho công nhân trong khu công nghiệp Thăng Long.

Anh Phạm Nguyên Vũ - sáng lập kiêm Tổng giám đốc Utop chia sẻ, việc hợp tác, triển khai dự án TL-base, đánh dấu cột mốc quan trọng của Utop trong hoạt động chuyển đổi số. Đồng thời kết nối các cửa hàng xung quanh khu công nghiệp từ mô hình bán hàng truyền thống sang mô hình bán lẻ mới (new retail), với chi phí thấp và thời gian triển khai nhanh chóng, đem lại dịch vụ tiện ích cho người dùng.

Hoa Hạ

Ảnh: ĐVCC

Ý kiến

()