Tại buổi ra quân, FPT Software đã công bố triển khai giai đoạn 1 của chương trình 10.000 kỹ sư cầu nối (BrSE) với mục tiêu đưa 500 học viên sang Nhật Bản đào tạo theo chương trình du học vào năm 2015. Theo đó, ngay trong tháng 3, 43 học viên khu vực Đà Nẵng, Hà Nội và TP HCM đầu tiên sẽ chính thức nhập học tại Học viện Ngôn ngữ Meros, một trong những học viện ngôn ngữ đào tạo tiếng hàng đầu của Nhật Bản. 455 học viên còn lại sẽ được đưa sang Nhật Bản đào tạo trong khoảng tháng 7 và tháng 10 cùng năm.
Giám đốc FPT Software Đà Nẵng Nguyễn Tuấn Phương khẳng định, 13 học viên lần này đóng góp quan trọng vào tiến trình toàn cầu hóa của công ty cũng như cầu nối vững chắc trong quan hệ song phương đối với Nhật Bản trong lĩnh vực CNTT. |
Trong số 43 học viên đầu tiên, 33 người có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực CNTT và có trình độ tiếng Nhật từ N5 trở lên. Tại Đà Nẵng, 13 học viên tham gia khóa học lần này được tuyển chọn minh bạch và đánh giá khá cao về năng lực cũng như kiến thức ngoại ngữ.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hoài Đức, Trưởng phòng Công nghệ thông tin Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng, đánh giá cao chiến lược phát triển của FPT Software và chia vui cùng các học viên tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên khi được tuyển chọn để trở thành hạt nhân phát triển CNTT cho đất nước.
Cũng theo ông Đức, chiến lược đầu tư 10.000 BrSE của FPT Software không chỉ phù hợp cho sự đi lên của ngành CNTT mà còn đúng với định hướng, chủ trương mà thành phố Đà Nẵng đề ra trong thời gian tới. 13 học viên lần này chính là những viên gạch đầu tiên để tạo tiền đề cho học sinh, sinh viên… hướng tới giá trị mới cho tương lai bởi trong chiến lược toàn cầu hóa của FPT, Nhật Bản luôn là thị trường quan trọng số một, mang lại sự tăng trưởng ổn định và bền vững.
Được đánh giá cao trong số 13 học viên, học viên Phạm Văn Tú cảm thấy tự hào và hạnh phúc khi được Ban lãnh đạo công ty quan tâm và tạo điều kiện để sang Nhật Bản du học. Cựu sinh viên Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng mong muốn toàn thể học viên khóa học nhanh chóng trở thành kỹ sư cầu nối để góp phần thúc đẩy FPT Software nói riêng và CNTT Việt Nam nói chung phát triển lên tầm cao mới. |
Còn khá trẻ và được đánh giá cao trong đợt ra quân lần này, học viên Phạm Văn Tú bày tỏ quyết tâm hoàn thành khóa học một cách xuất sắc để nhanh chóng trở thành kỹ sư cầu nối thuộc top đầu trong tương lai. “Kỹ sư cầu nối là con đường ngắn nhất để tiếp cận môi trường làm việc hiện đại và chuyên nghiệp hàng đầu trên thế giới. Dù gặp khó khăn về ngoại ngữ nhưng chỉ cần quyết tâm, làm việc và học tập có định hướng thì khả năng hoàn thành không hề khó”, anh chia sẻ.
Chương trình đào tạo 10.000 BrSE được FPT Software công bố tại Nhật Bản vào tháng 11/2014. Mục tiêu của chương trình nhằm giúp FPT nói riêng và các công ty CNTT của Việt Nam nói chung có đủ khả năng tiếp nhận lượng công việc ủy thác dịch vụ CNTT (IT Outsourcing) từ Nhật Bản, đồng thời giúp các công ty của đất nước mặt trời mọc có thêm nguồn kỹ sư CNTT trẻ.
13 học viên khu vực miền Trung - Tây Nguyên đợt này đều được lãnh đạo FPT Software đánh giá cao. |
Đối tượng hướng tới là các kỹ sư CNTT hoặc sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp đại học chuyên ngành CNTT, tùy theo trình độ tiếng Nhật đầu vào sẽ tham gia chương trình đào tạo tiếng Nhật khoảng 6 tháng đến một năm tại Việt Nam hoặc Nhật Bản để đạt trình độ tiếng Nhật N2. Sau đào tạo, số lượng kỹ sư này sẽ được giới thiệu làm việc trong các dự án với đối tác Nhật Bản của FPT tại Việt Nam hoặc làm việc trực tiếp Nhật Bản. FPT Software đã ký cam kết ba bên với Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) và trường Meros về việc đảm bảo các vấn đề tài chính, chương trình đào tạo cho học viên.
Trong năm 2015, FPT Software sẽ triển khai 3 đợt chiêu sinh cho chương trình "Du học Nhật Bản cùng FPT Software" vào tháng 4, 7 và 10. Trong đó, hạn chót đăng ký hồ sơ cho đợt 2 là ngày 6/2 và đợt 3 là ngày 30/4.
Việt Nguyễn
Ý kiến
()