Theo anh Linh, nếu là một doanh nghiệp nhỏ hoặc cá nhân muốn kinh doanh qua mạng, chỉ cần tham gia những sàn giao dịch TMĐT như Sendo để bắt đầu cuộc hành trình của mình. Tại đây, các nghiệp vụ phụ trợ như quảng cáo, vận chuyển, thanh toán online và dịch vụ khách hàng đã được sàn thương mại điện tử này cung cấp sẵn. Người tham gia có thể sử dụng ngay mà không phải ký kết với bất kỳ công ty nào khác. “Khi đó bạn chỉ cần tập trung vào việc lựa chọn sản phẩm và bán cho khách hàng với một mức giá tốt nhất có thể. Thực tế, có rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp bằng việc tham gia bán hàng trên Sendo và kinh doanh rất hiệu quả”, CEO chia sẻ.
Sendo xuất phát là một dự án thuộc tập đoàn FPT. Năm 2014, khi dự án đạt quy mô và tốc độ tăng trưởng tốt, tập đoàn đã quyết định tách Sendo thành một công ty độc lập trực thuộc FPT. Vào tháng 12/2014, sàn thương mại điện tử này đã nhận được nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp lớn chuyên về lĩnh vực Internet và TMĐT của Nhật Bản.
TGĐ Sendo Trần Hải Linh cho rằng, hiện nay đang là thời điểm rất thuận lợi để làm TMĐT. Ảnh: V.N |
Xuất thân từ một công ty công nghệ của FPT, Sendo dựa vào nền tảng phân tích dữ liệu lớn để xây dựng hệ thống đánh giá và quản trị các shop kinh doanh. “Dựa vào các đánh giá của khách mua hàng, tỷ lệ đơn hàng thành công, tỷ lệ khiếu nại và rất nhiều thông số khác, chúng tôi hình thành một hệ thống xếp hạng điểm uy tín của các shop”, anh Linh cho biết.
Khi mua hàng trên Sendo, khách có thể kiểm tra điểm uy tín, thời gian kinh doanh cũng như các thông tin khác của shop để đánh giá về mức độ tin cậy. Đặc biệt, sàn TMĐT này có chương trình Shop Hoa Sen dành riêng cho những đơn vị bán hàng uy tín có chất lượng dịch vụ tốt. Không như một số website khác, danh hiệu này không thể mua mà chỉ có thể đạt được khi một shop kinh doanh đủ lâu và đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của Sendo về chất lượng dịch vụ.
Theo anh Linh, Việt Nam hiện ở trong một làn sóng phát triển TMĐT rất mạnh. Báo cáo của Bộ Công thương đưa ra con số tăng trưởng của thị trường này đạt 30%, ở mức 4 tỷ USD trong năm 2015. “Càng ngày chúng ta càng thấy nhiều người Việt Nam mua sắm qua mạng hơn”, CEO nhận định. Anh đánh giá có hai cơ hội lớn cho TMĐT Việt Nam ở thời điểm này. Thứ nhất, xu hướng TMĐT trên di động. Hiện nay, số lượng người truy cập Internet trên điện thoại di động đã vượt con số truy cập trên máy tính. Cụ thể, ở Sendo, tốc độ tăng trưởng trên di động cao gấp 2-3 lần tốc độ tăng trưởng trên máy tính.
Thứ hai, ngày càng nhiều người dân ở các tỉnh thành ngoài Hà Nội và TP HCM tham gia vào quá trình TMĐT. “Chúng tôi tự hào 50% khách hàng của Sendo đến từ khu vực này. Đây lại là những nơi chiếm phần lớn dân số Việt Nam nên còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong tương lai”, anh Linh phân tích.
Anh Trần Hải Linh (áo xanh nhạt, trái) trao đổi cùng các thành viên Hiêp hội TMĐT châu Á (ECCA) khi đoàn đến thăm Sendo trong tháng 11 vừa qua. Ảnh: ECCA. |
CEO Sendo cho rằng điều quan trọng nhất đối với một công ty TMĐT là hiểu khách hàng một cách sâu sắc cũng như nỗ lực trong việc đưa đến trải nghiệm tốt nhất cho họ khi mua sắm. Trên góc độ đó, các công ty Việt Nam sẽ có lợi thế một chút trong việc thấu hiểu thói quen cũng như nhu cầu mua sắm hàng hóa của chính người dân nước mình. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp nội cạnh tranh với những đối thủ ngoại có thể có ưu thế về vốn và công nghệ. “Mặc dù vậy tôi cho rằng thị trường của chúng ta vẫn còn tiềm năng rất lớn, đủ chỗ cho tất cả doanh nghiệp làm ăn chân chính và đầu tư nghiêm túc”, anh khẳng định.
Theo anh Linh, thanh toán qua mạng không phải là một rào cản đối với sự phát triển của TMĐT Việt Nam. Thực tế tốc độ tăng trưởng của ngành này vẫn đang rất tốt dù tỷ lệ sử dụng thanh toán trực tuyến của Việt Nam chưa có nhiều thay đổi đáng kể. “Một phần lý do này vì nước ta vẫn là một nền kinh tế sử dụng tiền mặt. Hầu hết các trang TMĐT lớn vẫn đang hỗ trợ thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng. Tôi cho rằng thách thức lớn nhất đối với TMĐT Việt Nam là thay đổi hành vi của người mua hàng để tạo thói quen mua sắm qua mạng”, TGĐ Sendo chia sẻ.
Để có thể tồn tại và phát triển trong ngành TMĐT Việt Nam, theo CEO Trần Hải Linh, các doanh nghiệp cần tập trung vào việc hoàn thiện trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng, mang đến cho khách hàng những sản phẩm tốt với mức giá hợp lý. “Với Sendo, chúng tôi còn phải tập trung vào việc giúp hàng chục nghìn thương nhân kinh doanh một cách có hiệu quả tại sàn. Tạo được giá trị cho khách hàng là cách tốt nhất để phát triển”. CEO nhấn mạnh, không một chiến dịch marketing hoặc giảm giá tốn kém nào có thể thay thế được điểm mấu chốt cực kỳ quan trọng này.
Hiện nay, Sendo có hơn 10 nghìn shop kinh doanh với hàng triệu sản phẩm khác nhau. Năm ngoái, theo Báo cáo thương mại điện tử của Chính phủ, Sendo được xếp thứ 2 về giá trị giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam với 14,4%.
>> Hiệp hội thương mại điện tử châu Á thăm Sendo
Yến Nhi
Ý kiến
()