Chúng ta

Chủ tịch FPT nói về tương lai ngành CNTT tại Diễn đàn doanh nghiệp Pháp - Việt

Chủ nhật, 4/11/2018 | 19:25 GMT+7

Chủ tịch Trương Gia Bình tự hào Việt Nam ngày càng có vị thế cao trên thị trường công nghệ thông tin thế giới. Cụ thể với trường hợp FPT, tập đoàn đặt mục tiêu 10 năm nữa sẽ có 200.000 lập trình viên.

Diễn đàn doanh nghiệp Pháp - Việt 2018 với chủ đề "Những tham vọng mới tại Việt Nam" diễn ra chiều ngày 4/11 tại khách sạn Sofitel Saigon Plaza, 17 Lê Duẩn, quận 1, TP HCM.

Diễn đàn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV) tổ chức nhằm mục đích tăng cường trao đổi giữa các doanh nghiệp Pháp và Việt Nam về những giải pháp và mối quan hệ đối tác cần được triển khai để cùng đạt được những tham vọng mới tại Việt Nam. Diễn đàn nằm trong khuôn khổ các hoạt động nhân dịp Thủ tướng Pháp Edouard Phillippe thăm Việt Nam. 

MG-5485-7071-1541325887.jpg

Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp - Việt do Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV) tổ chức.

FPT tham gia với vai trò là doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam tiêu biểu trong chuyển đổi số. Đại diện tập đoàn tại diễn đàn là Chủ tịch FPT Trương Gia Bình và Giám đốc FPT Pháp Ngô Duy Khang. 

Chủ tịch FPT là khách mời trong phiên thảo luận về lĩnh vực chuyển đổi số với các chủ đề cách mạng công nghiệp 4.0, chính phủ số, an ninh mạng; vai trò của các doanh nghiệp tư nhân với tăng trưởng công nghệ thông tin; tiềm năng tại ASEAN và châu Á từ các thỏa thuận tự do thương mại song phương, đa phương.

Nói về thị trường CNTT tại Việt Nam Chủ tịch FPT Trương Gia Bình phấn khởi cho hay, 3 năm gần đây, nhu cầu công nghệ thông tin ở Việt Nam tăng trưởng cao. Cách mạng công nghiệp 4.0 là chủ đề sôi động nhất trong bất kỳ bài phát biểu của Thủ tướng hay các bộ ban ngành. Việt Nam sẽ tập trung làm chính phủ điện tử, tiến đến chính phủ số và phát triển kinh tế số. Cuộc ký kết giữa hai chính phủ Việt Nam và Pháp nhân dịp Thủ tướng Pháp sang thăm là bằng chứng cho việc này.  

Theo anh Bình, rất nhiều đề án về thành phố thông minh được tích cực triển khai như Bình Dương. Tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, chủ đề sản xuất thông minh cũng đã được triển khai tại một số cơ sở.

MG-5487-7508-1541325887.jpg

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết công nghệ thông tin đang là ngành thiếu nhân lực tại Việt Nam.

Đồng thời trên thế giới, chuyển đổi số, cách khai thác dữ liệu mà doanh nghiệp có trên toàn cầu biến thành lợi nhuận kinh doanh, cơ hội tăng trưởng và nâng cao hiệu quả là nhu cầu rất lớn. Đó là yêu cầu Tập đoàn FPT đang nhận được từ nhiều đối tác.  

“Ở thị trường quốc tế, FPT có hàng trăm khách hàng, trong đó có những tập đoàn hàng đầu thế giới, gần 100 ngân hàng thuộc Top 500 đang đặt vấn đề với FPT trong chuyển đổi số. Chúng tôi rất vinh dự được hợp tác với Airbus trong Skywise, và rất nhiều tập đoàn Pháp, Mỹ, Nhật...”, anh Bình nói.

MG-5491-6896-1541325887.jpg

FPT đặt mục tiêu 10 năm nữa sẽ có 200.000 lập trình viên.

Được hỏi về tương lai ngành CNTT trong 3 năm tới, anh Trương Gia Bình nhận định đây là lĩnh vực sẽ phát triển mạnh. Hiện CNTT Việt Nam có mức tăng trưởng 16%, đạt 76,8 tỷ USD; ngành xuất khẩu phần mềm đạt 3 tỷ USD, nhiều năm liên tục xuất khẩu phần mềm của Việt Nam tăng trưởng 35%. Việt Nam có 780.000 kỹ sư CNTT, khoảng 300 trường đại học đào tạo 55.000 sinh viên. Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 1 triệu lập trình viên. Nguồn lực trong lĩnh vực CNTT lúc nào cũng thiếu. Đây cũng là ngành thể hiện vị thế của Việt Nam trên trường thế giới. Tiềm năng phát triển CNTT của Việt Nam cực kỳ lớn khi dân số đạt gần 100 triệu dân với tuổi trung bình 27, thời gian sử dụng các thiết bị công nghệ lên đến 4,5 giờ mỗi ngày. 

“Từ cách đây 3 năm, các công ty hàng đầu thế giới chấp nhận Việt Nam như đối tượng của thay đổi về chuyển đổi số. Chúng tôi đang chú trọng các công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Máy học (Machine Learning). Vị thế của Việt Nam ngày càng cao và sẽ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính phủ số trên thế giới”. Riêng với trường hợp FPT, anh Bình cho biết tập đoàn đặt mục tiêu 10 năm nữa sẽ có 200.000 lập trình viên. 

MG-5468-8598-1541325887.jpg

Diễn đàn doanh nghiệp Pháp - Việt nằm trong khuôn khổ các hoạt động của chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp Edouard Phillippe nhân dịp kỷ niệm kép 45 năm quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Pháp và Việt Nam.

Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp - Việt được tổ chức có sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp Việt - Pháp tại Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho việc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp Pháp và Việt Nam, trao đổi các vấn đề thời sự liên quan đến thị trường Việt Nam.

Diễn đàn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV) chủ trì, được đồng tổ chức với Đại sứ quán Pháp, Lãnh sự quán Pháp tại Việt Nam, CCE, Business Frace và Medef International cùng sự hỗ trợ của Becamex, Sanofi, Orès, AB Viet France, Air Liquide, Ceva, Société Générale, Olmix và Air France. 

Trong Diễn đàn có 3 hội thảo chuyên đề xoay quanh chủ đề trung tâm “Những tham vọng mới tại Việt Nam” nối tiếp nhau, lần lượt được các đại diện phía Pháp và Việt Nam triển khai. Đây là cơ hội trao đổi ý tưởng và hiểu biết về mối quan hệ kinh tế giữa Pháp và Việt Nam. Ba chủ đề được đề cập đến gồm: Môi trường kinh doanh mới tại Việt Nam, Những thách thức và vấn đề xoay quanh, Người tiêu dùng và sản xuất mới. 

Diễn đàn doanh nghiệp Pháp - Việt nằm trong khuôn khổ các hoạt động của chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp Edouard Phillippe nhân dịp kỷ niệm kép 45 năm quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Pháp và Việt Nam. Chuyến thăm nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ chiến lược song phương, phát triển quan hệ đối tác kinh tế và thương mại, phát triển quan hệ giữa nhân dân hai nước. 

>> FPT bắt tay Schneider Electric để thành nhà chuyển đổi số hàng đầu

Xuân Phương

Ý kiến

()