Chúng ta

'Thầy thằng dại'

Thứ ba, 17/11/2015 | 07:55 GMT+7

Các cụ nói “Làm đầy tớ thằng khôn hơn thầy thằng dại”, ngẫm lại thấy khá đúng. Bao nhiêu năm làm FPT Software là bấy nhiêu lần được các ông thầy xịn “made in Japan” rèn giũa. Cũng chẳng rõ các thầy thấy thế nào khi vớ phải bọn trò dại như chúng tôi. Hết cái dại này đến cái dại kia, khôn được một lúc rồi lại dại, dại rồi lại khôn… Kể ra cũng chẳng vẻ vang gì, nhưng thấy chẳng có gì ngượng mồm, nên cũng xin mạn phép hầu một vài câu chuyện về các ông thầy.

Kỳ 1 - Trò lại đi dạy thầy

Ông thầy đầu tiên của tôi là khách hàng Sanyo. Nhắc đến Sanyo không thể không nhắc đến bác Sakanaka. Có thể nói bác là mẫu người 10 năm mới gặp một lần, và thực tế là đã 10 năm rồi, tôi vẫn chưa gặp lại khách hàng nào tương tự như vậy.

Bác Sakanaka được khách hàng Nissen tình cờ giới thiệu FPT Software trong một hội nghị của Microsoft, đây đúng là thời điểm Sanyo đang bắt đầu tái cấu trúc hệ thống IT, bác Sakanaka chịu trách nhiệm vụ này. Hai tuần sau bác có mặt tại Việt Nam, và cũng khoảng hai tuần sau nữa dự án đầu tiên được ký kết, đâu đấy khoảng 100 MM. Đây là dự án đầu tiên trong chuỗi dự án sau này đều quy mô hàng chục, hàng trăm MM (là rất to lúc bấy giờ khi quy mô FPT Software chỉ vài trăm người).

Hoaok-6384-1447475713.jpg

Anh Trần Đăng Hòa (thứ hai từ trái qua) trong những ngày đầu gia nhập FPT Software.

Không biết ở Việt Nam các anh đã giới thiệu gì, nhưng với bác, FPT Software luôn là nhất, làm dự án  thì FPT Software phải làm tổng thầu. Tôi nhớ mãi khi anh Lâm (Nguyễn Thành Lâm, nguyên TGĐ FPT Software) giới thiệu dự án tôi sẽ tham gia với vai trò BrSE, có trình bày mô hình tổ chức trong đó, FPT Software nằm phía trên với PM là anh CôiT, dưới đấy là mấy block của các đối tác như NEC, NDSS… Công nghệ thì FPT Software cũng phải là master. Bây giờ mỗi lần nhớ lại cảnh chúng tôi phải đi tìm, copy, chuẩn bị tài liệu để training cho nhân viên Sanyo cũng như SE của các công ty đối tác về công nghệ Biztalk - là công nghệ mới có của Microsoft lúc đó - lại toát mồ hôi.

CMM và UML là 2 keywords bác mang về từ Việt Nam và bắt cả công ty học và phải theo. Cũng vì việc đó mà chúng tôi thành các ông thầy bất đắc dĩ. Từ việc dạy UML, rồi hướng dẫn FSoft Insight… rồi đến việc bác tập hợp gần 100 nhân viên của phòng lại, mời anh Lâm Phương từ nhà sang training UML. Chiều hôm đó, mọi người được nghỉ sớm để sắp xếp lại khu làm việc thành lớp học, mắc camera kéo ra các khu vực xa... rất nhộn nhịp.

Mấy năm ở Sanyo, tuy không làm được tốt như những gì các bác kỳ vọng, nhưng đã giúp tôi trưởng thành rất nhiều, không ngại nói chuyện, tranh luận với các sếp lớn (việc này thực ra là lợi thế rất lớn so với người Nhật, các bạn không có cơ hội đó), không sợ khi quote số to, nhận việc to. Thêm nữa khi làm việc với các dự án to, tức là được làm cùng các đối tác Nhật xịn, với những kỹ sư xịn nhất, chính là thời gian tốt nhất để học hỏi kỹ năng từ họ.

Sanyo là khách hàng chủ đạo để xây dựng nên FPT Software HCM ngày nay, tất cả các nhân lực tốt nhất được huy động, từ anh Phạm Minh Tuấn (giờ là TGĐ FPT IS), anh Lâm, anh Sơn Cờ, anh Côi, Lê Vĩnh Thành đều tham gia. Tất cả dự án FPT Software đều làm chủ yếu và to nhất. Ngoài FPT Software làm tổng thầu còn hai đối tác khác nằm phía dưới trong sơ đồ tổ chức, một là đại gia NEC. Chắc vì cú và cũng khinh thường FPT Software nên hầu như không tham gia và cũng không thấy nói chuyện với đội dự án, không biết đi đâu, làm gì. Chỉ thấy mãi về sau này, khi bác Sakanaka không còn ở Sanyo nữa, và Sanyo cũng tái cơ cấu thì thấy NEC xông ra và hầu như bao tiêu hết tất cả mọi việc (đúng là đại gia đánh nhau cũng khác, 10 năm trả thù vẫn chưa muộn).

hoa1-5986-1447475713.jpg

Những bài học từ quá khứ đã giúp anh Hòa và đội ngũ trưởng thành hơn, am hiểu người Nhật hơn khi làm việc.

Vendor nữa là người nhà của Sanyo (50% vốn của Sanyo), nên dự án cũng được chỉ định một thành viên là anh Hatanaka. Nhóm 5 người chúng tôi có chung một nhiệm vụ là đi nghe ngóng các phòng ban và tổng kết tài liệu. Đáng buồn là đầu ra của bốn người chúng tôi cộng lại chắc chỉ bằng ¼ Hatanaka. Làm một thời gian Hatanaka cũng đi mất. Theo Hatanaka thì cậu phải đi làm dự án quan trọng hơn. Còn tôi thì chắc cậu chán cảnh Tấm - Cám, mình làm là chính còn kết quả thì bọn nó cũng được hưởng. Theo Sanyo thì lý do loại là giá Hatanaka đắt quá, đắt bằng 4 lần chúng tôi cộng lại.

Dự án rồi cũng kết thúc, mọi thứ chưa làm được chuyển hết sang Phase 2, rồi sau đó là Phase 3 và sau thì không thấy gì nữa. Tiền chúng tôi vẫn được nhận đầy đủ, nhưng sản phẩm thì không ít người dùng, không ai nói ra nhưng tôi biết như vậy là thất bại rồi. Không ai dạy, nhưng sau một loạt kiểu kiểu như vậy, cũng ngẫm ra làm phần mềm cũng có nhiều công đoạn, coding, testing,… có thể là lợi thế của FPT Software, nhưng những việc như nghe yêu cầu, thiết kế hệ thống lớn như vậy rõ ràng chưa phải là lợi thế của chúng tôi.

Ngoài Sakanaka, Hatanaka, còn rất nhiều ông thầy khác. Như Hikiishi chuyên gia COBOL, hôm nào cũng làm việc đến 12h-1h khuya. Sau yêu FPT Software, Hikiishi bèn nghỉ Sanyo và theo FPT Software đến tận bây giờ. Nakagawa chuyên gia thư họa, cao lêu nghêu, chuyên về SCM dự án mà tôi tuần nào cũng phải họp, bàn luận loạn xạ về các bước trong hệ thống, vẽ đi vẽ lại mặc dù chẳng hiều gì cứ phải ậm à ậm ừ... Chính việc ngồi cùng, ăn cùng, làm việc cùng như vậy đã dạy tôi rất nhiều, cho tôi hiểu về cách nghĩ, con người Nhật, và sau này khi làm việc với các khách hàng khác thực sự dễ dàng hơn…

10 năm trước, FPT Software SO được làm tier 1, và giờ chúng tôi đang hướng tới trở thành tier 2 company tại Nhật. Lần này với hơn 10 năm được mài giũa, được các ông thầy bất đắc dĩ dạy dỗ, với đội ngũ phát triển và bổ sung hơn nhiều, tôi tin là chúng tôi sẽ làm được một phần kỳ vọng của các ông thầy đầu tiên của mình.

Trần Đăng Hòa

PTGĐ FPT Software

Ý kiến

()