Trong lễ kỷ niệm 9 năm thành lập FPT Japan ngày 10/11, FPT đã công bố hai chiến lược của mình trước sự chứng kiến của các lãnh đạo cấp cao từ 21 công ty, tập đoàn Nhật Bản.
Theo đó, từ nay đến năm 2018, FPT đặt mục tiêu đào tạo 10.000 kỹ sư cầu nối (BrSE) nhằm giúp FPT nói riêng và các công ty CNTT của Việt Nam nói chung có đủ khả năng tiếp nhận lượng công việc ủy thác dịch vụ CNTT (IT Outsourcing) từ Nhật Bản, đồng thời giúp các công ty Nhật Bản có thêm nguồn kỹ sư CNTT trẻ.
FPT đang nỗ lực để mang lại những giá trị cao hơn cho khách hàng Nhật Bản không chỉ là chi phí cạnh tranh mà còn là nguồn nhân lực chất lượng và năng lực công nghệ tiên tiến.
Theo anh Bình, FPT đang nỗ lực để mang lại những giá trị cao hơn cho khách hàng Nhật Bản không chỉ là chi phí cạnh tranh mà còn là nguồn nhân lực chất lượng và năng lực công nghệ tiên tiến. Ảnh: FPT. |
Chương trình này được xây dựng dựa trên kinh nghiệm thành công của chương trình đào tạo kỹ sư cầu nối được FPT Software triển khai trong nhiều năm qua. Theo đó, dự kiến có khoảng 5.000 kỹ sư của chương trình được đào tạo theo hình thức du học tại Nhật Bản, số còn lại được đào tạo tại Việt Nam theo chương trình đào tạo cử nhân CNTT của Đại học FPT và chương trình đào tạo kỹ sư cầu nối của FPT Software.
Hiện FPT phối hợp với Viện Ngôn ngữ Kagawa Institute, Meros Language School của Nhật Bản để chuẩn bị cho khóa 50 kỹ sư CNTT đầu tiên tham gia chương trình đào tạo theo hình thức du học tại Nhật Bản vào tháng 4/2015. Các khóa tiếp theo với khoảng gần 500 kỹ sư CNTT sẽ được tổ chức vào tháng 7 và tháng 11 năm 2015.
Với chương trình Cung cấp Dịch vụ trên nền công nghệ Cloud cho thị trường Nhật Bản, tập đoàn hướng đến mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ trên nền công nghệ Cloud hàng đầu cho khách hàng Nhật Bản đang trong quá trình hoặc chuẩn bị cho việc dịch chuyển lên Cloud.
Tại lễ kỷ niệm, bộ công cụ Citus Cloud Suite 1.0 do FPT phát triển lần đầu tiên được ra mắt thị trường Nhật Bản. Phiên bản này gồm 7 công cụ chức năng hỗ trợ cho khách hàng tại 3 giai đoạn quan trọng của quá trình chuyển đổi, gồm: Lên kế hoạch chuyển đổi, đưa ra quyết định lựa chọn nền tảng nhanh chóng, chính xác, kiểm soát hiệu quả tài nguyên và ngân sách; Triển khai việc chuyển đổi toàn bộ hệ thống, ứng dụng, tài nguyên với dung lượng lớn hay cấu trúc phức tạp một cách nhanh chóng và tiết kiệm; Yên tâm về mức độ an toàn, và khả năng hoạt động của hệ thống trên Cloud.
FPT đặt mục tiêu từ nay đến năm 2018 đào tạo 10.000 kỹ sư cầu nối tại thị trường Nhật Bản. Ảnh: C.T. |
Trước đó, với Nhật Bản, FPT cũng đã triển khai thành công một số dự án cung cấp dịch vụ/giải pháp trên nền công nghệ Cloud giúp khách hàng nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh như: Dự án phát triển các ứng dụng cho TV thông minh; Dự án chuyển dịch các ứng dụng sang nền tảng Microsoft Sharepoint Online, Amazon Web Services; Chuyển đổi các ứng dụng sang dạng Phần mềm dịch vụ (Saas- Software as a service)…
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết, FPT đang nỗ lực để mang lại những giá trị cao hơn cho khách hàng Nhật Bản không chỉ là chi phí cạnh tranh mà còn là nguồn nhân lực chất lượng và năng lực công nghệ tiên tiến. "FPT đã và đang đầu tư tích cực nhằm xây dựng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực trong các mảng công nghệ mới như Cloud cũng như hợp tác với các đối tác hàng đầu như Amazon Web Services, Microsoft”, anh nói.
Trong chiến lược toàn cầu hóa của FPT, Nhật Bản luôn được xem là thị trường quan trọng số 1, thị trường mang lại sự tăng trưởng ổn định và bền vững. Hiện FPT Japan có 3 văn phòng với số lượng nhân viên sẽ đạt 500 người vào cuối năm nay.
Trong 9 tháng đầu năm 2014, khối lượng công việc từ thị trường Nhật Bản của FPT tăng 21% so với cùng kỳ, doanh thu đạt 925 tỷ đồng, tương đương gần 44 triệu USD.
Thanh Nga
Ý kiến
()