Theo ông Lê Long, Trưởng ban Kế hoạch - tổng hợp của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC, theo danh mục quyết định phê duyệt của Thủ tướng hồi tháng 7, tổng công ty này sẽ phải thoái vốn tại 80 doanh nghiệp với nhiều thương hiệu lớn như Tập đoàn FPT, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh, Bảo hiểm Bảo Minh, Sa Giang, Dược Lâm Đồng, Vinacontrol… trong 2 tháng cuối năm nay. Ước tính tổng giá trị số doanh nghiệp này khoảng 100.000 tỷ đồng.
Ban đầu FPT Telecom cũng có trong danh sách thoái vốn của SCIC. Tuy nhiên, ngày 11/7, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký quyết định phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đến năm 2020. Cụ thể, theo phương án phân loại, sắp xếp doanh nghiệp của SCIC đến năm 2020, có hai doanh nghiệp SCIC tiếp tục đầu tư nắm giữ là Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC (SIC), Công ty Cổ phần Viễn thông FPT. |
Dự kiến SCIC sẽ tổ chức các buổi giới thiệu cơ hội đầu tư và hoàn thành bán vốn tại các doanh nghiệp như FPT, NTP, BMP. Đánh giá chung về sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài với vốn thoái tại các doanh nghiệp này, ông Lê Long nhìn nhận, hầu hết rất quan tâm nhưng còn phụ thuộc vào yếu tố thị trường và thời điểm bán.
Trong một thông cáo mới đây, Jardine Cycle & Carriage (JC&C, Singapore) cho biết tập đoàn này đã mua 3,33% cổ phần Vinamilk từ SCIC và tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên mức 5,53%. Số tiền JC&C dự chi là 617 triệu đô la Mỹ - tương đương 13.565 tỷ đồng.
SCIC, đơn vị đại diện vốn nhà nước tại Vinamilk, hiện là cổ đông lớn nhất nắm giữ 36% cổ phần. Ông Nguyễn Chí Thành, PTGĐ phụ trách SCIC, Trưởng ban tổ chức chào bán cạnh tranh, đánh giá giao dịch chào bán cổ phần Vinamilk thành công trên mức kỳ vọng. Thành công của đợt đấu giá Vinamilk khiến SCIC tự tin vào kế hoạch chào bán cổ phần tại các thương hiệu còn lại.
Theo đại diện SCIC, với kết quả kinh doanh tốt trong năm 2016, nhà F có hai đại diện doanh nghiệp có tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (chỉ số ROE - Return on common equity - tỷ số quan trọng nhất đối với các cổ đông, tỷ số này đo lường khả năng sinh lợi trên mỗi đồng vốn của cổ đông thường) rất cao của SCIC như: Vinamilk (42%), FPT Telecom (29%), Nhựa Bình Minh (27%), Dược Hậu Giang (25%), Công ty CP Sa Giang (24%), Nhựa Tiền Phong (22%), FPT (22%), Traphaco (21%)…
Hiện SCIC là cổ đông lớn thứ hai tại FPT sau Chủ tịch Trương Gia Bình (7,14%). SCIC cũng có một đại diện trong HĐQT FPT là ông Lê Song Lai, PTGĐ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước.
Năm 2016, doanh thu FPT đạt 40.545 tỷ đồng, tăng 1,4% so với năm 2015. Lợi nhuận hợp nhất đạt 3.014 tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm trước. Năm nay, FPT đặt kế hoạch doanh thu 46.619 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2016 và lợi nhuận trước thuế đạt 3.408 tỷ đồng, tăng 13%.
Kết thúc 9 tháng, các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận của FPT đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt. Doanh thu hợp nhất đạt 31.131 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.308 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, tương đương 99% kế hoạch lũy kế. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.955 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
Tăng trưởng lợi nhuận của FPT được đóng góp chủ yếu từ hai lĩnh vực cốt lõi là Công nghệ và Viễn thông, chiếm 73% tổng lợi nhuận toàn Tập đoàn. Thị trường nước ngoài của FPT ghi nhận doanh thu đạt 4.879 tỷ đồng, tăng 17%; Lợi nhuận trước thuế đạt 741 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 1/3 lợi nhuận toàn tập đoàn.
Kết thúc phiên cuối tuần trước (ngày 10/11), mã FPT đang giao dịch ở mức giá 52.200 đồng/cổ phiếu.
>> CEO FPT Japan: ‘Cơ hội FPT ở Nhật 50 năm mới có một lần’
Chi Vy
Ý kiến
()