Macquarie Bank Limited tiếp tục nhận chuyển nhượng 2,3 triệu cổ phiếu FPT, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo ngày 14/7. Bên bán cổ phần là Vietnam Growth Stock Income Mother Fund và CAM Vietnam Mother Fund.
Trong phiên giao dịch 14/7, FPT đóng cửa ở mức 48.550 đồng/cp. Tạm tính theo giá này, số tiền mà Macquarie Bank chi ra trên 110 tỷ đồng.
Trước đó, vào ngày 9/7, Macquarie Bank cũng vừa mua vào 2,3 triệu cổ phiếu FPT từ Truck Capital Master Fund, Ltd. Hồi cuối năm 2019, tổ chức này đã nắm giữ 4,33% cổ phần FPT và là cổ đông sở hữu lượng cổ phiếu nhiều thứ 3 tại FPT, sau Chủ tịch Trương Gia Bình và SCIC.
Trụ sở Macquarie Group ở Australia. |
Quỹ Macquarie Bank, ngân hàng thuộc Macquarie Group - đến từ Australia. Hiện cổ phiếu MQG của Tập đoàn này đang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Australia (ASX).
FPT là một trong những cổ phiếu đã cạn room ngoại (tỷ lệ sở hữu nước ngoài) ở mức 49%. Do đó khối ngoại thường thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần với nhau, cộng thêm một mức thặng dư nhất định qua VSD. Mức thặng dư theo một số công ty quản lý quỹ là trên 30%.
Mới đây (ngày 13/7), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa công bố thông tin bán đấu giá toàn bộ cổ phần đang nắm giữ tại FPT, tương đương 5,87% vốn điều lệ.
Theo đó, SCIC chào bán hơn 46 triệu cổ phần phổ thông của FPT, với giá khởi điểm là 49.400 đồng/cổ phần theo hình thức đấu giá cả lô, trong đó mỗi nhà đầu tư phải đăng ký mua toàn bộ số cổ phần chào bán.
Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không được tham gia đấu giá do tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại tại FPT đã đạt mức tối đa, cụ thể là 49%. FPT từ lâu luôn là cổ phiếu được khối ngoại ưa thích. Tuy nhiên do đã hết room ngoại nên các quỹ thường chỉ gia tăng sở hữu từ việc "trao tay" nhau hoặc mua cổ phiếu gián tiếp thông qua các quỹ ETFs.
Thời gian đăng ký và nộp tiền cọc là từ ngày 31/7 đến 16h 6/8, thời gian nộp phiếu tham dự đấu giá là từ 9h đến 14h ngày 7/8. Buổi đấu giá dự kiến tổ chức ở Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM vào 14h30 ngày 7/8.
Việc thoái vốn FPT đã được SCIC lên kế hoạch cách đây hơn 3 năm, tuy nhiên đến nay công ty này mới chính thức đấu giá công khai cổ phần FPT. Nếu đấu giá thành công, SCIC dự kiến thu về tối thiếu 2.273 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh của FPT, doanh thu thuần năm 2019 đạt trên 27.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ghi nhận trên 4.600 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,4% và 20,92% so với năm 2018.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I được FPT công bố hồi cuối tháng 4, quý vừa qua, doanh nghiệp này đạt trên 6.600 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận trước thuế đạt trên 1.100 tỷ đồng, tăng 19%.
FPT lên kế hoạch năm 2020 đạt doanh thu tăng 17% so với năm 2019, cụ thể là 32.450 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế mục tiêu dự kiến ghi nhận 5.510 tỷ đồng, tương ứng tăng 18% so với năm trước.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FPT hiện giao dịch ở mức giá 48.000 đồng/cổ phiểu (giá đóng cửa ngày 12/7). Vốn hóa thị trường của FPT hiện đạt hơn 37.000 tỷ đồng.
Liên quan đến cổ phiếu FPT, cuối tháng 6 công ty đã phát hành hơn 102,2 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 15% cho cổ đông, tăng vốn điều lệ sau phát hành lên gần 7.840 tỷ đồng. Trong số các cổ phiếu phát hành thêm, có hơn 100,7 triệu cổ phiếu tự do chuyển nhượng - được giao dịch bổ sung từ 30/6.
Số còn lại là các cổ phiếu phát hành thêm cho cổ đông đang sở hữu cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng, cổ phiếu ESOP. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định.
>> SCIC thoái vốn FPT, giá khởi điểm hơn 2.200 tỷ đồng
Hà An
Ý kiến
()