Chúng ta

Apple bị ‘rớt đá vào chân’

Thứ tư, 31/8/2016 | 10:17 GMT+7

Uỷ ban châu Âu (EC) vừa công bố án phạt dành cho Apple, buộc chính phủ Ireland truy thu 13 tỷ euro (14,5 tỷ USD) từ Táo khuyết.

Theo The Verge, ngày 30/8, Uỷ ban châu Âu (EC) đã chính thức công bố về án phạt dành cho Apple. Theo đó, EC yêu cầu chính phủ Ireland phải có trách nhiệm truy thu 13 tỷ euro (14,5 tỷ USD) từ Apple do hãng công nghệ Mỹ đã nhận lợi ích thuế phi pháp từ chính phủ Ireland.

Cụ thể, "năm 2003, thuế suất thực tế mà Apple đóng tại châu Âu chỉ tương đương 1% số lợi nhuận kiếm được từ khu vực này, đến năm 2014 con số này chỉ còn 0,005%".

apple-thue-8529-1472610309.jpg

Cổng trụ sở của Apple tại Cork, Ireland.

Uỷ ban châu Âu bắt đầu quá trình điều tra về các khoản ưu đãi thuế mà Ireland dành cho Apple cách đây 3 năm. Apple và Ireland đều được dự đoán là sẽ kháng cáo sau quyết định này.

Apple thiết lập một nhà máy ở thành phố Cork, miền Nam Ireland, từ năm 1980 và thuê khoảng 5.000 nhân công tại đây. Thông qua việc này, Apple đã chuyển hướng lượng hàng bán ra quốc tế, né được hàng tỷ euro tiền thuế. Nói cách khác, Apple đã hợp pháp hóa kênh bán hàng quốc tế thông qua Ireland để tận dụng ưu đãi thuế.

Theo luật EU, cơ quan thuế quốc gia không được phép ưu đãi thuế cho các công ty được chọn, điều mà EU xem là trợ giúp bất hợp pháp của nhà nước. Theo đó, hai phán quyết của chính phủ Ireland đưa ra lần lượt trong năm 1991 và 2007 đã cho phép Apple giảm thiểu hóa đơn thuế ở nước này.

Ngày 30/8, bà Margrethe Vestager, Ủy viên phụ trách cạnh tranh của EU, công bố mức ước lượng khoản tiền thuế mà Apple phải trả lên tới 13 tỷ euro, tuy nhiên chính quyền Ireland sẽ quyết định khoản tiền chính xác.

Động thái này khiến Washington phản ứng. Trước đó, ngày 24/8, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, EC đang có nguy cơ trở thành “cơ quan thuế siêu quốc gia”. Brussels áp tiêu chí khác để phân định trường hợp liên quan đến các công ty Mỹ, điều mà Bộ này cảnh báo rằng các khoản phạt là “vô cùng đáng ngại”.

Apple không phải là công ty duy nhất được hưởng ưu đãi thuế trong EU. Năm ngoái, Ủy ban châu Âu cũng từng yêu cầu Hà Lan truy thu 30 triệu euro từ Starbucks và Luxembourg được lệnh truy thu một khoản tiền tương tự từ Fiat.

Dự kiến, đây mới chỉ là đòn tấn công đầu tiên của EC trong chuỗi điều tra hàng loạt các thoả thuận thuế giữa chính phủ một quốc gia châu Âu và các tập đoàn lớn của Mỹ, trong đó có những 'gã khổng lồ' như Amazon và Starbucks.

Phán quyết của EC dành cho Apple ra đúng thời điểm hãng chuẩn bị ra mắt phiên bản iPhone 7 trong tuần tới có thể đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách chống trốn thuế của châu Âu và buộc một số tập đoàn khác thay đổi chiến lược thuế của mình ở châu Âu.

>> iPhone 6s trên VnExpress rẻ nhất thị trường

Nguyên Văn (theo The Verge)

Ý kiến

()