Công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) vừa công bố báo cáo: “Tầm nhìn dài hạn: Trật tự kinh tế toàn cầu sẽ thay đổi ra sao đến năm 2050?” được trong dự án nghiên cứu “Thế giới năm 2050”. Báo cáo của PwC đưa ra dự báo về triển vọng tăng trưởng GDP của 32 nền kinh tế lớn nhất đang chiếm tổng cộng khoảng 85% GDP thế giới.
Báo cáo này nhận định đến năm 2050, Việt Nam sẽ là lọt top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cụ thể, nền kinh tế Việt Nam, từ thứ hạng 32 (595 tỷ USD) trong các nền kinh tế được xếp hạng năm 2016, sẽ vươn lên vị trí 29 (1.303 tỷ USD) vào năm 2030 và vị trí 20 (3.176 tỷ USD) vào năm 2050, theo dự báo của PwC. GDP tính theo PPP của Việt Nam khi đó sẽ cao hơn của Canada, Italy, Australia, Hà Lan, Argentina, Thái Lan…
PTGĐ FPT Đỗ Cao Bảo. |
Trên trang Facebook cá nhân, PTGĐ FPT Đỗ Cao Bảo đã đưa ra một vài nhận định về báo cáo này. Nội dung của báo cáo đang gây tranh cãi về khả năng trở thành hiện thực bởi "từ trước đến nay các nhà kinh tế Việt Nam đều nói chúng ta phải mất 50-60 năm nữa mới đuổi kịp Thái Lan. Thế nhưng theo báo cáo mới nhất tháng 2/2017 với tiêu đề "The long view how will the golbal economic order change by 2050?", PwC đưa dự báo hết sức bất ngờ: đến năm 2050, tức 34 năm nữa tính theo PPP Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới, vượt Thái Lan, Malaysia; vượt các cường quốc Canada, Úc (Australia), Italy, Tây Ban Nha và Hà Lan; chỉ kém Hàn Quốc đúng 2 bậc".
Ông Bảo cũng khẳng định: "PricewaterhouseCoopers (PwC) là một trong bốn công ty kiểm toán đứng đầu thế giới, cùng với KPMG, Deloitte, Ernst & Young (E&Y) được xếp vào nhóm Big4. PwC có mô hình dự báo kinh tế một cách khoa học".
Hơn nữa, cũng theo ông Bảo, "nếu tính GDP theo MER thì đến năm 2050 Việt Nam vẫn vượt Thái Lan, Philippines và là nền kinh tế lớn thứ 24 trên thế giới".
Cũng theo báo cáo này, nền kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ sẽ xếp nhất, nhì, vượt Mỹ; Indonesia vượt lên vị trí thứ 4 sau Mỹ, Nga vượt lên vị trí thứ 6, cả 2 xếp trên Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp.
PwC đánh giá trong vòng 34 năm tới 2017-2050, Việt Nam là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, bình quân 5,1% năm, đứng thứ 3 đến thứ 6 là Bangladesh, Pakistan, Philippines và Nigeria tăng trưởng trung bình lần lượt là 4,8%, 4,4%, 4,3% và 4,2% năm.
Theo PwC thì với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới nên Việt Nam, Philippines, Nigeria, Bangladesh, Pakistan là 5 quốc gia tăng thứ hạng nhiều nhất, đến năm 2050 Việt Nam tăng 12 bậc từ thứ 32 lên thứ 20, Philippines tăng 9 bậc từ 28 lên 19, Nigeria, Bangladesh, Pakistan cùng tăng 8 bậc từ 22 lên 14, từ 31 lên 23 và từ 24 lên 16.
Các nước bị thụt lùi thứ hạng nhiều nhất là: Tân Ban Nha tụt 10 hạng từ 16 xuống 26, Italy tụt 9 hạng từ 12 xuống 21, Australia tụt 9 hạng từ 19 xuống 28. Các nước châu Á thì Nhật Bản tụt 4 hạng từ 4 xuống 8, Hàn Quốc tụt 5 hạng từ 13 xuống 18, Thái Lan tụt 5 hạng từ 20 xuống 25.
PwC cũng đưa ra một khái niệm mới là E7: 7 nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới bao gồm các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Mexico, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù cho rằng "dự báo nào cũng chỉ là dự báo" và không phải dự báo nào cũng trở thành hiện thực", nhưng PTGĐ FPT vẫn lạc quan tin rằng: "PwC đã giúp chúng ta có một niềm tin rằng nếu chúng ta có thể chế đúng, mô hình kinh tế đúng, cả nước đồng lòng, nỗ lực cao độ, biết khai thác tối đa thế mạnh, biết khắc phục những điểm yếu cố hữu, biết đi thẳng vào nền kinh tế số (digital) thì vị trí 20 trên bảng xếp hạng các nền kinh tế trên thế giới, vượt Thái Lan, Malaysia, Canada, Australia, Italy, Tây Ban Nha, Hà Lan không phải là không thể xảy ra".
Vietnam Finance
Ý kiến
()