Chúng ta

Đại diện truyền thông Facebook tại Việt Nam tiết lộ bí quyết nghề

Thứ sáu, 10/4/2015 | 11:08 GMT+7

“10 năm nữa sẽ không còn công việc gọi là truyền thông xã hội; tất cả dạng truyền thông đều sẽ là truyền thông xã hội. Truyền thông vì hiệu quả kinh tế đã thay thế truyền thông vì truyền thông”, chuyên gia Nguyễn Thanh Sơn khẳng định.

Theo anh Sơn, thành công của một sản phẩm hay thương hiệu nào đó phụ thuộc vào việc chúng ta có xây dựng cho những người sử dụng sản phẩm và dịch vụ của mình các cộng đồng hay không. Và họ có sinh hoạt và tin tưởng vào cộng đồng ấy. “Đây là yếu tố then chốt”, anh nói.

4-1428157327-660x0_1428635688.jpg

Sự kiện dành cho giới kinh doanh diễn ra sáng ngày 4/4, tại khách sạn Vạn Phát, TP Cần Thơ, với diễn giả là ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Học viện Thương hiệu và Truyền thông SAGE, CEO T&A Ogilvy kiêm đại diện truyền thông của Facebook tại Việt Nam, có chủ đề Viral Marketing (Tiếp thị lan toả). 

Tại ngày hội Facebooker diễn ra tuần qua tại Cần Thơ, anh Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Học viện Thương hiệu và Truyền thông SAGE, CEO T&A Ogilvy kiêm đại diện truyền thông của Facebook tại Việt Nam đã trao đổi với người tham gia về chủ để rất nóng hiện nay: Viral Marketing - Tiếp thị lan tỏa - thông qua các trang mạng xã hội.

Chủ tịch Học viện Thương hiệu và Truyền thông SAGE cho rằng, thông qua truyền thông xã hội, tất cả thông tin trực tiếp đến được những người mua và sử dụng sản phẩm mà không phải qua bất cứ trung gian nào. Khi đó, các vấn đề được tự xử lý với nhau.

Anh Sơn đưa ra ví dụ về một trong những khách hàng lớn nhất của T&A Ogilvy: Mobifone. Thương hiệu này có khoảng 25 triệu thuê bao và công ty anh phải xác định chương trình quản lý số thuê bao khổng lồ ấy trong những cộng đồng khách hàng, như cộng đồng sinh viên, cộng đồng doanh nghiệp…. “Người làm tiếp thị phải quản trị cộng đồng đó. Bước đầu tiên là tạo ra nhận thức về sản phẩm, dịch vụ cộng đồng đối với khách hàng. Kế tiếp là chăm sóc khách hàng. Bán hàng chỉ là bước cuối cùng”.

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, cách làm ‘Truyền thông vì truyền thông’ đã dần trở nên lỗi thời. “Chỉ xây dựng hình ảnh thì chưa đủ. Chúng ta không thể ngồi chờ khách hàng tìm đến mình”, đại diện truyền thông của Facebook tại Việt Nam nhấn mạnh. “Chặng đường để đến được với người mua hàng đầu tiên là họ phải biết chúng ta là ai. Người làm truyền thông phải chủ động kéo khách hàng đến với mình thay vì xây dựng hình ảnh và ngồi chờ. Nếu những năm trước khi nền kinh tế phát triển đỉnh cao, rất nhiều người không phải bỏ tiền ra cho các hoạt động truyền thông thì hiện nay nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn khủng hoảng, cần có các hoạt động truyền thông, và theo những phương thức mới. Giờ đây các chương trình truyền thông nhỏ gọn, thông minh thường có hiệu quả cao hơn so với các chương trình hoành tráng".

5-1428157336-660x0-1_1428635746.jpg

Theo anh Sơn, trong kỷ nguyên nội dung và mạng xã hội hiện nay, câu chuyện của người tiêu dùng có tác động và lan tỏa rất lớn. Họ dùng rất nhiều hình thức để truyền tải và phát ngôn trên báo chí của doanh nghiệp là không đủ. 

“Ngày xưa chúng tôi gọi hoạt động tiếp thị là lái máy bay B52, ở dưới là mục tiêu. Chỉ cần ném bom dội thẳng là thể nào cũng có người chết. Còn bây giờ, phải gọi là lái máy bay B1, sử dụng bom thông minh để ném trúng các đối tượng mục tiêu”, anh Sơn so sánh.

Ngoài ra, truyền thông thông minh còn bao gồm việc đo lường được cụ thể phản ứng, phản hồi đối với sản phẩm, dịch vụ của mình. Đôi khi một video clip có thể mang đến doanh thu khủng khiếp. “Nếu các bạn biết cách kể chuyện, thậm chí các bạn có thể cứu được mạng sống của mình”, CEO T&A Ogilvy dẫn chứng.

Một minh họa cụ thể cho sức mạnh của video clip là phim ca nhạc “Gửi cho anh” của ca sĩ Khởi My. Bộ phim có ngân sách cực thấp, dưới 50 triệu VND, nhưng đã gây được hiệu ứng tức thì. Chỉ trong ba ngày, “Gửi cho anh” đã đạt hơn 2 triệu lượt xem. Sau một năm, con số này đã là 23 triệu. Kết quả là, Casio - nhãn hàng có xuất hiện trong bộ phim ca nhạc này đã bán được rất nhiều đồng hồ và thu lợi nhuận lớn thông qua chương trình truyền thông nhỏ gọn và thông minh này.

Phương thức sử dụng video có sức lan tỏa rất tốt. Sử dụng video có khả năng bị ném đá, tuy nhiên, anh Sơn giải thích: “Nhưng bị ném đá, được nói đến nhiều chính là một hình thức lan tỏa. Ngay cả những chương trình mang tính xã hội cũng thường sử dụng video clip như một cách làm sáng tạo và hiệu quả”.

Hiệu quả nội dung được đo lường dựa trên 6 yếu tố: tính nhất quán, tính thời sự - hấp dẫn, sự ủng hộ của cộng đồng, sự kết nối, khả năng phát triển của nội dung đó và sự đồng bộ.

Có 10 cách để xây dựng nội dung tạo được dư luận. Một biên tập viên của Daily Mail, tờ báo lá cải số 1 nước Anh, thu hút hơn 4 triệu lượt xem mỗi ngày, đã từng bật mí với đại diện truyền thông của Facebook tại Việt Nam rằng: “Hãy làm ngược lại 10 điều răn dạy của Chúa, chắc chắn sẽ tạo được dư luận”.

Tuy nhiên, diễn giả cho rằng mạng xã hội và tính lan tỏa lại là con dao hai lưỡi. Bản thân nó cũng có thể tạo khủng hoảng ảnh hưởng đến thương hiệu nếu không được quản trị tốt. Muốn video hay sản phẩm truyền thông lan tỏa, tác phẩm ấy phải có tính khiêu khích và tạo nên những tranh luận. Trong trường hợp này, người làm truyền thông phải biết cách để khiêu khích vừa phải và tránh tạo những tranh luận tiêu cực. Cần nêu ra những quan điểm đặc biệt, những góc nhìn khác để tạo được sự quan tâm của dư luận.

Khán phòng nóng lên với phần đặt câu hỏi cho Chủ tịch Học viện Thương hiệu và Truyền thông SAGE. “Những người làm tiếp thị lan tỏa phải là thành viên hiểu và tham gia tích cực các hoạt động truyền thông. Nói là vậy nhưng khi thực hiện rất khó. Ví dụ, FPT có 22.000 nhân viên, nếu một người trong đó tham gia vào quá trình lan tỏa đã có là việc hữu ích. Vậy làm cách nào để nhiều người cùng tham gia?”, một thành viên của Truyền hình FPT đưa ra câu hỏi.

Phản hồi thính giả, anh Sơn nhấn mạnh FPT là công ty có truyền thống về nội dung mang tính lan tỏa. Tại FPT từng có một số nhân vật nổi bật mang tính lan tỏa rất cao, như Đinh Tiến Dũng với cái tên giáo sư Cù Trọng Xoay. Hay Sử ký FPT, câu chuyện của FPT được kể bởi hàng nghìn người. Đối với một người ngoài, điều đó không quan trọng, nhưng với người FPT, câu chuyện sẽ mang ý nghĩa lớn. Những người bắt đầu vào làm việc tại FPT đều cần hiểu về lịch sử, về những đồng nghiệp FPT, về truyền thống của tập đoàn.

“Bằng cách đọc Sử ký, họ biết được những câu chuyện về từng cá nhân trong FPT, hiểu thêm về FPT. Sức lan tỏa không chỉ là trong cộng đồng rộng mà còn trong cả cộng đồng hẹp”, CEO T&A Ogilvy nhấn mạnh. “Trong cộng đồng bên ngoài cũng vậy, không phải bất cứ cái gì đưa ra cũng được mọi người tham gia. Nhưng chỉ cần một vài người tham gia cũng có thể tạo ra những sự khác biệt và thay đổi lớn. Điều cần làm là khuyến khích và tạo cảm giác để mọi người tham gia vào quá trình tiếp thị lan tỏa một cách tự nhiên nhất”.

6-1428157350-660x0.jpg

Một thành viên của Truyền hình FPT đặt câu hỏi.

Trong khi đó, một thành viên của Nhóm thích ăn uống Cần Thơ, đơn vị đồng tổ chức chương trình, đặt câu hỏi về cách làm những đoạn video và quảng cáo như thế nào để kiểm soát cũng như điều khiển được dư luận.

Theo diễn giả, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào cộng đồng mà cá nhân/đơn vị xây dựng. Trong trường hợp này, nếu nội dung truyền thông mang tính quá khiêu khích, cần dự trữ sẵn một số thành viên sẽ đứng ra bênh vực chúng ta. “Không có thứ gọi là dư luận xã hội xấu. Mạng xã hội luôn luôn có thể điều chỉnh được. Trong lúc nguy cũng có thể là cơ hội. Chẳng hạn thông qua khủng hoảng mạng xã hội, chúng ta tận dụng để xây dựng hình ảnh. Đây gọi là tận dụng cơ hội trong khó khăn”, Chủ tịch Học viện Thương hiệu và Truyền thông SAGE chia sẻ.

Những câu hỏi xoay quanh tiếp thị lan tỏa đã giải đáp được thắc mắc của hơn 250 khách mời là các chủ doanh nghiệp, giới quản lý, và những người đang làm PR/Marketing cho doanh nghiệp ở Cần Thơ và các tỉnh miền Tây. Ngày hội Facebooker là sự kiện dành cho giới kinh doanh được tổ chức bởi Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Cần Thơ (CBA), Hội Tin học Cần Thơ (CAIP), Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Cần Thơ (ITTPC), Học viện Thương hiệu và Truyền thông SAGE và Nhóm Thích ăn uống Cần Thơ. Truyền hình FPT là nhà tài trợ kim cương của chương trình.

Yến Nhi

Ảnh: Thúy Vi

Ý kiến

()