Tập đoàn xác nhận sẽ tìm kiếm nhà đầu tư cho mảng bán lẻ, phân phối (FPT Retail và FPT Trading). Hiện tại, FPT đã ký hợp đồng với liên danh gồm Công ty Chứng khoán Bản Việt và Công ty Chứng khoán Nomura (Nhật Bản) làm nhà tư vấn thực hiện thương vụ bán cổ phần mảng bán lẻ và phân phối cho đối tác tiềm năng.
Theo anh Nguyễn Thế Phương, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn, hoạt động kinh doanh mảng phân phối và bán lẻ của FPT đang rất tốt. “Tuy nhiên, theo chiến lược mà Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên 2015, FPT sẽ thực hiện việc giảm sở hữu tại mảng phân phối và bán lẻ”, anh Phương nói. "FPT đã mời các đối tác tư vấn, định giá mảng bán lẻ và phân phối và đặt mục tiêu hoàn tất thực hiện thương vụ này trong năm 2016".
Mảng phân phối, bán lẻ của FPT đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: V.N. |
Năm 2015, khối Phân phối - Bán lẻ các sản phẩm công nghệ (gồm hai mảng là Phân phối và Bán lẻ) có doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng lần lượt 11% và 24%, đạt tương ứng 25.212 tỷ đồng và 729 tỷ đồng trong năm 2015. FPT Trading vượt qua khó khăn của thị trường phân phối để duy trì doanh thu và lợi nhuận so với năm trước. Trong lĩnh vực Bán lẻ, năm 2015, FPT đã vận hành 252 cửa hàng trên phạm vi toàn quốc, với doanh thu tăng 51% và đặc biệt là lợi nhuận trước thuế tăng 335% so với cùng kỳ, vượt 47,5% kế hoạch cả năm của mảng này.
Theo phê quyệt của Hội đồng quản trị FPT về kế hoạch kinh doanh năm 2016, khối công nghệ và phân phối - bán lẻ được xác định là động lực tăng trưởng chính, cùng với hạ tầng viễn thông và các hoạt động nghiên cứu phát triển tiếp tục được tập trung đầu tư mạnh mẽ. Tổng lợi nhuận của hai khối viễn thông, phân phối - bán lẻ dự kiến tăng trên 20% năm nay.
Theo đại diện tập đoàn, mục tiêu của việc giảm sở hữu tại mảng phân phối và bán lẻ nhằm giúp FPT tăng cường đầu tư hơn nữa vào mảng cốt lõi là công nghệ thông tin và viễn thông để tận dụng được những cơ hội lớn đang có. Đồng thời, chiến lược này sẽ giúp FPT có thể tìm kiếm được các nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm kinh doanh và quản trị quốc tế để cùng đẩy mạnh sự phát triển của mảng phân phối và bán lẻ, một mảng kinh doanh gần đây đang được sự quan tâm lớn, nhất là từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Chia sẻ trên tờ Thanh Niên, chị Nguyễn Bạch Điệp, CEO FPT Retail, khẳng định, tập đoàn vẫn đặt mục tiêu phát triển mạnh cho khối Bán lẻ (bao gồm chuỗi cửa hàng FPT Shop, F.Studio by FPT). Năm 2015, FPT Retail là công ty thành viên có mức tăng trưởng nhanh nhất tập đoàn; có sự đóng góp quan trọng vào doanh thu, lợi nhuận của tập đoàn (FPT Retail có doanh thu 7.832 tỷ đồng; đạt 19,6% doanh thu của Tập đoàn FPT trong năm 2015). “Vì vậy, FPT dự kiến kêu gọi đầu tư từ các nhà đầu tư có tài chính mạnh, có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ và trực tuyến… để giúp FPT Shop phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tiếp theo”, chị Điệp nói.
So sánh với một công ty trong ngành là Thế giới Di động, chị Điệp cho rằng đơn vị cũng đang có một số nhà đầu tư khác góp vốn vào (chẳng hạn như Quỹ Mekong Enterprise Fund II đang nắm giữ trong tay 10,94% vốn), nên có thể so sánh mô hình FPT Shop trong tương lai có nhà đầu tư mới góp vốn vào cũng là điều dễ hiểu.
Trong năm 2016, FPT Shop đề ra các mục tiêu về lợi nhuận trước thuế là 250 tỷ đồng và dự kiến số cửa hàng ít nhất sẽ là 300. Theo đó, tính đến hết tháng 2, FPT Shop đã đạt mục tiêu về số lượng cửa hàng khi chính thức cán mốc 300 cửa hàng.
Đánh giá về thị trường bán lẻ hiện nay, chị Điệp cho rằng trừ tất cả chuỗi hệ thống lớn thì vẫn còn khoảng 30-35% thị phần dành cho các cửa hàng nhỏ lẻ, và FPT Shop sẽ tiếp tục mở rộng quy mô khi thị trường vẫn còn chỗ.
>> 10 mô hình kinh doanh thành công nhất thời công nghệ
Nguyên Văn
Ý kiến
()