- Thời gian gần đây, hoạt động ERP của FPT khởi sắc khi ký được nhiều hợp đồng, trong đó có những hợp đồng trị giá hàng triệu USD với công ty tư nhân và triển khai thành công đúng hạn nhiều dự án quan trọng. Là một người theo sát ERP, theo anh, đâu là những lý do dẫn đến sự thành công đó?
- FPT đã kiên trì làm thị trường ERP trong rất nhiều năm và kiên định đi theo hướng chuyên sâu về giải pháp doanh nghiệp. Đơn vị cũng xây dựng được đội ngũ tư vấn triển khai có chất lượng, đông đảo và chịu khó lăn lộn với thực tế thị trường Việt Nam.
Gần đây, FPT cũng gặt hái được nhiều hợp đồng ERP hơn. Điều đó phản ánh việc đầu tư lâu dài và sự kiên định bám vào sức mạnh cốt lõi là cung cấp giải pháp và dịch vụ.
FPT cũng phối hợp với các đối tác cung cấp giải pháp gốc, khai thác được sức mạnh công nghệ của họ cho thị trường Việt Nam và cho các khách hàng của FPT.
CEO FPT Bùi Quang Ngọc cho rằng một tổ chức muốn phát triển trường tồn thì “ERP hóa” là việc cần phải làm. Ảnh: C.T. |
- Để triển khai một dự án ERP thành công cần những yếu tố gì, thưa anh?
- Theo tôi có 3 yếu tố quan trọng gồm: Sự hiểu biết về nhu cầu của đơn vị cần tin học hóa và tìm được những giải pháp phù hợp; Nhà tư vấn triển khai phải có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực của giải pháp; và Bản thân chủ đầu tư/khách hàng sẵn sàng chấp nhận việc thay đổi, nỗ lực vượt qua những khó khăn khi tin học hóa, luôn đồng hành với đơn vị triển khai nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Ba yếu tố này cũng đúng cho các dự án tin học hóa nói chung chứ không riêng dự án ERP.
- Nhìn lại lịch sử ERP của FPT, anh tâm đắc điều gì nhất?
- Điều ấn tượng nhất là trong thời gian dài, đội ngũ cán bộ làm ERP của FPT đã kiên trì lựa chọn đúng hướng: Xây dựng cho mình giá trị cốt lõi bằng cách cung cấp giải pháp và dịch vụ.
Đặc biệt, các cán bộ ERP ngày càng nỗ lực, kiên trì nghiên cứu các giải pháp chuyên sâu cho từng lĩnh vực khác nhau của doanh nghiệp.
- Anh đánh giá như thế nào về cơ hội, tiềm năng phát triển cũng như những thách thức trong mảng ERP của FPT?
- Tiềm năng tại thị trường Việt Nam còn rất rộng mở bởi có hàng nghìn doanh nghiệp lớn phải triển khai ERP, trong đó chỉ có trên dưới 100 đơn vị đã bắt đầu làm tương đối, chưa kể các loại hình doanh nghiệp khác.
Hiện nay, FPT vẫn tập trung vào các công ty lớn, tuy nhiên thị trường doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng là cơ hội lớn cho chúng ta. Tất nhiên, giải pháp và cách thức triển khai cũng khác, đòi hỏi FPT phải nghiên cứu, trau dồi thêm.
TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc (phải) cùng lãnh đạo Vinasoy tại lễ khởi động dự án ERP cho Top 5 công ty sữa đậu nành lớn nhất thế giới. Ảnh: FPT IS. |
- Từ dự án của Vinasoy cho thấy sự sát sao của lãnh đạo cũng như những cam kết cao nhất từ người đứng đầu của tập đoàn đóng vai trò quan trọng trong việc chốt hợp đồng của dự án ERP với khách hàng. Anh có nhận định gì?
- Dự án có sự tham gia của lãnh đạo tập đoàn sẽ có tính cam kết và những phân tích, khuyến nghị thuyết phục hơn so với đơn vị thành viên. Tất nhiên lãnh đạo phải có hiểu biết về giải pháp, kinh nghiệm về ERP cũng như kinh nghiệm chung về tin học hóa để hỗ trợ cho đơn vị khi bán hàng.
- Với thị trường nước ngoài như Myanmar, Bangladesh, Philippines, Campuchia, Lào… FPT mới chủ yếu triển khai các giải pháp lõi Ngân hàng, Viễn thông, Tài chính, trong khi ERP chưa có nhiều dự án (hiện có 2 dự án ở Bangladesh và một ở Myanmar). Anh đánh giá thế nào về tiềm năng ERP của FPT tại nước ngoài?
- Gần đây, FPT đang đẩy mạnh công cuộc toàn cầu hóa cho nhiều hướng kinh doanh và ERP cũng có nhiều cơ hội lớn. Trong khi đó, hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài có nhiều nét giống nhau về quy trình sản xuất, bán hàng, tồn kho… nên khá thuận lợi khi đi triển khai. Do đó, rào cản chủ yếu là ngôn ngữ và thích nghi với môi trường toàn cầu hóa… Khi triển khai ERP sẽ động chạm rất nhiều đến quy trình nghiệp vụ nên người triển khai cần có ngôn ngữ tốt để giao tiếp và trao đổi.
Trong lĩnh vực ERP hiện nay, FPT đang cạnh tranh chủ yếu với các doanh nghiệp triển khai nước ngoài vì họ có truyền thống, đội ngũ quốc tế, thương hiệu lớn và dễ dàng mời chuyên gia ngành hàng tham gia tư vấn. Tuy nhiên, khi vào thị trường Việt Nam, họ sẽ gặp những khó khăn nhất định về văn hóa, con người… Điều đó lại tạo ra thế mạnh cho các doanh nghiệp ERP Việt Nam.
Như vậy, khi công ty nước ngoài vào Việt Nam có khó khăn gì thì công ty Việt Nam ra nước ngoài cũng gặp khó khăn tương tự. Do đó, chúng ta phải có năng lực cao hơn, nắm rất sâu về giải pháp, hiểu biết một cách nền tảng về ERP và hoạt động doanh nghiệp. Kỹ năng của người lính ra trận phải cao hơn ở trong nước mới đạt được thành công.
- Thị trường trong nước vẫn còn rất nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác hiệu quả bởi lý do doanh nghiệp luôn phàn nàn rằng mức giá triển khai ERP còn quá cao. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần giảm bớt chi phí với những ngành nghề/lĩnh vực không mang tính đặc thù để họ có thể tiệm cận với ERP. Anh nghĩ sao về việc này?
- Theo tôi, vấn đề là hiệu quả. Giá cao hay thấp doanh nghiệp vẫn sẽ chi miễn là mang lại lợi ích. Tin học hóa nói chung sẽ có kết quả gián tiếp chứ không thể trả lời là lãi bao nhiêu tiền giống như việc đầu tư một dây chuyền sản xuất mới. Giá trị Hệ thống thông tin phải đo đếm bằng nhiều góc độ, đại lượng khác nhau, trong đó nó phải giúp quản trị doanh nghiệp, hạn chế rủi ro, giảm được hàng tồn một cách tối ưu… Những người quản lý doanh nghiệp sẽ hiểu được giá trị thực sự mà ERP mang lại.
Bản thân Vinasoy đã nghiên cứu 2 năm mới quyết định triển khai giải pháp. Họ là Top 5 thế giới về sản xuất sữa đậu nành. Với việc đặt vị trí và tư duy toàn cầu như vậy nên việc chi hàng triệu đôla để triển khai ERP không phải là vấn đề bởi họ nhận thức được giá trị to lớn mà giải pháp này mang lại.
Vì vậy, theo tôi, quan trọng là nhận thức và hiểu biết về giá trị ERP như thế nào, cách đặt vị trí của doanh nghiệp ra sao. Những doanh nghiệp có tham vọng sẽ không ngần ngại đầu tư. Một tổ chức muốn phát triển trường tồn thì “ERP hóa” là việc cần phải làm.
Với đơn vị triển khai giải pháp phải làm đúng như nó đã được thiết kế để mang lại lợi ích thực sự cho doanh nghiệp. Chúng ta cần làm đúng, làm chuẩn, khai thác tối đa giải pháp sao cho phù hợp với nhu cầu của của từng tổ chức. Khi đó, giá trị sẽ lan tỏa và sớm hay muộn thì các doanh nghiệp sẽ ERP hóa toàn bộ, tiềm năng cho FPT còn rất lớn.
>> Giành dự án Vinasoy, FPT IS ERP được trao HC Chiến công FPT hạng Nhì
Dương Hải Quyên thực hiện
Ý kiến
()