SCIC vừa thông báo về kết quả giao dịch cổ phiếu của tổ chức có liên quan đến thành viên HĐQT FPT. Cụ thể, từ ngày 12/2 đến 15/2, SCIC đã bán thành công 442.000 cổ phiếu FPT theo phương thức khớp lệnh.
Trước khi thực hiện giao dịch, SCIC nắm giữ hơn 1,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,24% tại FPT. Hiện tổ chức này còn sở hữu hơn 1,058 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,17% tại FPT. Với vùng giá 44.000 đồng/cổ phiếu, SCIC đã thu về khoảng 19,5 tỷ đồng từ việc thoái bớt vốn tại FPT.
Trước đó, trong ngày giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi, SIC đăng ký bán số cổ phiếu này từ ngày 12/2 đến 12/3. Mục đích thực hiện giao dịch được lý giải là đầu tư tài chính. Giao dịch được thực hiện thông qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Vài năm gần đây, SIC, thành viên chuyên trách mảng đầu tư của SCIC, thường giao dịch mua - bán mã FPT với tần suất tương đối dày. Trước đó, đầu tư SCIC không bán được 300.000 cổ phiếu FPT trong khoảng 19/12/2018 đến 16/1/2019 như đã đăng ký. Nguyên nhân được nêu là diễn biến thị trường không đạt như kỳ vọng. Đầu tháng 12, SCIC đã bán thành công nửa triệu cổ phiếu FPT chỉ sau 5 ngày đăng ký (7-12/12) và thu về khoảng hơn 22 tỷ đồng.
SCIC là cổ đông lớn của FPT và có một đại diện trong HĐQT FPT là ông Lê Song Lai, PTGĐ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước.
Hôm nay (ngày 19/2), thị giá FPT là 44.800 đồng/cổ phiếu.
Theo nghị quyết của HĐQT FPT, kỳ ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 được tổ chức ngày 29/3. Dự kiến khách sạn Daewoo, địa điểm của ĐHĐCĐ thường niên các kỳ trước, sẽ là nơi diễn ra sự kiện năm nay.
Cuộc họp sẽ báo cáo hoạt động trong năm 2018 và phương hướng hoạt động năm 2019 của HĐQT, Ban kiểm soát cũng như các báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất đã được kiểm toán. Nội dung họp dự kiến còn có một số nội dung khác thuộc thẩm quyền ĐHĐCĐ.
FPT là đơn vị đầu tiên trong 5 công ty nhà F niêm yết sàn chứng khoán (cùng FPT Telecom, FPT Online, FPT Retail và Chứng khoán FPT) thông báo chốt quyền tham dự họp ĐHĐCĐ thường niên.
Theo kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2018, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT lần lượt đạt 23.214 tỷ đồng và 3.852 tỷ đồng, tăng 17% và 30% so với cùng kỳ trong điều kiện so sánh tương đương. Với chiến lược tập trung vào chuyển đổi số, doanh thu mảng dịch vụ này tại thị trường nước ngoài mang lại 1.679 tỷ đồng cho FPT, tăng 31%, chiếm 20% tổng doanh thu xuất khẩu phần mềm.
>> Quỹ ngoại nhóm VinaCapital thu gần 160 tỷ đồng khi sang tay cổ phiếu FPT
Hà An
Ý kiến
()