Chúng ta

Chị Nguyễn Bạch Điệp đại diện phần vốn tại FPT Pharma

Thứ năm, 4/10/2018 | 11:18 GMT+7

Chủ tịch kiêm CEO FPT Retail vừa là người đại diện phần vốn vừa là đại diện theo pháp luật của công ty dược phẩm sắp thành lập.

Hội đồng Quản trị công ty Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail - mã sàn HOSE: FRT) vừa thống nhất tham gia góp vốn thành lập công ty con là công ty cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu (tên viết tắt là FPT Pharma).

FPT Pharma là doanh nghiệp chuyên bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm và vật phẩm vệ sinh trong các cửa hàng chuyên doanh. Công ty con có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó FPT Retail góp 75% vốn tương ứng 75 tỷ đồng.

Hội đồng Quản trị FPT Retail cũng giao Chủ tịch kiêm CEO là chị Nguyễn Bạch Điệp làm đại diện toàn bộ số vốn góp nhà Bán lẻ tại FPT Pharma. Chị Điệp sẽ là người đại diện theo pháp luật của Công ty FPT Pharma, thời hạn đại diện phần vốn là 10 năm. Trong thời gian này, chị Điệp được nhân danh FPT Retail toàn quyền quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền cổ đông theo quy định của Điều lệ công ty.

1-hjzp-3367-1520475587-8926-1538622486.j

Chủ tịch kiêm CEO FPT Retail - chị Nguyễn Bạch Điệp. Ảnh: Maika Elan.

Hội đồng Quản trị công ty Bán lẻ kỹ thuật số FPT cũng giao CEO Nguyễn Bạch Điệp chủ trì chuẩn bị hồ sơ pháp lý và tiến hành thủ tục đăng ký thành lập công ty cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu.

Năm ngoái, FPT Retail đã thông báo việc đầu tư vào chuỗi nhà thuốc Long Châu và lên kế hoạch mở rộng 400 nhà thuốc đến năm 2021. Động thái của FPT Retail diễn ra sau khi Thế giới Di động nhảy vào lĩnh vực bán thuốc với việc góp vốn vào chuỗi dược phẩm Phúc An Khang.

Theo một báo cáo của Chứng khoán Sài Gòn (SSI), FPT Retail đã mở thêm 13 cửa hàng dược phẩm mới nâng tổng số lên 17 kể từ khi đầu tư vào Long Châu tháng 1/2017. Công ty kỳ vọng đạt được mục tiêu 30 cửa hàng Long Châu vào cuối năm 2018.

Phân khúc dược phẩm kỳ vọng đạt 78 tỷ đồng doanh thu từ 20 cửa hàng dược phẩm Long Châu lần đầu tiên hợp nhất vào kết quả kinh doanh năm 2018 toàn công ty. Sang năm 2019, doanh thu từ chuỗi dược phẩm kỳ vọng tăng gấp 10,6 lần, đạt 906 tỷ đồng, chiếm 4,8% tổng doanh thu. Chuỗi dược phẩm này dự kiến tăng 50 cửa hàng Long Châu mới.

Người đứng đầu FPT Retail cũng khẳng định, thị trường dược có thể chia làm 3 nhánh: kênh nhà thuốc, kênh phòng mạch và kênh bệnh viện. FPT Retail có kế hoạch tiếp cận kênh bệnh viện và phòng mạch, tuy nhiên, kênh nhà thuốc vẫn còn dư địa phát triển lớn. “Kênh nhà thuốc là thị trường 1,3 tỷ USD/năm, FPT Retail kỳ vọng chiếm 30% thị phần. Khi ấy, doanh thu cũng không hề thua kém mảng kinh doanh truyền thông. Trong 3-4 năm tới, mảng dược đóng góp khoảng 40% doanh thu của FPT Retail”, chị Điệp khẳng định.

Theo số liệu nghiên cứu từ FPT Retail, quy mô ngành dược khoảng 5 tỷ USD/năm, tương đương ngành điện thoại (5,8 tỷ USD) và cao hơn điện máy (3,7 tỷ USD). Trong khi đó, chi phí cho dược phẩm ở Việt Nam còn khá thấp nhưng ở Thái Lan đã lên 46 tỷ USD/năm, Singapore 142 tỷ USD/năm, Malaysia 66 tỷ USD/năm. Đặc biệt, tăng trưởng ngành 13% một năm và không phụ thuộc vào tình hình kinh tế.

“Nếu bước dò dẫm vào ngành hàng mang tính đặc thù, chúng tôi có khả năng thiệt hại lớn. Do đó, việc mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu (TP HCM) vào cuối năm ngoái giúp công ty hạn chế tối đa rủi ro”, chị Điệp chia sẻ.

Theo nữ tướng nhà Bán lẻ, ngay từ đầu đơn vị xác định, từ công ty CNTT sang thuốc sẽ gặp nhiều thách thức dù có kinh nghiệm quản trị nhưng chuyên môn rất mới, chắc chắn tập thể FPT Retail phải học làm sao nhanh, cho đúng. Chị Điệp thông tin, khâu mà công ty nhận thấy cần tối ưu đó là phần logistics (hậu cần) và không loại trừ cuối năm mở thêm nhà thuốc ở Bình Dương, Đồng Nai để thử nghiệm. FRT Retail dự kiến mở tới 400 cửa hàng thuốc cho đến năm 2020.

Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, chuỗi nhà thuốc Long Châu đang có những bước đi hứa hẹn. Tuy nhiên, để thực sự trở thành động lực tăng trưởng của FPT Retail, Long Châu cần thành công trên diện rộng chứ không chỉ bó hẹp tại TP HCM.

Đây là điều không hề dễ dàng bởi trên thị trường dược phẩm hiện nay, kênh bệnh viện chiếm tới 70% thị phần, chỉ còn 30% doanh số thuốc bán lẻ dược phẩm, tương đương 1,6 tỷ USD được chia sẻ bởi khoảng 57.000 nhà thuốc và quầy thuốc trên cả nước.

>> FPT Shop lọt Top nhà bán lẻ hiệu quả nhất Việt Nam năm 2018

Tân Phong

Ý kiến

()