Theo đó, có 40 thương hiệu này có tổng giá trị đạt gần 8,1 tỷ USD, bên cạnh FPT là các thương hiệu được biết đến rộng rãi như Vinamilk, Vingroup, HDBank, NutiFood, Vietjet Air, Thế Giới Di Động, Hòa Phát, TTC…
Anh Nguyễn Đức Quỳnh, GĐ FPT Software HCM, nhận vinh danh từ ông Nguyễn Bảo Hoàng, Chủ tịch Công ty truyền thông Tương tác – Đơn vị đại diện thương mại của Forbes Việt Nam. |
Nguyên nhân dẫn đến tín hiệu tích cực này, một phần là nhờ thị trường chứng khoán có sự tăng trưởng khá mạnh khiến cho PE (tỷ số tài chính dùng để đánh giá mối liên hệ giữa thị giá hiện tại của một cổ phiếu) trung bình của phần lớn các ngành đều tăng. Song song đó, các công ty có thương hiệu có nhiều sự thay đổi về sản phẩm, mở rộng thị trường, phản ánh qua kết quả lợi nhuận tốt hơn.
FPT được Forbes Việt Nam đánh giá giá trị thương hiệu ở mức 169 triệu USD. Theo Forbes Việt Nam, sau khi thoái vốn khỏi mảng phân phối và bán lẻ, FPT, công ty công nghệ lớn nhất Việt Nam tập trung hoạt động kinh doanh vào ba khối chính: công nghệ, viễn thông, giáo dục. Với chiến lược cung cấp thêm nhiều dịch vụ hơn gia tăng số lượng khách hàng, mảng viễn thông đang đem về doanh thu lớn cho FPT.
“Không những vậy, hoạt động xuất khẩu phần mềm từ các thị trường Mỹ, Nhật Bản và châu Á - Thái Bình Dương vẫn là động lực chính trong mảng phát triển phần mềm của FPT, giúp mảng này giữ mức tăng trưởng 20%”, tạp chí này viết và cập nhật thông tin mới nhất. “FPT Software, công ty con thuộc FPT, vừa công bố mua lại Intellinet, công ty tư vấn công nghệ có trụ sở ở Atlanta, Mỹ”.
Ông Nguyễn Bảo Hoàng, Chủ tịch Công ty truyền thông Tương tác – Đơn vị đại diện thương mại của Forbes Việt Nam cho biết, danh sách 40 thương hiệu công ty giá trị nhất Việt Nam năm 2018 so với danh sách năm ngoái không thay đổi nhiều về cơ cấu nhóm ngành.
Cụ thể, nhóm doanh nghiệp hàng tiêu dùng vẫn chiếm số lượng lớn, trong khi đó nhóm tài chính - ngân hàng đã thu hẹp khoảng cách do ngày càng có nhiều ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán.
Riêng nhóm công nghệ - viễn thông bên cạnh ba gương mặt gồm FPT, Viettel và VNG còn có thêm VinaPhone, VNPT…
Danh sách 40 thương hiệu công ty giá trị nhất Việt Nam được Forbes Việt Nam thực hiện thường niên hàng năm, với phương pháp đo lường giá trị của một thương hiệu thông qua các số liệu tài chính.
Sau phần vinh danh là sự kiện Forbes Talk với chủ đề: Xây dựng thương hiệu trong thời đại kỹ thuật số. Tạp chí chuyên về kinh doanh cho rằng, Internet và sự trỗi dậy của truyền thông xã hội đã thay đổi toàn diện cách khách hàng tương tác tới thương hiệu, thay đổi cách tiếp thị và khiến nhiều chiến lược truyền thống không còn hiệu quả.
Trong khi truyền thông truyền thống vẫn có vai trò quan trọng, các kênh kỹ thuật số như website, truyền thông xã hội, ứng dụng di động, blog, video và những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) đã nổi lên mạnh mẽ.
Khi Internet và những tương tác kỹ thuật số trở thành một phần trong đời sống hằng ngày, cần có những cách khác biệt để xây dựng và quảng bá thương hiệu, và các công ty đang thử nghiệm những cách làm mới để kết nối với các bên liên quan và với khách hàng của mình.
Các thương hiệu cố gắng kể câu chuyện của mình, họ cần phải kết nối một cách sâu sắc với khách hàng, những người đang thường xuyên sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội như WhatsApp, nhất là Facebook, ông Nguyễn Bảo Hoàng, Chủ tịch Truyền thông Tương Tác, nói trong bài diễn văn khai mạc Forbes Talks.
Nhìn vào doanh thu đang gia tăng của Facebook, chúng ta có thể thấy được xu hướng nền tảng này đang dần thay thế các kênh truyền thông cũ như truyền hình. Giờ đây chúng ta cũng xem video rất nhiều trên Youtube, ngoài ra còn có xu hướng xem trên điện thoại, video thời lượng ngắn... Thương hiệu đang nỗ lực kể câu chuyện của họ trong những xu hướng này, ông Nguyễn Bảo Hoàng nói.
Tại Forbes Talks, các diễn giả sẽ trình bày về những xu hướng kỹ thuật số mới nhất. Chúng đang được ứng dụng tại Việt Nam ra sao? Làm thế nào để các công ty có thể tận dụng nguồn lực để truyền tải thông điệp, quảng bá thương hiệu, tăng doanh thu, và cùng lúc mở rộng đối tượng khách hàng?
Ông Alan Couldrey, Chủ tịch Ogilvy Việt Nam sẽ có bài trình bày về sự chuyển đổi thương hiệu kỹ thuật số. Ông Nguyễn Hải Triều, CEO của YouNet Media, đồng thời là phó chủ tịch tại Martech sẽ bàn về các cơ hội của các công ty từ dữ liệu để xây dựng thương hiệu.
Làm thế nào để xây dựng thương hiệu trên nền tảng kỹ thuật số để tạo vị thế nổi bật trong một thị trường đông đúc. Ông Anantharaman Sridharan, tổng giám đốc FWD Việt Nam sẽ có bài trình bày về vấn đề này.
Một phiên thảo luận bàn về cách duy trì vị thế tiên phong trong thời đại ngày nay, có sự tham gia của ông Nguyễn Hải Triều, CEO YouNet Media, phó chủ tịch Martech; ông Lê Quốc Việt, phó chủ tịch phụ trách tiếp thị của NutiFood; bà Melissa Nguyen, giám đốc Marketing Solution Việt Nam. Phiên thảo luận sẽ do bà Thi Anh Đào, giám đốc điều hành tại Isobar Việt Nam điều phối.
Đây là lần thứ ba sự kiện Forbes Talks có chủ đề thương hiệu được tổ chức. Sự kiện lần này chia sẻ những diễn biến mới nhất trong lĩnh vực thương hiệu, cũng như những câu chuyện thành công gần đây nhất trong xây dựng thương hiệu.
Tân Phong
Ý kiến
()