Tại hội thảo Robotic - Tương lai trong tầm tay do Softbank tổ chức vào chiều nay, ngày 26/8, tại khách sạn Marriot, Hà Nội, FPT Software đã ký kết với Softbank và Tổ chức giáo dục Hoa Kỳ (Institue of American Education - IAE) để đưa robot mang tên NAO vào trong lĩnh vực dạy tiếng Anh tại Việt Nam.
Theo đó, các robot này sẽ hỗ trợ giáo viên tại Học viện Anh ngữ EQuest và Anh ngữ Việt Mỹ VATC trong các hoạt động lớp học như tương tác với học viên, kiểm tra nghe nói và thực hành các tình huống giao tiếp, hướng dẫn các em nhỏ học tiếng Anh, phát âm chuẩn như người bản ngữ.
Phụ trách Robotic và IoT, Ban Công nghệ FPT Lê Ngọc Tuấn cho biết, đội ngũ kỹ sư tại FPT có nhiều năm nghiên cứu và xây dựng thành công nền tảng và giao diện lập trình ứng dụng (API) cho các thế hệ robot, trong đó có NAO. Khả năng hoạt động của robot đang ngày càng tiến gần đến với con người.
Anh Tuấn tin tưởng, khả năng hoạt động của robot đang ngày càng tiến gần đến với con người. |
Thị trường robot nằm trong xu thế Internet of Things (IoT) và có giá thị hàng tỷ USD. Nếu như trước đây, Robot chỉ ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực công nghiệp thì trong giai đoạn từ 2014 - 2019, thị trường Robot cho tiêu dùng và văn phòng được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ 17%. Tốc độ này nhanh gấp 7 lần thị trường Robot công nghiệp.
Tại Việt Nam, robot đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực nhưng còn rất khiêm tốn, chủ yếu trong các nhà máy công nghiệp. Đây là lần đầu tiên, robot được đem vào ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục.
Theo dự báo, trong vòng 20 năm tới, robot sẽ ngày càng có ảnh hưởng tới đời sống của toàn xã hội và sẽ có thêm rất nhiều lĩnh vực có sự tham gia của robot. Tuy nhiên, việc phát triển “trí thông minh” của robot đến mức nào, khả năng tương tác của robot ra sao vẫn là những bài toán đặt ra cho các nhà phát triển.
TGĐ Softbank Telecom Việt Nam Takashi Morimoto cho biết, hơn 9.000 robot NAO của hãng đã được bán ra trên toàn thế giới để sử dụng cho các mục đích như: giáo dục, nghiên cứu, dịch vụ khách sạn, ngân hàng, hướng dẫn khách hàng tại sân bay… "Mặc dù bắt đầu khá muộn, Việt Nam sẽ có tăng trưởng vượt bậc để bắt kịp các nước khác trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc... trong lĩnh vực robotics 10 năm tới", ông nhận định.
Giám đốc công nghệ FPT Software Trần Huy Bảo Giang bày tỏ sự lạc quan: "Đội tuyển Robocon Việt Nam đã giành chiến thắng chung cuộc 5 trong số 14 mùa thi Robocon thế giới, trong khi cuộc thi lập trình ứng dụng cho robot có tên SMAC Challenge do FPT tổ chức cũng luôn thu hút sự quan tâm và tham dự của các sinh viên công nghệ thông tin tại Hà Nội và TP HCM. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy đội ngũ lập trình ứng dụng cho robot của Việt Nam đã sẵn sàng cho sự chuyển dịch công nghệ".
TGĐ Softbank Telecom Việt Nam tin tưởng, mặc dù bắt đầu khá muộn, Việt Nam sẽ có tăng trưởng vượt bậc để bắt kịp các nước khác trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc... trong lĩnh vực robotics 10 năm tới |
Đại diện SoftBank cho biết, dù sản phẩm robot hình người đã được giới thiệu ở Việt Nam từ năm 2004, nhưng đến nay mới chỉ dừng lại ở mục đích nghiên cứu, đào tạo. Do đó, hãng công nghệ Nhật muốn tiên phong đưa robot vào ứng dụng rộng trong các lĩnh vực đời sống hàng ngày tại Việt Nam như giáo dục, đào tạo lập trình, dịch vụ khách hàng và các sự kiện giải trí...
Hiện, mỗi robot NAO được được bán với giá từ 10.000 USD. Đây là robot thông minh với bốn khu vực cảm biến, có khả năng nhận dạng giọng nói, hình ảnh, biểu cảm, sao chép hành vi con người, tự động kết nối Internet và có thể nói 19 loại ngôn ngữ khác nhau. Đại diện SoftBank tiết lộ, sau NAO, hãng sẽ tiếp tục giới thiệu robot PEPPER đến thị trường Việt Nam thời gian tới.
Trong chương trình, các chuyên gia FPT đã trình bày về hai nội dung OpenFPT và NAO Platform với vai trò đơn vị triển khai. Các khách mời đã được giao lưu, trực tiếp lập trình cho 6 chú robot NAO để trải nghiệm khả năng tương tác của robot với con người. Hội thảo cũng đã giải đáp các vấn đề về thị trường robot thế giới, cũng như sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, xây dựng các giải pháp phần mềm và ứng dụng robot trong đào tạo tại Việt Nam.
Tiểu Thanh - Châu An
Ảnh: Châu An
Ý kiến
()