Từ 28/8-11/9, FPT có đều 5 phiên tăng - giảm. Sau 10 phiên, từ mức giá 47.600 đồng mã FPT đứng ở giá 47.350 đồng vào ngày 11/9.
Lịch sử giao dịch FPT 10 phiên gần nhất (phải) và phiên giao dịch ngày 12/9 (trái). |
Bước vào phiên giao dịch sáng 12/9, thị trường vẫn khá rung lắc trước sự phân hóa của nhóm cổ phiếu bluechip cùng dòng tiền tham gia hạn chế.
Trong khi VN-Index rung lắc và thử thách tại ngưỡng 795 điểm, mã FPT lại vụt tăng. Chốt phiên, chứng khoán nhà F tăng 750 đồng, lên giá 48.100 đồng. Có hơn 840.000 cổ phiếu sang tay, tổng giá trị gần 42 tỷ đồng.
Thông tin tích cực giúp FPT tăng trong phiên giao dịch trước thềm sinh nhật lần thứ 29 là tập đoàn vừa ký thỏa thuận hợp tác đầu tư với nhà đầu tư chiến lược Synnex Technology International (Mỹ). Theo đó, tập đoàn lớn thứ 3 thế giới về phân phối sản phẩm công nghệ sẽ sở hữu 47% vốn tại FPT Trading.
Trong thương vụ này, FPT Trading được định giá 80 triệu USD, FPT sẽ nhận được 932 tỷ đồng (tương đương khoảng 41 triệu USD) bao gồm tiền từ Synnex và lợi nhuận giữ lại của FPT Trading.
Thành lập năm 1975, Synnex là tập đoàn phân phối toàn cầu hiện diện tại 38 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 200 văn phòng, mạng lưới phân phối phủ 60% dân số toàn thế giới. Năm 2016, doanh thu của tập đoàn đạt 33 tỷ USD.
CEO FPT Bùi Quang Ngọc và CEO Synnex Evans Tu trao văn bản hợp tác chiến lược. |
Trong lịch sử hoạt động, Synnex từng mua lại 20 công ty lớn nhỏ, trong và ngoài nước Mỹ, trong đó có bộ phận chăm sóc khách hàng doanh nghiệp của IBM, Redmond Group of Companies (Canada).
"Với năng lực và kinh nghiệm của Synnex trong việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm, phát triển kênh bán hàng, logistics cũng như vận hành, chúng tôi sẽ thúc đẩy hơn nữa chất lượng và kết quả kinh của FPT Trading", ông Evans Tu, Tổng giám đốc Synnex, cho biết.
Đại diện hãng phân phối công nghệ đứng thứ 3 thế giới cũng cho biết sẽ không cử người đại diện tham gia vào quá trình hoạt động của FPT Trading mà chủ yếu sẽ hỗ trợ FPT trong việc xây dựng định hướng hoạt động.
"Quan điểm của chúng tôi là đối tác sẽ là người hiểu rõ nhất về thị trường nên chúng tôi chỉ đóng góp về mặt chiến lược và định hướng hoạt động cho FPT Trading thay vì điều hành trực tiếp các công việc hàng ngày", ông Evans Tu nhận định.
Cũng theo Nghị quyết Hội đồng quản trị của FPT, tập đoàn cũng quyết định bán 5% vốn điều lệ của FPT Trading cho cán bộ công nhân viên có đóng góp quan trọng. Theo đó, cơ cấu cổ đông của công ty này sau thương vụ sẽ gồm FPT (sở hữu 48%), Synnex (47%) và các cổ đông khác.
>> Chủ tịch FPT: 'Chúng ta đi khi chưa có đường'
Nguyên Văn
Ý kiến
()