Ngày 14/6, lễ vinh danh các cá nhân xuất sắc của dự án CMMi level 5 ver 1.3 đã được tổ chức F-Town 2, quận 9 với sự tham dự của anh Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software; anh Hoàng Việt Anh, TGĐ FPT Software; anh Nguyễn Đức Quỳnh, GĐ FPT Software HCM; anh Thái Quang Hy, Phó GĐ Chất lượng, Trưởng nhóm dự án (SEPG Head); và nhiều thành viên tham gia dự án.
Những cá nhân tham gia dự án được vinh danh tại FPT Software HCM. Ảnh: Hương Trang |
Ngoài nội dung vinh danh, buổi lễ còn là nơi trao đổi về câu chuyện CMMi gắn với mục tiêu "săn cá voi" của FPT Software và những bước đi tiếp theo để chứng chỉ này có thể đi vào hoạt động tại công ty. GĐ Sản xuất Đỗ Văn Khắc cho rằng, con số dự án áp dụng CMMi tại FPT Software còn rất ít, trong khi có đến 50% dự án phải làm theo chuẩn này. "Vì vậy, chúng ta cần sự đồng lòng của các bạn để tham gia cuộc chiến mới này. Các bạn là những thành viên không thể thiếu", anh nói với các đồng nghiệp đã "ăn ngủ" với dự án CMMi 5.
Lời kêu gọi của anh Khắc được đáp lại ngay bằng hành động thực tế của "đầu tàu" CMMi Thái Quang Hy. Anh Hy cho hay sẽ thành lập bộ phận chuyên trách CMMi (CMMi Specialist) ngay tại buổi lễ gồm hai phần: Đề xuất Ban TGĐ xét duyệt Chứng nhận danh hiệu chuyên gia và giao nhiệm vụ tương ứng để CMMi có thể đi vào hoạt động sản xuất của các đơn vị.
Theo đó, CMMi Champion là nhân viên đã có kinh nghiệm áp dụng CMMi, có thể nhận nhiệm vụ tiếp tục các dự án CMMi khi có yêu cầu; CMMi Specialist là chuyên gia có kinh nghiệm về CMMi, có nhiệm vụ tham gia biên soạn quy trình, đào tạo, triển khai; High Maturity CMMi Specialist là chuyên gia có có nhiệm vụ tham gia biên soạn quy trình, đào tạo, triển khai CMMi bậc cao.
Anh Hoàng Nam Tiến chia sẻ lần đầu nghe về CMMi là cách đây 15 năm - thuở hồng hoang làm phần mềm của FPT khi chưa biết làm gì cả.
"Tính bắt chước Tây, anh Bình và Ban lãnh đạo lúc đấy mới quyết định làm CMMi. Những ngày đầu tiên sang Nhật Bản, chúng ta không có gì để khoe cả và chỉ có khoe về CMMi. Đi đâu cũng vậy, một trong những câu đầu tiên chúng tôi nói là về CMMi vì đó là cái mà tạo cho khách hàng tin cậy mình. Khi chúng ta nói chúng ta có CMMi là vị trí của chúng ta đã khác hẳn", anh Tiến nói.
Anh Hoàng Nam Tiến chia sẻ câu chuyện lịch sử chọn con đường CMMi của FPT Software. Ảnh: Hương Trang |
Anh Hoàng Việt Anh gửi lời cảm ơn tới những cá nhân tham gia dự án nhưng không quên nhắc nhở: "Đạt chứng chỉ đã khó nhưng đưa quy trình đẳng cấp như vậy vào thực tế còn khó khăn hơn rất nhiều, cần sự bền bỉ và nỗ lực hằng ngày hằng giờ. FPT Software luôn cần sự nỗ lực của các bạn".
Kế hoạch, lộ trình cụ thể việc đưa CMMi vào đời sống cũng đã được anh Thái Quang Hy trình bày. Theo đó, những công việc như phỏng vấn, thu thập ý kiến, update QMS, phân loại dự án, mức độ dự án… đều rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ và phân bổ nguồn lực từ Ban lãnh đạo, người đứng đầu các đơn vị và sự chung tay của thành viên CMMi Specialist.
Dự kiến, đến 30/4/2018, FPT Software sẽ hoàn thành việc áp dụng và đưa CMMi vào đời sống, các dự án của công ty.
CMMI được viết tắt của Capability Maturity Model Integration được phát triển tại Viện Kỹ nghệ Phần mềm của Mỹ (Viện SEI - nay đổi thành Viện CMMI) tại trường ĐH Carnegie Mellon ở Pittsburgh. Chứng chỉ này có giá trị trên quy mô toàn cầu, xác định mức độ trưởng thành năng lực của các công ty trong hoạt động xây dựng phần mềm và những dịch vụ liên quan. Chứng chỉ CMMi 5 version 1.3 có vai trò quan trọng đối với FPT Software bởi không chỉ là một yếu tố quan trọng để tăng niềm tin của khách hàng lớn vào công ty mà còn tạo nhiều đầu ra cho các bộ phận nhằm đổi mới trong đào tạo, vận hành và quản trị dự án. Trước đó, vào năm 2006, FPT Software đã giành được chứng chỉ CMMI level 5; năm 2004 đạt chứng chỉ CMM5. Gần nhất, năm 2011, FPT Software đạt chứng chỉ CMMI Level 5 v1.2. |
Trang Dung
Ý kiến
()