Mới đây, trong một bài đăng trên trang cá nhân, Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến đã chia sẻ về một hình ảnh thiết bị mới sắp được ra mắt chính thức trong tháng 9.
Cụ thể, bài viết của Chủ tịch Hoàng Nam Tiến bật mí: 'Cả thế giới chờ đợi sự kiện công nghệ ngày 7/9 [ngày Apple công bố loạt sản phẩm mới]. Tôi cũng vậy. Nhưng trước đó, tôi muốn nói cả thế giới rằng, ngày 6/9 là ngày của FPT Play! Một thiết bị mới lần đầu tiên tại Việt Nam do chính FPT Play phát triển sẽ chính thức lộ diện với nhiều điều thú vị…”. Đăng kèm ảnh một phần của sản phẩm với cách thiết kế tương tự FPT Play Box, nhưng trông mỏng hơn.
Dù không tiết lộ chi tiết, thông qua các hé lộ trên trang cá nhân của Chủ tịch FPT Telecom, đây có thể sẽ là thiết bị xem truyền hình thế hệ tiếp theo của đơn vị này.
Thiết bị mới sắp ra mắt của FPT Telecom. |
Trước đó, FPT Telecom cũng đã cho ra mắt thành công nhiều bộ giải mã khác nhau, tương thích với từng nền tảng dịch vụ truyền hình IPTV (trước là Truyền hình FPT) và OTT (FPT Play trước đây) mà đơn vị đang nắm giữ. Các thế hệ bộ giải mã tiền nhiệm đã tiên phong áp dụng nhiều tính năng công nghệ mới nhất như lần đầu tiên tích hợp loa và TV Box, điều khiển giọng nói mà không cần chạm, đồng thời đón đầu những xu hướng thiết kế đương đại trong hình dáng và màu sắc… Mục tiêu là hướng đến trải nghiệm tối đa của khách hàng trong dịch vụ và thưởng thức nội dung.
Năm 2021, FPT Telecom từng công bố Play Box S, là thiết bị đầu tiên tích hợp TV Box với loa thông minh và có khả năng điều khiển smarthome. Viễn thông nhà F cũng hợp nhất hai dịch vụ là truyền hình FPT (công nghệ IPTV) và dịch vụ OTT FPT Play với hàng triệu người sử dụng thành một đôn vị mới với tên gọi FPT Play. Tuy nhiên, việc hợp nhất mới diễn ra về mặt phần mềm và dịch vụ, trong khi người dùng vẫn cần đến hai thiết bị riêng. Sản phẩm sắp ra được dự đoán sẽ giải quyết vấn đề này, tức có tích hợp cả bộ giải mã cho truyền hình IPTV và OTT.
IPTV là công nghệ truyền hình có khả năng cung cấp nội dung với độ trễ thấp, ổn định và có thể xem lại, do sử dụng mạng phân phối nội dung (CDN) riêng biệt, kết nối trực tiếp với đường cáp quang. Trong khi đó, truyền hình OTT có độ trễ lớn hơn, nhưng có thể xem được từ nhiều thiết bị thông qua ứng dụng. Trước đây, người dùng thường phải sử dụng bộ giải mã riêng khi xem truyền hình theo hai công nghệ này.
Theo báo cáo của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, người dùng trong nước ngày càng quan tâm đến dịch vụ truyền hình trả tiền. Trong năm 2021, Việt Nam có hơn 16,6 triệu thuê bao, tăng nhẹ so với 2020. Người dùng Việt đã chi 9.000 tỷ đồng cho các dịch vụ truyền hình trả tiền trong và ngoài nước, với dịch vụ phổ biến như FPT Play, MyTV, Netflix, IQIYI... Năm nay, tính đến hết quý II/2022, doanh thu truyền hình trả tiền tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng doanh thu với các dịch vụ OTT TV tăng trưởng gần 300%.
Minh Vân
Ý kiến
()