Chúng ta

Davos mở ra nhiều cơ hội sáng với các gã khổng lồ tỷ đô

Thứ hai, 23/1/2017 | 08:36 GMT+7

Không dừng lại ở việc gặp gỡ tại WEF, nhiều gã khổng lồ thế giới đã ‘chốt’ đầu việc hay mời FPT sang trao đổi cụ thể.

Từ ngày 17-20/1, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình đã tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ. Trong lần thứ 6 tham dự WEF, Chủ tịch HĐQT FPT đã gặp gỡ và trao đổi các cơ hội hợp tác về chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, IoT… với hơn 50 doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, thương mại điện tử, năng lượng, sản xuất máy bay, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, …

“WEF là diễn đàn có giá trị thực sự đối với các doanh nghiệp tham gia như FPT. Bên lề WEF năm nay, FPT đã có hơn 50 cuộc gặp song phương với những người đang dẫn dắt những cuộc chơi công nghệ và kinh doanh. Sau WEF, FPT cũng đã có những hợp tác thực sự với những đại gia lớn trên thế giới”, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ.

NHAT0628-2-JPG.jpg

Chủ tịch Trương Gia Bình gặp gỡ các đối tác là những doanh nghiệp hàng đầu thế giới tụ hội tại Davos.

Cụ thể, người đứng đầu FPT đã có cuộc gặp riêng với các lãnh đạo cấp cao của IBM bàn về việc hỗ trợ tập đoàn này trong việc xây dựng và mở rộng mô hình nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo, lập trình tự động trong tương lai.

Theo đó, ông Bernard Meyerson, Giám đốc Sáng tạo (CIO) của IBM hứa sẽ có các chương trình trao đổi quy trình đào tạo về dạy máy (machine learning), trí thông minh nhân tạo (artificial intelligence) với FPT nói chung và ĐH FPT nói riêng. Việc hợp tác này sẽ được cụ thể hóa trong chuyến thăm của phái đoàn IBM tới Việt Nam dự kiến trong năm nay.

Anh Bình đã có cuộc gặp riêng với Satya Nadella, CEO của Microsoft. Chủ tịch FPT cho biết, ông Satya rất quan tâm đến việc hợp tác với FPT về trí tuệ nhân tạo, cũng như những hợp tác liên quan đến cung cấp các giải pháp về số hóa và điện toán đám mây cho các doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực công nghiệp, vận tải, năng lượng. Microsoft hiện là tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực phầm mềm, dịch vụ và giải pháp công nghệ thông tin của Mỹ, với doanh thu năm 2015 đạt 90 tỷ USD.

Đặc biệt, anh Bình đã gặp Giám đốc Kỹ thuật số (Chief Digital Officer - CDO) của một hãng máy bay hàng đầu thế giới. Hai bên đã trao đổi về quan hệ hợp tác hiện tại, trong đó, đối tác đã khen ngợi về các giải pháp kỹ thuật số mà FPT đã phát triển cho họ. Vị CDO cũng cho biết trong tháng này sẽ bắt đầu hàng loạt dự án về hệ thống quản lý điện tử và điều hành bay với FPT.

NHAT0764-JPG-4386-1484830874-7165-148511

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình (người đứng) trong cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa Thủ tướng Việt Nam với các tập đoàn thành viên WEF trong lĩnh vực công nghệ thông tin và một số lĩnh vực liên quan. Chia sẻ bên lề sự kiện, anh Bình cho rằng chỉ có ở Davos, trong bữa ăn sáng khoảng 1 tiếng, Thủ tướng có thể kết nối với 15 doanh nghiệp là các nhà lãnh đạo trong những lĩnh vực hàng không, công nghệ, tài chính, bảo hiểm… “Có thể nói đó là bữa ăn sáng gần 1.000 tỷ USD”, anh Bình ví. “Ở đó, họ đã rất phấn khởi nghe Thủ tướng chia sẻ và người đứng đầu Chính phủ đã có những quyết định mạnh bạo về việc mở bầu trời để Việt Nam có ngành logistic hiện đại".

Tại Davos, Chủ tịch FPT cũng đã có cơ hội bàn việc hợp tác với tập đoàn General Eectric (doanh thu 120 tỷ USD năm 2016) nhằm triển khai các dự án về năng lượng tái tạo ở Mỹ và châu Á với các gói giải pháp kỹ thuật số hóa; hợp tác với Philips Lighting (doanh thu 25 tỷ USD năm 2015) về giải pháp hệ thống đèn điện đô thị thông minh; và hợp tác với một tập đoàn về nông nghiệp hàng đầu thế giới trong việc cung cấp các giải pháp về nông nghiệp số tại thị trường Mỹ.

Với vai trò kết nối Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam trong chuyến đi Davos, Chủ tịch Trương Gia Bình đã tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Chủ tịch Alibaba Jack Ma. Tại buổi gặp, các bên đã bàn thảo về hợp tác trong các lĩnh vực điện toán đám mây, thương mại điện tử, trong tương lai.

Ngoài ra, trong bữa ăn sáng của Thủ tướng với 14 doanh nghiệp trong Top Fortune Global 500 tại Davos, người đứng đầu FPT cũng có cơ hội gặp gỡ với hàng loạt các tên tuổi hàng đầu thế giới. Trong sự kiện, đại diện Siemens cho biết sẽ hợp tác với FPT về đào tạo nhân sự và giáo dục trong lĩnh vực sản xuất kỹ thuật số (digital manufacturing).

Còn Marsh&McLennan, một trong những công ty bảo hiểm lớn nhất của Mỹ, cho hay, sẽ hợp tác chặt hơn với đối tác Việt Nam về các giải pháp tài chính số, trong khi Fujitsu mong muốn nhân rộng mô hình nông nghiệp số hóa ở Việt Nam. CEO của Marsh&McLennan đã có lời hẹn với Chủ tịch tại Mỹ để bàn về việc hỗ trợ công ty này cung cấp các giải pháp tài chính số hóa cho Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Chủ tịch Trương Gia Bình cũng đã trao đổi với Chủ tịch Michael Dell của Dell, tập đoàn máy tính hàng đầu thế giới, đang là đối tác của FPT về phân phối sản phẩm, cũng như hợp tác về phát triển hệ thống hậu cần dịch vụ kỹ thuật số. Hai bên nhất trí sẽ mở rộng quy mô hợp tác sâu rộng hơn trong thời gian tới.

NHAT0740-JPG-4774-1484830874.jpg

Olaf (trái), PGĐ FPT tại châu Âu bắt tay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tại Việt Nam, FPT là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong cuộc các mạng công nghệ số và đang có những bước tiến vững chắc tại thị trường nước ngoài, với lợi nhuận từ thị trường toàn cầu chiếm trên 30% tổng lợi nhuận của tập đoàn. Năng lực của FPT trong việc triển khai các dự án lớn, cả về giá trị và quy mô cũng đã được kiểm nghiệm với các dự án cho khách hàng tại Mỹ, Nhật Bản, Bangladesh, Campuchia, Lào… Hiện FPT đã hiện diện tại 20 quốc gia với hơn 28.000 cán bộ, nhân viên, trong đó có 30% nhân lực làm việc cho thị trường nước ngoài.

FPT đang đồng hành cùng các doanh nghiệp sở hữu công nghệ nền về IoT, IIoT (Industrial Internet of Things) để tạo ra các dịch vụ/giải pháp mới giúp các tập đoàn hàng đầu trên thế giới thay đổi phương thức hoạt động, mô hình kinh doanh trong nền kinh tế số. Cụ thể, FPT hiện là đối tác khu vực của GE, từ tập đoàn công nghiệp hàng đầu với lịch sử 120 năm, trong lĩnh vực công nghiệp IoT. FPT cũng nhận được chứng nhận đặc biệt từ AWS, chứng nhận dành riêng cho công ty có 200 chứng chỉ AWS trở lên, thể hiện sự phát triển và năng lực vượt trội của FPT về công nghệ của AWS.

Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2017 diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ) từ ngày 17 đến 20/1 với chủ đề "Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm", cùng sự góp mặt của hơn 2.500 đại biểu đến từ khoảng 100 quốc gia, gồm các nguyên thủ quốc gia, nhà khoa học, học giả, các chuyên gia, lãnh đạo các tập đoàn và tổ chức quốc tế. FPT xuất hiện lần đầu tiên tại WEF vào năm 2012 sau khi trở thành một trong 1.000 thành viên sáng lập WEF từ tháng 11/2011.

>> Thủ tướng giao FPT kết nối Jack Ma cổ vũ start-up Việt

Chi Vy

Ý kiến

()