Chúng ta

Infosys lập cơ chế thu nhập mới giữ chân nhân tài

Thứ năm, 16/4/2015 | 08:59 GMT+7

Công ty phần mềm lớn thứ hai Ấn Độ đang xem xét thay đổi cơ cấu khen thưởng gắn kết chế độ lương, đãi ngộ với doanh thu nhằm loại bỏ hình ảnh ngại rủi ro để giành được những hợp đồng lớn hơn.

Infosys lên kế hoạch xây dựng một cơ chế khen thưởng mới cho nhân viên kinh doanh xuất sắc trong nỗ lực giữ chân những vị trí chủ chốt trong cuộc đua giành những hợp đồng gia công phần mềm lớn và lấy lại tốc độ tăng trưởng. Nhiều năm qua, hãng dịch vụ phần mềm lớn thứ hai của Ấn Độ luôn xem lợi nhuận và sự tăng trưởng chung của công ty như một tiêu chuẩn quan trọng để thưởng cho nhân viên kinh doanh.

"Chế độ thưởng và đãi ngộ những người làm kinh doanh mà Infosys đang áp dụng chưa công bằng, đặc biệt là những người mang về các giao dịch lớn hay giúp công ty gia tăng doanh thu từ các khách hàng lớn hiện có", tờ Economic Times dẫn lời một thành viên của Inforsys. "Hãng đang muốn áp dụng cơ chế mới dựa trên doanh thu gia tăng tạo ra".

infosys2-621x414.jpg

Một trong những campus của Infosys tại Ấn Độ.

Doanh thu gia tăng, hoặc tạo thêm doanh thu trong khoảng thời gian nhất định, đã trở thành một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất của ngành công nghiệp CNTT trị giá 146 tỷ USD tại Ấn Độ bởi điều này phản ánh sức cạnh tranh của một công ty và khả năng giành được hợp đồng mới.

Vì vậy, từ lâu, Infosys đã áp dụng chế độ đãi ngộ đội ngũ bán hàng của mình theo một chuẩn "cào bằng" thống nhất. Công ty càng hoạt động tốt, lương theo hiệu quả công việc (lương mềm) càng cao, không phân biệt về hiệu suất của cá nhân. Như vậy, hơn 60% khoản này có liên quan đến lợi nhuận và tăng trưởng doanh thu, trong khi phần còn lại phụ thuộc các thông số khác như số lượng đơn hàng mới, các khoản phải thu và số hợp đồng mới có giá trị cao, từ 100 triệu USD trở lên. Hạn chế của cấu trúc này là chế độ đãi ngộ liên kết quá chặt chẽ đến hiệu suất công ty. Ví dụ, nếu một nhân viên bán hàng đặc biệt tốt và vượt tất cả các mục tiêu, nhưng hiệu quả hoạt động của công ty lại dưới trung bình, họ sẽ không nhận được 100% số tiền "lương mềm" của mình.

Hiện nay, các cơ chế khuyến khích mới sẽ tìm cách giải quyết sự bất công đó. Cơ chế chung sẽ theo hướng: nhân viên hàng đầu sẽ được thưởng hậu hĩnh trên cơ sở doanh thu gia tăng họ tạo ra và những khách hàng mới giành được, bất kể hiệu suất tổng thể của công ty.

Ví dụ, trong đơn vị Finacle (phần mềm ngân hàng lõi - core banking software) của Infosys, nhân viên kinh doanh hàng đầu sẽ nhận được tiền thưởng là 1,2 lần, khi họ vượt mục tiêu cá nhân về số lượng đơn hàng, không phụ thuộc vào hiệu suất tổng thể của đơn vị. Hãng phần mềm thứ hai Ấn Độ cũng muốn đặt thêm nhiệm vụ cho vị trí quản lý và điều hành kinh doanh để tạo ra doanh thu gia tăng nhiều hơn từ các khách hàng hiện có. Các giám đốc điều hành và nhân viên cũng sẽ được thưởng nhiều hơn nếu họ đáp ứng hoặc vượt mục tiêu doanh thu. Infosys chưa từng giành được hợp đồng lớn nào, từ một tỷ USD trở lên, và đó là mục tiêu mà công ty đang muốn hướng tới. Trong khi đối thủ Wipro, dù tụt mất vị trí hàng đầu giữ vững trong suốt 5 năm qua, gần đây cũng đã giành được một thỏa thuận trị giá 1,2 tỷ USD từ công ty năng lượng ATCO của Canada. Đối với Infosys, trọng tâm hiện nay là tiến thẳng tới những giao dịch lớn và tạo ra một đội ngũ siêu sao bán hàng mới, những người có thể thiết lập các giao dịch khổng lồ.

Đề xuất khen thưởng của Infosys tương tự như của Wipro, liên kết ưu đãi với doanh thu gia tăng được tạo ra bởi nhân viên bán hàng và chuyên gia tư vấn.

Chế độ khen thưởng được cơ cấu lại tại các công ty phản ánh sự thay đổi to lớn tương quan ngành công nghiệp CNTT Ấn Độ khi không còn duy trì mức tăng trưởng bùng nổ như những năm 2000. CEO và nhân viên trong thời gian đó cưỡi sóng gia công phần mềm và trở thành triệu phú chỉ qua một đêm, nhờ mức lương hào phóng và quyền mua cổ phiếu. Ngày nay, lĩnh vực này đang trải qua một cuộc khủng hoảng tuổi trung niên và các công ty cần có cái nhìn đầy đủ hơn về cấu trúc, cơ chế lương, thưởng và phúc lợi cũng như đặt nhân viên dưới sự giám sát nhiều hơn trước để đảm bảo rằng chỉ những người giỏi nhất mới được tưởng thưởng hậu hĩnh.

Infosys tạo ra khoảng 5,16 tỷ USD mỗi năm bằng phát triển ứng dụng, bảo trì, dịch vụ quản lý cơ sở hạ tầng, thiết kế phần mềm, thuê ngoài (outsource) và dịch vụ kiểm thử cho 900 khách hàng. Tổng số nhân viên của hãng hiện là gần 170.000 người.

Thanh Mai (theo Economic Times)

Ý kiến

()