Chúng ta

Thành viên SCIC lần đầu thoái vốn FPT trong năm

Thứ năm, 26/7/2018 | 10:49 GMT+7

Cuối tháng 7, Đầu tư SCIC (SIC) mới lần đầu đăng ký bán một lượng cổ phiếu FPT đang nắm giữ với mục tiêu đầu tư tài chính.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa thông báo giao dịch cổ phiếu của tổ chức có liên quan của người nội bộ. Theo đó, Đầu tư SCIC đăng ký bán 216.000 cổ phiếu từ ngày 30/7 đến 27/8. Mục đích thực hiện giao dịch được SIC lý giải là đầu tư tài chính. Nếu bán thành công, SIC còn sở hữu 2 triệu cổ phiếu FPT, tương đương tỷ lệ 0,33%.

ck-gybs-3324-1512110266-7735-1532576470.

Hôm nay (ngày 26/7), mã FPT đang giao dịch quanh mức giá 42.750 đồng/cổ phiếu. 

Vài năm gần đây, SIC - thành viên chuyên trách mảng đầu tư của SCIC thường giao dịch mua-bán mã FPT với tần suất tương đối dày. Tuy nhiên, từ cách nay hơn một năm (tháng 5/2017), thông tin giao dịch của đơn vị này không xuất hiện.

SIC thành lập đầu năm 2013 do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sở hữu. Công ty với vốn điều lệ ban đầu là 1.000 tỷ đồng và được bổ sung trong quá trình hoạt động theo tiến độ trong 3 năm, năm đầu cấp tối đa 500 tỷ đồng. SIC có hai chức năng chính là đầu tư tài chính (thực hiện đầu tư mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, mua bán sáp nhập) và đầu tư dự án. SCIC là cổ đông lớn của FPT và có một đại diện trong HĐQT FPT là ông Lê Song Lai, PTGĐ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước.

Mới đây, hồi tháng 5, SCIC lên kế hoạch bán cổ phần tại FPT năm 2018 trong báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp năm 2017. Theo báo cáo, năm 2018, sẽ bán cổ phần tại nhiều “đại gia” trên sàn như FPT - hiện sở hữu 6%, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong - sở hữu 37%; Nhựa Bình Minh - sở hữu 30%; Vinacontrol - hiện sở hữu 30%; Vinaconex - sở hữu 58%; DOMESCO - sở hữu 35%.

SCIC lý giải kế hoạch thoái vốn FPT được chuyển tiếp từ năm 2017 và việc bán vốn đề cập trong công văn của Chính phủ. Theo đó, tháng 10/2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ký văn bản cho phép SCIC “chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp nhằm đạt được lợi ích cao nhất”.

Trong số 10 doanh nghiệp mà SCIC được quyền chọn thời điểm thích hợp để trình phương án thoái vốn có FPT, Vinamilk, FPT Telecom, Nhựa Bình Minh (BMC)...

Trong hơn 2 năm qua, thoái vốn FPT được SCIC đặt ra vài lần nhưng chưa thực hiện. Mới nhất, SCIC thông báo sẽ công bố giá khởi điểm đối với FPT vào ngày 27/11/2017. Tuy nhiên, hạn này đã được giãn trong văn bản sau đó.

SCIC đang sở hữu 6% FPT, tương đương hơn 31 triệu cổ phiếu. 

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) của FPT tăng trưởng tốt, vượt kế hoạch lũy kế đề ra từ đầu năm.

Cụ thể, doanh thu đạt 10.225 tỷ đồng, tăng 19%; LNTT đạt 1.687 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ trong điều kiện so sánh tương đương (Năm 2017 hợp nhất kết quả kinh doanh của FPT Retail và Synnex FPT theo phương pháp vốn chủ sở hữu đối với công ty liên kết).

Trong điều kiện so sánh với số liệu thực tế cùng kỳ năm 2017 (Năm 2017 hợp nhất toàn bộ kết quả kinh doanh của FPT Retail và Synnex FPT), doanh thu giảm 49% và LNTT tăng 18% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế đạt 1.412 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng 19%, đạt 1.103 tỷ đồng và lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 1.803 đồng, tăng 19%. Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận đạt 16,5%, bằng 2,3 lần so với cùng kỳ.

Khối Công nghệ ghi nhận doanh thu và LNTT đạt lần lượt 5.457 tỷ đồng và 592 tỷ đồng, tăng tương ứng 21% và 31% so với cùng kỳ. Trong đó, lĩnh vực xuất khẩu phần mềm ghi nhận doanh thu đạt 3.578 tỷ đồng, tăng 29%. Lợi nhuận trước thuế trong kỳ đạt 532 tỷ đồng, tăng 23%.

>> FPT Telecom tiết kiệm khoản tiền lớn khi phí viễn thông giảm 50%

Tân Phong

Ý kiến

()