Thời gian gần đây, FPT Software bắt đầu thiết kế phần cứng, sau khi phần mềm đã khẳng định được vị trí dẫn đầu ở trong và ngoài nước. Thiết kế vi mạch (LSI) được giao cho FSU11 đảm nhiệm với khách hàng chủ yếu ở thị trường Nhật Bản. Ngay trong năm đầu tiên, đơn vị đã có doanh số và đến cuối năm nay, con số này được dự báo sẽ tăng gấp đôi so với hiện tại.
Giám đốc FSU11.LSI Nguyễn Thanh Yên khẳng định, LSI sẽ mở ra cơ hội đem lại doanh thu lớn cho FPT Software. "Đây là lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, nếu làm tốt, mảng dịch vụ này sẽ giúp công ty nâng tầm trong chuỗi sản xuất của ngành công nghiệp điện tử", anh Yên nhấn mạnh.
Quan trọng hơn, theo TGĐ FPT Software Hoàng Việt Anh, tham gia thiết kế vi mạch sẽ giúp công ty làm chủ được sản phẩm, bởi "mô hình LSI là làm trọn gói chứ không phải outsourcing đơn thuần".
FPT Software mong muốn nâng số kỹ sư thiết kế vi mạch tại Việt Nam để thu hút nhiều doanh nghiệp. |
Hiện tại, công nghệ vi mạch được xem là lĩnh vực góp phần đáng kể vào tổng sản lượng quốc gia của nhiều nước trên thế giới. Đây còn là động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghệ khác bởi hầu hết các thiết bị hiện dùng đều có sự góp mặt của các vi mạch bên trong. Năm 2014, theo số liệu thống kê của IC Insights, tổng doanh thu của 20 công ty vi mạch, bán dẫn lớn nhất thế giới là khoảng 230 tỷ USD.
Báo cáo của PwC dự đoán, thị trường bán dẫn toàn cầu từ 2012-2017 sẽ tăng 109 tỷ USD, đạt 400,2 tỷ USD vào 2017 với mức tăng trưởng kép (CAGR - Compounded Annual Growth rate) là 6,5%. Đóng góp nhiều vào phát triển doanh thu của ngành vi mạch là ứng dụng trong các lĩnh vực xử lý dữ liệu, truyền thông, điện tử tiêu dùng. Ngoài điện thoại thông minh (smartphone) và máy tính bảng (tablet), ô tô và công nghiệp là những lĩnh vực tác động mạnh đến doanh thu của ngành với mức CAGR tăng lần lượt là 9,4% và 8,8%.
Ở Việt Nam, ngành sản xuất vi mạch bán dẫn bắt đầu manh nha từ những năm cuối thập kỷ 1980, tuy nhiên, phải đợi tới hơn 2 thập kỷ sau, ngành này mới phát triển với sự đầu tư của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Trong hơn 20 công ty đang hoạt động tại lĩnh vực thiết kế vi mạch hiện nay, FPT Software là công ty thương mại đầu tiên của Việt Nam kinh doanh mảng dịch vụ này.
Theo số liệu nghiên cứu từ In-Stat, mỗi năm Việt Nam cần chi 2 tỷ USD nhập khẩu các linh kiện bán dẫn. Hiện tại, sản phẩm vi mạch bán dẫn được đưa vào danh mục các sản phẩm quốc gia, cần ưu tiên phát triển tới năm 2020.
Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân từng chia sẻ, vi mạch là một phân tử quan trọng trong nền kinh tế, biểu tượng của năng suất lao động cao nhất. Vi mạch cộng với phần mềm nhúng sẽ thành bộ “não” trong tất cả trang thiết bị hiện đại. Cả nước hiện có khoảng 2.000 kỹ sư thiết kế vi mạch, việc phát triển đội ngũ này và xây dựng ngành công nghiệp vi mạch sẽ tạo động lực để công nghiệp hóa đất nước.
Thiết kế vi mạch khác nhau giữa các thiết bị, tùy theo tính năng của sản phẩm. |
Quy trình LSI chia ra làm ba công đoạn chính, gồm: thiết kế, sản xuất và đóng gói. Trong đó, FPT Software làm công đoạn thiết kế, triển khai 5 dịch vụ gồm: Thiết kế vi mạch tương tự; Thiết kế layout vi mạch tương tự; Kiểm thử thiết kế số; Mô hình hóa hệ thống sử dụng ngôn ngữ systemC và Thiết kế mạch điện tử ứng dụng. Thông thường, thời gian từ lúc bắt đầu thiết kế đến khi hình thành con chip kéo dài khoảng 9 tháng, riêng thời gian thiết kế là từ 4-5 tháng. Đây cũng là công đoạn tốn thời gian và sức lực nhất.
"Khó nhất trong việc thiết kế vi mạch là làm sao con chip được chế tạo ra hoạt động đúng so với yêu cầu các thông số kỹ thuật của khách hàng. Bởi vậy, kinh nghiệm thiết kế và các trải nghiệm thực tế quá trình hình thành một sản phẩm chip vi mạch thương mại là yêu cầu tối quan trọng đối với một kỹ sư LSI", anh Yên nói.
Cơ hội không giới hạn, nhưng sự chênh lệch giữa tốc độ phát triển công nghệ trên thế giới và Việt Nam chính là thách thức lớn nhất đối với FPT Software. Để vượt qua khoảng cách công nghệ này, các kỹ sư Việt Nam cần có thêm nhiều dự án thực tế để phát triển đội ngũ. "Về năng lực, FPT Software hiện nay đã tập hợp được một số lượng các kỹ sư nhiều kinh nghiệm ở trong nước, Nhật Bản, cũng như Việt Kiều ở Mỹ, đội ngũ này hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các đối thủ trong và ngoài biên giới lãnh thổ", Giám đốc FSU11.LSI nhận định.
Với nền tảng nhiều khách hàng thân thuộc, triển khai dịch vụ thiết kế vi mạch ở thị trường truyền thống Nhật Bản sẽ giúp FPT Software có những bước đi vững chắc đầu tiên. Từ đây, đơn vị nuôi tham vọng trở thành người dẫn đầu mảng dịch vụ này của Việt Nam tại các thị trường tiềm năng lớn khác như Mỹ và châu Âu.
"Các công ty của Ấn Độ có mức giá cao, trong khi Trung Quốc cũng không còn là thị trường lý tưởng. Vì vậy, Việt Nam có cơ hội để tham gia vào thị trường này. Tuy nhiên, nếu sau 5 năm nữa không tự trưởng thành thì chúng ta sẽ có nguy cơ bị thay thế", anh Yên chia sẻ về cơ hội và thách thức của đơn vị.
Vi mạch bắt đầu được biết đến vào năm 1958 khi Jack Kilby phát minh ra mạch tích hợp đầu tiên trên thế giới, mạch dao động đơn giản tổ hợp từ 5 đơn vị linh kiện, tại Texas Instruments. Trước đó Kilby đã có một ghi chú vô cùng quan trọng là “các linh kiện như điện trở, tụ điện và transistor nếu được làm từ cùng một vật liệu thì hoàn toàn có thể tạo ra các mạch điện trên cùng một phiến đế, gọi là chip” Với đóng góp quan trọng này Kilby đã nhận giải Nobel Vật lý cùng hai nhà khoa học khác vào năm 2000. Ngày nay, mật độ tích hợp của một chip vi mạch có thể lên tới hơn 7 tỷ đơn vị linh kiện. Trong giai đoạn thiết kế, dựa trên yêu cầu tổng quát của của khách hàng, các kỹ sư trưởng sẽ nghiên cứu, đề xuất các đặc tả về thông số kỹ thuật cụ thể và ra quyết định về công nghệ, công cụ phần mềm và các cấu trúc phù hợp. Sau đó các kỹ sư trưởng cùng với đội ngũ kỹ sư thiết kế của mình sẽ tiến hành các bước thiết kế chi tiết cho sản phẩm đó. Bản thiết kế sẽ được đưa ra dưới dạng một sơ đồ mạch điện hoặc các tài liệu mô tả thiết kế thông qua ngôn ngữ mô tả phần cứng chuyên dụng. Các kỹ sư, sau đó, dùng các phần mềm hỗ trợ để chạy mô phỏng và kiểm tra độ chính xác của thiết kế . Sau khi bản thiết kế được kiểm tra đạt đúng yêu cầu thiết kế, không có sai sót. Bản thiết kế sẽ được layout để tạo ra bản vẽ hình khối vật lý cuối cùng. Do Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất chip (wafer fab), bản vẽ sẽ được gửi tới các nhà máy sản xuất chip ở nước ngoài để tiếp tục công đoạn chế tạo và đóng gói để cho ra sản phẩm chip vi mạch cuối cùng. |
T.N
Ý kiến
()