Theo đó, SIC, công ty con của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), đã bán ra 500.000 cổ phiếu của FPT theo phương thức khớp lệnh.
Thời gian thực hiện giao dịch là từ ngày 7-12/12. Trong khoảng thời gian này, mã FPT dao động từ 44.200-45.000 đồng. Như vậy, dự kiến SIC thu về khoảng hơn 22 tỷ đồng. Mục đích thực hiện giao dịch được SIC lý giải là đầu tư tài chính. Sau khi bán thành công, SIC còn sở hữu 1.500.062 cổ phiếu FPT, tương đương tỷ lệ 0,24%.
SIC thông báo mục đích thực hiện giao dịch là đầu tư tài chính. Ảnh: TNO. |
Hiện Chủ tịch Hội đồng thành viên SIC là ông Lê Song Lai, đồng thời ông Lai cũng là thành viên hĐQT của FPT nên thuộc diện phải công bố thông tin.
SIC thành lập đầu năm 2013 do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sở hữu. Vài năm gần đây, SIC - thành viên chuyên trách mảng đầu tư của SCIC thường giao dịch mua-bán mã FPT với tần suất tương đối dày. Trước đó, hồi tháng 8, SIC cũng bán thành công 216.000 cổ phiếu FPT thông qua phương thức khớp lệnh để giảm tỷ lệ sở hữu.
Cuối năm ngoái, SCIC đã thông báo lộ trình bán vốn dự kiến tại 4 doanh nghiệp gồm Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC), Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP), Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) và Công ty cổ phần FPT (FPT). Tuy nhiên, SCIC chưa có động thái nào liên quan việc thoái vốn tại FPT.
Theo kết quả kinh doanh mới nhất, kết thúc 11 tháng đầu năm 2018, doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) của FPT lần lượt đạt 20.487 tỷ đồng và 3.571 tỷ đồng, tương đương 94% và 102% kế hoạch cả năm, tăng 21% và 35% so với cùng kỳ trong điều kiện so sánh tương đương (Năm 2017 hợp nhất kế quả kinh doanh của FPT Retail và Synnex FPT theo phương pháp vốn chủ sở hữu đối với công ty liên kết).
Trong điều kiện so sánh với số liệu thực tế cùng kỳ năm 2017 (Năm 2017 hợp nhất toàn bộ kết quả kinh doanh của FPT Retail và Synnex FPT), doanh thu giảm 48% và LNTT tăng 19%.
Lợi nhuận sau thuế FPT đã đạt 3.013 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 2.421 tỷ đồng, tăng 24% và lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 3.952 đồng, tăng 23%. Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận đạt 17,4%, bằng 2,3 lần so với cùng kỳ.
Doanh thu khối Công nghệ và Viễn thông đóng góp 94% tổng doanh thu của toàn Tập đoàn. Trong đó, khối Công nghệ của FPT ghi nhận doanh thu và LNTT đạt lần lượt 11.214 tỷ đồng và 1.405 tỷ đồng, tăng tương ứng 25% và 44% so với cùng kỳ, tương đương 106% và 112% kế hoạch lũy kế.
Khối Viễn thông ghi nhận 8.062 tỷ đồng doanh thu, đạt kế hoạch lũy kế, tăng 16%, trong khi đó LNTT đạt 1.402 tỷ đồng, tăng 23%, tương đương 104% kế hoạch lũy kế.
Toàn cầu hóa tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của FPT. Trong 11 tháng đầu năm, thị trường nước ngoài mang về cho FPT 8.059 tỷ đồng doanh thu, tăng 31% và 1.344 tỷ đồng LNTT, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng doanh thu thị trường nước ngoài tăng từ mức 16% trong 11 tháng năm 2017 lên mức 39% trong 11 tháng năm 2018.
>> 11 tháng, lợi nhuận FPT vượt kế hoạch cả năm 2018
Hà An
Ý kiến
()