Ngày 20/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Đại học Quốc gia TP HCM.
Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng ôn lại mốc lịch sử của Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, một ngày hội lớn không chỉ của ngành giáo dục, của thầy giáo, cô giáo và các em sinh viên mà còn là ngày hội của trái tim, của truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn trong suốt chiều dài lịch sử văn hiến của dân tộc Việt Nam. "Trải qua 34 năm, ngày 20/11 luôn là sự kiện đặc biệt, giàu cảm xúc của toàn ngành giáo dục và của mọi người dân Việt Nam", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và làm việc với Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP HCM) sáng 20/11. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Nói về Đại học quốc gia TP HCM, Thủ tướng cho rằng, trong 21 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã luôn tiên phong và đi đầu cả nước về các nghiên cứu và ứng dụng khoa học.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đặt ra thách thức cho các trường đại học nói chung và ĐHQG TP HCM nói riêng. Nó đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ từ nội dung đào tạo đến phương thức dạy và học, cách thức mà ở đó thầy và trò tương tác với nhau… Tri thức không phải từ một phía mà có tính đa chiều. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là để tận dụng tính đa chiều của thông tin và tri thức dựa trên nền tảng của khoa học và công nghệ.
"Cuộc cách mạng công nghiêp lần thứ tư là sự phủ nhận của nhiều phương thức kinh doanh cũ và khai sáng ra nhiều phương thức sản xuất, kinh doanh mới. Các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, thứ hai, thứ ba đều đã tạo ra những thế hệ doanh nhân, doanh nghiệp mới, như Micosoft của Bill Gates, Facebook của Mack Zuckerberg", Thủ tướng dẫn chứng. "Tương tự như vậy, câu chuyện thành công của FPT hay ứng dụng trò chơi của Nguyễn Hà Đông ở Việt Nam không xuất hiện ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, lần thứ hai".
Thủ tướng phát biểu nhân ngày 20/11 tại ĐHQG TP HCM. Ảnh: Báo Chính phủ. |
Cách mạng công nghiệp đồng nghĩa với tư duy khởi nghiệp và sản sinh ra những thế hệ người khởi nghiệp mới. Do vậy, khởi nghiệp là mệnh lệnh của cách mạng công nghiệp. “Nếu Việt Nam từng làm các nước khác ngưỡng mộ vì khả năng tổng động viên sức mạnh, ý chí toàn dân tộc khi đất nước lâm nguy thì ngày nay, chúng ta hoàn toàn có thể động viên người dân khởi nghiệp, sáng tạo để làm kinh tế, xây dựng đất nước, chinh phục thị trường thế giới và xác lập chỗ đứng vững chắc trên sân chơi toàn cầu”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Khởi nghiệp không chỉ là thiết lập mô hình kinh doanh, ý tưởng kinh doanh đó có thể là khởi sự, hành động trong các lĩnh vực khác nhau hướng tới phục vụ cho cộng đồng, giải quyết bài toán về con người, phát triển bền vững. Do vậy, giá trị khởi nghiệp không chỉ là sự thành công về tài chính của một dự án kinh doanh mà còn là giá trị xã hội, tính nhân bản, đem lại sự khác biệt và được xã hội tôn trọng.
“Khởi nghiệp là một trong những thước đo thành công của chính phủ kiến tạo. Người dân, đặc biệt là lớp trẻ khởi nghiệp ngày càng nhiều thì nền kinh tế càng năng động, chất lượng nguồn nhân lực được thử thách, rèn luyện, nâng cao. Chưa bao giờ khởi nghiệp dành được sự quan tâm của chính phủ và cả hệ thống chính trị như lúc này. Chưa bao giờ, khởi nghiệp có được sự thuận lợi về vật chất và tinh thần, thể chế như lúc này”, Thủ tướng khẳng định.
Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng tại đây.
>> ‘Nhờ làm giảng viên nội bộ mà có ‘visa’ về khuya’
Chi Vy
Ý kiến
()