Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa thông báo giao dịch cổ phiếu của tổ chức có liên quan của người nội bộ.
Theo đó, Đầu tư SCIC bán thành công 216.000 cổ phiếu FPT, từ ngày 30/7 đến 14/8. Mục đích thực hiện giao dịch được SIC lý giải là đầu tư tài chính. Sau khi bán thành công, SIC còn sở hữu 2 triệu cổ phiếu FPT, tương đương tỷ lệ 0,33%.
Trong năm 2018, cuối tháng 7, Đầu tư SCIC (SIC) mới lần đầu đăng ký bán một lượng cổ phiếu FPT đang nắm giữ với mục tiêu đầu tư tài chính. Ảnh: VnEconomy. |
Vài năm gần đây, SIC - thành viên chuyên trách mảng đầu tư của SCIC thường giao dịch mua-bán mã FPT với tần suất tương đối dày. Tuy nhiên, từ cách nay hơn một năm (tháng 5/2017), thông tin giao dịch của đơn vị này không xuất hiện.
SIC thành lập đầu năm 2013 do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sở hữu. SCIC là cổ đông lớn của FPT và có một đại diện trong HĐQT FPT là ông Lê Song Lai, PTGĐ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước.
Kết thúc 7 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT lần lượt đạt 12.106 tỷ đồng và 1.990 tỷ đồng, tăng 19% và 32% so với cùng kỳ trong điều kiện so sánh tương đương (năm 2017 hợp nhất kết quả kinh doanh của FPT Retail và Synnex FPT theo phương pháp vốn chủ sở hữu đối với công ty liên kết). Trong điều kiện so sánh với số liệu thực tế cùng kỳ, doanh thu giảm 49%, đạt 106% kế hoạch và lợi nhuận trước thuế tăng 18%, đạt 113% kế hoạch lũy kế.
Lợi nhuận sau thuế đạt 1.666 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.307 tỷ đồng, tăng 20% và lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 2.135 đồng, tăng 20%. Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận đạt 16,4%, bằng 2,3 lần so với cùng kỳ.
Khối Công nghệ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 6.488 tỷ đồng và 722 tỷ đồng, tăng tương ứng 21% và 36% so với cùng kỳ. Trong đó, lĩnh vực xuất khẩu phần mềm ghi nhận doanh thu đạt 4.268 tỷ đồng, tăng 30%; lợi nhuận trước thuế đạt 652 tỷ đồng, tăng 29%.
Khối Viễn thông ghi nhận doanh thu tăng 16%, đạt 4.939 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 857 tỷ đồng, tăng 16%.
Toàn cầu hóa tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của FPT. Kết thúc 7 tháng đầu năm, thị trường nước ngoài của FPT ghi nhận kết quả tích cực với 4.650 tỷ đồng doanh thu, tăng 27% và 726 tỷ đồng LNTT, tăng 34%. Tỷ trọng doanh thu thị trường nước ngoài tăng từ mức 15% trong 7 tháng đầu năm 2017 lên mức 38% trong năm 2018.
Hồi giữa tháng 7, Tập đoàn FPT chính thức sở hữu 90% cổ phần của Intellinet Consulting (Intellinet), một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ.
Theo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, hiện tại, FPT mới chỉ trả 30 triệu USD cho thương vụ này. “Giá trị thương vụ tương đối linh hoạt và không cố định. Ngoài khoản "cứng" 30 triệu USD đã thanh toán, phần còn lại sẽ dựa trên kết quả kinh doanh của Intellinet trong vòng 3 năm tới. Do đó, tổng giá trị thương vụ có thể khoảng 45-50 triệu USD”, anh Bình chia sẻ.
Đây là lần đầu tiên một công ty CNTT Việt Nam mua một công ty tư vấn của Mỹ. Việc mua bán, sáp nhập (M&A) được xem là một trong những bước đi chiến lược của FPT Software để hiện thực hóa tham vọng 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2020.
Tân Phong
Ý kiến
()