Chúng ta

‘Thay đổi lớn nhất là cách làm chiến lược’

Thứ sáu, 25/1/2013 | 22:13 GMT+7

Dù mới áp dụng chưa lâu nhưng Thẻ điểm cân bằng (Balanced Score Card - BSC) đã mang lại những kết quả tích cực, thể hiện trong việc thay đổi tư duy, cách làm việc của tập đoàn.

BSC đang được triển khai mạnh mẽ để đưa FPT phát triển nhanh chóng và trở thành một tập đoàn toàn cầu. “Công cụ này được coi như vũ khí của chiến tranh nhân dân, giúp FPT nâng cao hệ thống quản trị của mình”, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ FPT Trương Gia Bình ví von.

FPT bắt đầu tiếp cận và triển khai công cụ được nhiều công ty trong Top Fortune 500 tin tưởng từ giữa năm 2012. Đầu tháng 11 năm ngoái, thành quả đầu tiên của BSC - Bản đồ chiến lược của tập đoàn và 6 công ty thành viên phiên bản 1.0 - đã được thống nhất, sau 6 tuần xây dựng.

“Kết quả này là bước đầu tiên nhưng rất quan trọng cho dự án. Bởi để BSC đi vào tổ chức lớn và phức tạp về ngành nghề như FPT cần phải mất ít nhất 2-3 năm”, Quản trị dự án BSC Nguyễn Hoàng Minh đánh giá.

Việc xây dựng thẻ điểm (Score Card) đã được các đơn vị tiến hành từ sau Hội nghị Chiến lược hồi tháng 11/2012. Thẻ điểm sẽ là khung để tập đoàn và công ty thành viên làm kế hoạch và bộ chỉ tiêu năm 2013. Dự kiến trong tháng 1 năm nay, các đơn vị sẽ hoàn thiện xong thẻ điểm của mình, để áp dụng vào bộ máy quản lý BSC tại tập đoàn và đơn vị thành viên.

Thay đổi lớn nhất trong năm 2012 là cách làm chiến lược. Ảnh: Thùy Dương.

Thay đổi lớn nhất trong năm 2012 là cách làm chiến lược. Ảnh: Thùy Dương.

“Dự án BSC tại FPT đang ở giai đoạn đầu nhưng đã có những kết quả rất đáng khích lệ. Chủ tịch Trương Gia Bình ủng hộ mạnh mẽ và có định hướng rất rõ ràng. Những định hướng này được thể hiện qua các chủ đề chiến lược và được mô tả trong Bản đồ chiến lược”, tư vấn dự án BSC của FPT, ông Adrian, Chuyên gia tư vấn của Công ty Achermar, Australia, nhận xét.

Anh Minh cho rằng, dù tiến độ triển khai chậm hơn so với kế hoạch nhưng sau 4 tháng thực hiện BSC, FPT đã có những thay đổi cơ bản. Thành công nhất của dự án chính là đem đến sự thay đổi trong tư duy, cách làm chiến lược của lãnh đạo FPT. Chính sự thay đổi về hệ thống quản trị này sẽ ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động của tập đoàn.

Hầu hết lãnh đạo công ty thành viên đều khẳng định, áp dụng BSC giúp các con số về chỉ tiêu kinh doanh, lợi nhuận, khách hàng trong kế hoạch kinh doanh được thể hiện chi tiết, khoa học và đúng người, đúng việc.

Thực tế, vẽ được Bản đồ chiến lược và xây dựng thẻ điểm là việc khá khó khăn và tốn nhiều công sức của những người làm dự án, trong đó, công đoạn lựa chọn các chỉ số đo lường hiệu quả và chỉ tiêu là khó nhất. “Việc lựa chọn đúng chỉ số đo lường rất quan trọng đối với quá trình theo dõi và báo cáo hiệu quả chiến lược. Các chỉ số cần phản ánh rõ nét mức độ thành công mục tiêu, nhưng đồng thời số lượng chỉ số phải giới hạn vừa phải, không được quá nhiều”, anh Minh phân tích.

Sau khi hoàn tất bản đồ, mỗi CBNV sẽ biết “câu chuyện” về hoạt động tạo các giá trị, sản phẩm, dịch vụ… của mỗi hướng chiến lược. “Câu chuyện” được kể qua 4 yếu tố, trong đó Quy trình nội bộ và Học tập phát triển giúp mỗi cá nhân dễ dàng nhận biết mối liên hệ tới công việc của bản thân. Theo đó, từng người sẽ nhận thức rõ hơn về chiến lược của tập đoàn, phương thức hoạt động tạo ra các giá trị và kết quả mong muốn của tổ chức. Qua đó, họ sẽ hiểu rõ vị trí của bản thân, trách nhiệm và khả năng đóng góp vào sự phát triển chung của tập đoàn.

Theo Quản trị dự án BSC, 2013 là năm FPT triển khai những nhiệm vụ đã đặt ra, trong bối cảnh kinh tế được dự báo có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, FPT sẽ có không ít cơ hội”. Với việc lắp “đồng hồ dự báo” lên tất cả các hoạt động và trang bị hệ thống quản trị logic, chặt chẽ và gắn bó với nhau, anh Minh tin tưởng hoạt động của FPT sẽ thông suốt và tránh được gập ghềnh.

“Tôi rất ấn tượng với sự cam kết, tham gia của lãnh đạo tập đoàn và các công ty thành viên, những người đã làm việc rất chăm chỉ để thiết kế ra các Bản đồ chiến lược. Hy vọng sắp tới, chúng ta sẽ thấy một FPT mới, đầy sức sống từ những định hướng mới này”, ông Adrian kỳ vọng.

Ngư Nhi

Ý kiến

()