Người đứng đầu ĐH FPT đã làm nóng diễn đàn giáo dục với bài tham luận 'Quản trị đại học như quản trị dịch vụ' trong Hội thảo EduCamp, diễn ra tại ĐH FPT, cơ sở Hòa Lạc, vào ngày 29/11.
Anh Lê Trường Tùng mở đầu bài trình bày bằng cách nhấn mạnh: "Dạy được cho người học biết cách tự học coi như nhà trường đã hoàn thành được sứ mệnh của mình". Theo anh, điều cốt lõi của ĐH FPT không phải chỉ là cung cấp kiến thức, mà phải dạy được cho sinh viên ý thức tự học, tự trau dồi và phát triển bản thân. Từ đó, nhà trường giúp tạo được cho người học một môi trường cởi mở để theo đuổi đam mê, tri thức...
Chủ tịch ĐH FPT cho biết, đây là một câu hỏi triết học, đã được đặt ra từ xa xưa, nhưng đến nay vẫn còn gây tranh cãi. Cách đây trên 500 năm, triết học đặt ra vấn đề yếu tố tài chính trong giáo dục. Từ thời Socrate (thế kỷ thứ 5 trước công nguyên) có quan điểm: "Thầy mà cầm tiền là hỏng hết", phản đối yếu tố tài chính trong giáo dục. Ngày nay, WTO đã chỉ ra rằng, giáo dục là một ngành dịch vụ. Tại khối ASEAN có 50% các nước không có cam kết với WTO về việc mở cửa giáo dục. Khoảng 30% số nước hạn chế số vốn.
Đối với Việt Nam, tuy có cam kết mở cửa giáo dục nhưng không cho phép đào tạo từ xa xuyên biên giới, giới hạn ngành... Top 100 trường đào tạo hàng đầu thế giới, có trường thành lập hơn 100 năm nhưng chỉ có vài chục nghìn sinh viên. Tại trường ĐH Harvard có chất lượng rất tốt nhưng tuyển sinh rất hạn chế. Bởi lẽ, trung bình 7 sinh viên được một giáo sư giảng dạy. Nếu tuyển sinh thêm thì phải tăng chất lượng và thay đổi mô hình giáo dục.
Chủ tịch ĐH FPT Lê Trường Tùng chia sẻ về 'Quản trị đại học như quản trị dịch vụ". |
Ngay từ khi ra đời, nhà trường đã đề cao ứng dụng công nghệ trong dạy và học. Bên cạnh quan điểm rõ ràng về đào tạo, về ứng dụng công nghệ trong vận hành tổ chức, Chủ tịch ĐH FPT Lê Trường Tùng mong muốn, hoạt động của ĐH FPT phải khác biệt. Bởi lẽ, chỉ có như vậy mới phát triển và có văn hóa rất riêng. Hơn nữa yếu tố “cạnh tranh” rất quan trọng: Cạnh tranh để phát triển.
Để tạo ra sự khác biệt, theo anh Tùng, việc quản lý ĐH FPT cần đi theo 5 nguyên tắc: Đảm bảo thu và chi phải có nền tài chính vững mạnh; Tuyển sinh phải tăng cường ngay trong điều kiện thuận lợi nhất; Thương hiệu FPT thể hiện ở chất lượng đào tạo khác biệt; Phát triển cán bộ tuân theo cơ chế thị trường; Có nền văn hóa riêng biệt. "Đào tạo là quá trình tổ chức và quản lý việc tự học của người học. Vai trò người thầy phải dạy cho sinh viên tự giác học tập", anh nói.
Những nguyên tắc tạo ra sự khác biệt trên vừa góp phần tạo nên một ĐH FPT có chất lượng đào tạo tốt và văn hóa FPT riêng biệt. Đặc biệt, đảm bảo được mức thu nhập tốt cho đội ngũ giảng viên cũng như các cán bộ nhà trường. Cụ thể, theo báo cáo trong năm 2014, lương trung bình một năm của giảng viên là 240 triệu đồng. Năm 2015, tăng lên 300 triệu đồng. Mức lương một tháng của giảng viên sẽ bằng học phí của hai sinh viên", người đứng đầu Khối Giáo dục FPT chia sẻ.
Ấn tượng với bài thuyết trình của anh Tùng, GS. Salmiah Kasolang, ĐH Công nghệ Mara, cho hay, với nhiều dẫn chứng cụ thể, bài tham luận đem đến bức trạnh về xu hướng giáo dục hiện nay. "Tôi nhìn thấy rất nhiều tiềm năng tại ĐH FPT. Mặc dù, các bạn rất mới nhưng có nền tảng vững chắc trong CNTT".
Tham luận của Chủ tịch ĐH FPT Lê Trường Tùng nhận được nhiều sự quan tâm của người tham dự. Ảnh: FU. |
Công tác tại ngành Software Engineering trường ĐH FPT, diễn giả Trần Bình Dương tâm đắc với triết lý ''Giáo dục Đại học phải tạo nên môi trường để sinh viên tự học". Theo anh Dương, trong quá trình làm việc thực tế bản thân anh đã rút ra được chân lý: "Người thầy sẽ không thể nắm hết mọi thứ, nên tạo nền tảng và để sinh viên tự khám phá".
Anh Lê Trường Tùng nhìn nhận, mô hình giáo dục thay đổi rất nhanh. Các doanh nghiệp cần có doanh thu để duy trì và phát triển. Từ đó, nhà trường hướng đến những bước tiến mạnh mẽ trong tương lai. "Nhiệm vụ trong năm 2016, là mở các phân hiệu ĐH FPT tại các tỉnh và thành phố trên cả nước", anh tiết lộ.
EduCamp diễn ra sáng ngày 29/11 với sự tham gia của hơn 100 CBNV trong và ngoài FPT, cùng thảo luận về phương pháp dạy và học, đổi mới giáo dục, xây dựng tổ chức học tập, tuyển sinh… Nhiều lãnh đạo của ĐH FPT như Chủ tịch Lê Trường Tùng, Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng ĐH FPT Đàm Quang Minh, Hiệu phó Phan Phương Đạt… tham gia chương trình. Đặc biệt, có sự tham luận của GS. Salmiah Kasolang, ĐH Công nghệ Mara và TS. Phạm Thị Ly, ĐH Quốc gia TP HCM.
Chương trình do ĐH FPT phối hợp với Trường Đào tạo cán bộ FPT (FCU) tổ chức, với 7 chuyên đề liên quan tới vận hành một tổ chức giáo dục gồm: Tuyển sinh, Xây dựng và phát triển chương trình, Quản lý và tổ chức giảng dạy, Dạy và học, Xây dựng tổ chức học tập, Đổi mới giáo dục, Nghiên cứu phát triển và thương mại hóa (RDC). Hội thảo thu hút 45 tham luận đến từ các nhà quản lý, chuyên gia, giảng viên, CBNV FPT.
FPT EduCamp là hội thảo mở được Khối Giáo dục tổ chức hằng năm, bắt đầu từ năm 2014. Đây là cơ hội để kết nối các giảng viên, chuyên gia, các nhà hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhằm chia sẻ kinh nghiệm, tri thức và ý tưởng để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục Việt Nam nói chung và FE nói riêng.
Thanh Tùng
Ý kiến
()