Theo BSC, chỉ báo xu hướng MACD (Đường trung bình động phân tán hội tụ MACD là một chỉ báo về xu hướng được sử dụng rộng rãi trong phân tích kỹ thuật thị trường tài chính) của FPT có phân kỳ âm, MACD vượt đường trung tâm và hướng lên. Trong khi đó, chỉ báo RSI (Relative Strength Indicator - Sức mạnh tương đối) đang ở vùng trung lập, phá kênh Bollinger trên và đường MA (Moving Averages - Đường trung bình động - một trong những công cụ phân tích kỹ thuật lâu đời và phổ biến nhất) MA20 có xu hướng cắt lên MA50 và MA200
Từ những phương pháp phân tích kỹ thuật này, BSC cho rằng FPT đang nằm trong kênh giá tích lũy trung hạn 40.000-46.000 từ tháng 8/2017. Xu hướng hồi phục ngắn hạn trong các phiên gần đây khá mạnh với mức thanh khoản vượt trung bình 20 phiên.
Đồ thị kỹ thuật cổ phiếu FPT. Nguồn: BSC. |
“Điều này có thể khiến cổ phiếu kiểm tra lại ngưỡng giá kháng cự 46.000 trong các phiên giao dịch tới”, báo cáo của BSC nêu và thông tin, chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều duy trì xu hướng tăng khá mạnh khi đà phá vỡ của RSI mạnh cùng với khoáng cách nới rộng của đường MACD và đường tín hiệu. Nhịp vận động của ba đường MA cho thấy cổ phiếu đang trong đà hồi phục ngắn hạn. “Như vậy, FPT nhiều khả năng kiểm tra lại ngưỡng giá 46 trong các phiên giao dịch tới”.
Sáng nay (ngày 15/2), mã FPT đang giao dịch ở mức giá 44.250 đồng/cổ phiếu.
Theo nghị quyết của HĐQT FPT, ngày chốt danh sách kỳ ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 là 1/3 và sự kiện được tổ chức ngày 29/3. Dự kiến khách sạn Daewoo, địa điểm của ĐHĐCĐ thường niên các kỳ trước, sẽ là nơi diễn ra sự kiện năm nay.
Cuộc họp sẽ báo cáo hoạt động trong năm 2018 và phương hướng hoạt động năm 2019 của HĐQT, Ban kiểm soát cũng như các báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất đã được kiểm toán. Nội dung họp dự kiến còn có một số nội dung khác thuộc thẩm quyền ĐHĐCĐ.
FPT là đơn vị đầu tiên trong 5 công ty nhà F niêm yết sàn chứng khoán (cùng FPT Telecom, FPT Online, FPT Retail và Chứng khoán FPT) thông báo chốt quyền tham dự họp ĐHĐCĐ thường niên.
Theo kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2018, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT lần lượt đạt 23.214 tỷ đồng và 3.852 tỷ đồng, tăng 17% và 30% so với cùng kỳ trong điều kiện so sánh tương đương.
Khối Công nghệ trở thành động lực tăng trưởng chính của FPT. Năm 2018, khối Công nghệ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 13.395 tỷ đồng và 1.519 tỷ đồng, tăng tương ứng 21% và 34% so với cùng kỳ.
Trong đó, lĩnh vực xuất khẩu phần mềm ghi nhận doanh thu đạt 8.443 tỷ đồng, tăng 35%; lợi nhuận trước thuế đạt 1.360 tỷ đồng, tăng 27%.
Doanh thu xuất khẩu phần mềm tại các thị trường nước ngoài của FPT đều có mức tăng trưởng tốt, trong đó thị trường châu Âu tăng 23%, thị trường Nhật tăng 30% và thị trường Mỹ tăng 55% so với cùng kỳ.
Khối Viễn thông đạt 8.831 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 1.458 tỷ đồng, tăng 19%. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ viễn thông là động lực tăng trưởng chính, đóng góp 94% doanh thu của toàn khối. Doanh thu và lợi nhuận trước thuế của mảng này lần lượt đạt 8.293 tỷ đồng và 1.142 tỷ đồng, tăng 16% và tăng 26% so với cùng kỳ nhờ kết quả kinh doanh tốt và giảm tỷ lệ trích quỹ viễn thông công ích so với năm ngoái theo quy định.
Bất chấp sự bất ổn của nền kinh tế thế giới, toàn cầu hóa tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của FPT. Năm 2018, thị trường nước ngoài mang về cho FPT 9.097 tỷ đồng doanh thu, tăng 26% và 1.472 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 27% so với năm trước. Tỷ trọng doanh thu thị trường nước ngoài trong tổng doanh thu FPT tăng từ 16% năm 2017 lên 39% trong năm 2018.
Với chiến lược tập trung vào chuyển đổi số, doanh thu mảng dịch vụ này tại thị trường nước ngoài mang lại 1.679 tỷ đồng cho FPT, tăng 31%, chiếm 20% tổng doanh thu xuất khẩu phần mềm.
>> FPT phát hành hơn 3 triệu cổ phiếu cho nhân viên có thành tích
Tân Phong
Ý kiến
()