Trong 6 tháng đầu năm 2020, FPT đạt tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) lần lượt là 13.611 tỷ đồng và 2.428 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng là 9% và 14% so với cùng kỳ. Biên LNTT của Tập đoàn tiếp tục duy trì ở mức cao, đạt 17,8% so với 17,1% cùng kỳ năm 2019.
Lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm tăng trưởng lần lượt 13,5% và 14,7%, đạt tương ứng 2.021 tỷ đồng và 1.626 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 2.078 đồng, tăng trưởng 14,1% so với 6 tháng 2019.
Trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất lợi và khó lường từ đại dịch Covid-19 và xu hướng sụt giảm doanh thu của một số ngành, lĩnh vực, việc chủ động ứng phó, nâng cao quản trị, liên tục tìm kiếm cơ hội và cách làm mới đã giúp FPT có kết quả tương đối khả quan ở cả thị trường trong nước và nước ngoài.
Dịch vụ CNTT nước ngoài, Viễn thông và Giáo dục là động lực chính cho tăng trưởng của FPT
Tại thị trường nước ngoài, việc các quốc gia đóng cửa và hạn chế đi lại gây khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng, FPT đã có những sáng kiến tăng cường tương tác với khách hàng qua các kênh online, kết nối nguồn lực chuyên gia trên toàn cầu của Tập đoàn, đồng thời đưa ra những gói giải pháp hỗ trợ khách hàng tối ưu chi phí, phát huy tối đa lợi thế Việt Nam kiểm soát tốt đại dịch Covid để thuyết phục khách hàng.
Kết quả là doanh thu và LNTT của Dịch vụ CNTT nước ngoài tăng trưởng 18% và 21% so với cùng kỳ, lần lượt chiếm tỷ trọng 43% và 37% toàn Tập đoàn. Biên LNTT của Dịch vụ CNTT nước ngoài tăng từ 15,0% lên 15,4%. Tổng giá trị hợp đồng ký mới trong nửa đầu năm 2020 lên 16% so với cùng kỳ 2019. Đặc biệt, gần đây, FPT đã vượt lên nhiều đối thủ quốc tế để trở thành đối tác ưu tiên triển khai dự án CNTT từ khâu tư vấn, phát triển đến triển khai, bảo trì bảo hành cho một công ty kinh doanh ô tô hàng đầu của Mỹ với tổng giá trị dự án gần 20 triệu USD.
Tại thị trường trong nước, dựa trên thế mạnh về công nghệ, FPT cũng đã có những kế hoạch chủ động ứng phó như đẩy mạnh hình thức làm việc online, làm việc tại nhà, tăng cường tiếp cận khách hàng qua các kênh online giúp duy trì hoạt động kinh doanh liên tục, giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực đến hoạt động cung cấp, triển khai dịch vụ cho khách hàng.
Các mảng kinh doanh phục vụ nhu cầu thiết yếu như viễn thông, giáo dục vẫn tiếp tục hoạt động ổn định. Dịch vụ Viễn thông đạt doanh thu 5.217 tỷ đồng, tăng 12% và LNTT 833 tỷ đồng, tăng 22%. Trong đó, dịch vụ băng thông internet cho cá nhân và hộ gia đình tăng trưởng 10% doanh thu và 18% LNTT. Công tác tuyển sinh, dạy và học không bị gián đoạn.
Tuy nhiên, Dịch vụ CNTT trong nước và Quảng cáo trực tuyến bị ảnh hưởng mạnh do dịch bệnh làm giảm nhu cầu đầu tư và chi tiêu của doanh nghiệp trong nước.
Dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số: cơ trong nguy
Đại dịch Covid 19 thúc đẩy nhu cầu chuyển đổi số nhanh hơn. Trong 6 tháng, doanh thu chuyển đổi số của FPT đạt 1.773 tỷ đồng, tăng 65%, ghi nhận vai trò quan trọng của chuyển đổi số đối với các tổ chức, doanh nghiệp trong COVID–19.
Tại thị trường trong nước, FPT phát triển giải pháp số giúp doanh nghiệp phục hồi và bứt phá sau dịch bệnh nhờ tối ưu chi phí, tự động hóa quy trình, đổi mới sáng tạo và tăng cường bảo mật. Doanh thu trong 6 tháng đầu năm đến từ việc bán sản phẩm Made-by-FPT tại thị trường trong nước đã tăng 28% so với cùng kỳ 2019.
>> FPT chuyển đổi số cho Schaeffler khu vực châu Á
Thủy Minh
Ý kiến
()