Chúng ta

'Xây dựng thành phố thông minh không thể theo phong trào'

Chủ nhật, 30/7/2017 | 10:03 GMT+7

Theo ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Công nghệ FPT IS, nếu hàng chục, hàng trăm thành phố tại Việt Nam tự xây dựng thành phố thông minh theo phong trào, mạnh ai nấy làm thì nguy cơ thất bại sẽ rất cao.

Ông Phan Thanh Sơn (thứu 3 từ trái sang) trao đổi tại sự kiện.

Ông Phan Thanh Sơn (thứu 3 từ trái sang) trao đổi tại sự kiện.

Trao đổi tại Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2017 diễn ra tại Hà Nội ngày 27/7, Phan Thanh Sơn - Giám đốc Công nghệ FPT IS, đánh giá thời gian gần đây, Việt Nam bắt đầu có những động thái quyết liệt trong vấn đề phát triển thành phố thông minh (smartcity). Tuy nhiên, nếu hàng chục, hàng trăm thành phố tự làm smartcity theo phong trào thì nguy cơ thất bại rất cao. Do đó, Chính phủ cần sớm có một khung hướng dẫn, chiến lược học tập từ những thành phố thành công, đồng thời phân cấp thành cấp 1, 2, 3 khác nhau thì tỷ lệ thành công sẽ cao hơn.

Việt Nam cũng có thể học tập mô hình 100 thành phố thông minh của Ấn Độ. Làm từng bước, giống như cuộc chơi của một startup. Nếu như để cho các thàn phố tự làm thì dễ đến 80-90% sẽ thất bại, Ấn Độ đã lập dự án 100 thành phố thông minh do Chính phủ chỉ đạo, tập trung làm với các thành phố cấp 2, sử dụng nguồn vốn chung của xã hội.

Tại các smartcity sẽ có chất lượng sống tốt hơn, cơ hội việc làm cho người dân và đầu tư lớn hơn cho doanh nghiệp, trong đó CNTT và các lĩnh vực công nghệ khác sẽ góp phần giải quyết các thách thức liên quan đến giao thông, hệ thống xử lý chất thải, phát triển cơ sở hạ tầng, y tế…

Các thành phố phải nộp hồ sơ đấu thầu, nếu vượt qua được các vòng tuyển chọn sẽ được hỗ trợ tư vấn và cấp vốn để phát triển. Hoặc như với thành phố Incheon Hàn Quốc, thành phố này thành công nhờ có một tổ chức về smartcity, thành lập hội đồng phát triển thành phố thông minh với các Sở, ban ngành liên quan, có cơ quan chịu trách nhiệm về quy hoạch đô thị (với tầm nhìn trong 10 – 20 năm).

Ông Phan Thanh Sơn cho rằng, một số thành phố trên thế giới thành công khi phát triển smartcity đó là nhờ có những người “thuyền trưởng” đứng đầu các dự án phát triển thành phố thông minh với tầm nhìn, khả năng bao quát để chèo lái sự phát triển (đó có thể là thị trưởng, người chuyên trách lĩnh vực công nghệ của các thành phố).

Đối với Việt Nam, hiện nay Bộ Thông tin & Truyền thông là cơ quan chịu trách nhiệm nghiên cứu, đưa ra các lộ trình, tiêu chuẩn về smartcity để áp dụng trong nước. Bên cạnh đó, cũng đã có địa phương như Đà Nẵng đã phát triển khá mạnh trong xây dựng smartcity nhờ sự quyết tâm của người đứng đầu ngành thông tin truyền thông cùng sự phối hợp của các sở ngành liên quan.

Cũng theo ông Phan Thanh Sơn, việc Việt Nam chuyển đổi từ 3G lên 4G đã là một sự cải thiện rất lớn, mở ra cánh cửa mới cho phát triển smartcity với những lĩnh vực như giao thông thông minh, y tế thông minh, tòa nhà thông minh…

ng Patrick Tsie, Giám đốc Tiếp thị công nghệ Tập đoàn Qualcomm.

Ông Patrick Tsie, Giám đốc Tiếp thị công nghệ Tập đoàn Qualcomm.

Trao đổi tại sự kiện, ông Patrick Tsie, Giám đốc Tiếp thị công nghệ Tập đoàn Qualcomm, chia sẻ, trong phát triển smartcity có nhiều loại thiết bị đòi hỏi các công nghệ khác nhau. Hiện 4G có thể kết nối tốt trong tòa nhà thông minh,Việt Nam cần tận dụng tốt hạ tầng mạng lưới đang có. Đồng thời, khi đầu tư cần mang tính tổng thể, có sự hỗ trợ của Chính phủ và sự phối hợp của các tỉnh thành.

“Mỗi đô thị có một đặc thù khác nhau về địa lý, khí hậu, dân số, thu nhập, năng lực CNTT… do đó không nên áp dụng theo một thành phố nào mà phải xem xét ở các yếu tố phù hợp, tham khảo có sự chọn lọc”, ông Patrick Tsie nói.

>> Thế Giới Di Động doanh thu cao nhất, FPT Shop hiệu quả nhất

ICT News

Ý kiến

()