Chúng ta

Việt Nam đứng trên Anh, Mỹ trong bảng xếp hạng chất lượng giáo dục toàn cầu

Thứ hai, 18/5/2015 | 18:38 GMT+7

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa công bố bảng xếp hạng chất lượng giáo dục toàn cầu, trong đó Việt Nam đứng thứ 12, xếp trên các nước Anh, Pháp, Mỹ… Vậy các tiêu chí của OECD là gì và bảng xếp hạng này có đáng tin cậy, cần nhìn nhận thế nào về thông tin trên?

Kết quả này không bất ngờ, tuy nhiên...

Theo tiêu chí đánh giá của OECD, bảng xếp hạng trên được tính toán dựa trên kết quả môn Toán và Khoa học của học sinh 15 tuổi ở 76 quốc gia. 5 quốc gia và vùng lãnh thổ dẫn đầu danh sách này gồm: Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Trong khi đó, Phần Lan - nơi có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới - chỉ khiêm tốn ở vị trí thứ 6. Các nước có nền giáo dục danh tiếng như Anh (xếp thứ 20), Pháp (23), Mỹ (28) và Thụy Điển (35) vẫn đứng sau Việt Nam. Còn các quốc gia trong khu vực ĐNA như Thái Lan và Malaysia chỉ xếp lần lượt ở thứ 47 và 52. Các cố vấn kinh tế của OECD cho rằng, kết quả trên còn cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa giáo dục và tăng trưởng kinh tế…

1-opt-ACVI-jpeg-2209-1431742827.jpg

Việc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) xếp hạng Việt Nam đứng thứ 12 dựa trên kết quả môn Toán và Khoa học đang được tranh luận sôi nổi. Phái hoài nghi cho rằng cần xem xét lại phương pháp luận của bản báo cáo. Phái hồ hởi thì nhấn mạnh đây là khẳng định chắc chắn về chất lượng giáo dục Việt Nam. 

Sau khi kết quả bảng xếp hạng được công bố, nhiều chuyên gia, cũng như dư luận tỏ ra ngạc nhiên, không đồng tình. Họ cho rằng, giáo dục của Việt Nam không thể có thứ hạng cao như vậy và đưa ra những nghi ngờ về kết quả khảo sát của OECD. Nhiều người cho rằng, vì giáo dục nước nhà còn yếu kém, nếu tin vào kết quả trên thì còn đổi mới giáo dục làm gì?

Tuy nhiên, GS.TSKH Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho rằng, mỗi cuộc khảo sát có một phương pháp khảo sát, mục đích riêng và nếu tìm hiểu thông tin khảo sát nghiêm túc, khoa học thì cần phải xem xét cho thật kỹ. GS Thi nhấn mạnh, kết quả của bảng xếp hạng OECD đưa ra là không bất ngờ, thứ nhất họ đánh giá qua điểm kiểm tra kiến thứcc, 2 môn toán và khoa học, lứa tuổi 15. “Với kết quả này tôi nghĩ đối với học sinh VN là hoàn toàn có thể xảy ra” - GS Thi nói - tại bảng xếp hạng, những nước châu Á có truyền thống văn hóa Đông Á, đặc thù riêng, quan tâm việc học hành như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… đứng đầu. VN cũng là nước như vậy. Nếu so sánh bình thường thì giáo dục Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… mà hơn Mỹ thì cũng thấy vô lý chứ không riêng Việt Nam.

Cùng quan điểm trên, TS. Đàm Quang Minh - Hiệu trưởng ĐH FPT - cho rằng, nhìn nhận khách quan đánh giá của OECD cho thấy ở bậc THCS trở xuống, nền giáo dục hiện tại của Việt Nam đã làm khá tốt tại các môn Toán, Đọc hiểu và Khoa học. Sở dĩ vậy vì các môn này ở Việt Nam được coi là môn chính, được giảng dạy với thời lượng lớn hơn...

...không thể đánh giá phiến diện

GS Đào Trọng Thi cho rằng, OECD là tổ chức rất có uy tín và họ làm cuộc khảo sát nghiêm túc, kết quả ấy tin cậy được, tuy không phản ánh được toàn diện, đầy đủ nhưng không thể thiếu khách quan, thiếu khoa học…

Nhưng tại sao việc nhìn nhận hệ thống giáo dục lại gây nhiều tranh cãi như vậy? Theo TS. Đàm Quang Minh, vì chúng ta đã và đang nhìn giáo dục như là một thực thể đồng nhất mà chưa đánh giá chi tiết từng mặt của giáo dục để biết điểm yếu nhất là gì và cần khắc phục tại đâu. Những kết quả đầy mâu thuẫn đó cho thấy với việc đánh giá chất lượng giáo dục, chúng ta không thể phiến diện.

Còn theo GS Thi, kết quả này trước hết là một tin vui, điểm sáng của ngành giáo dục ở khía cạnh nào đó. Xét về toàn diện, không ai nghĩ nền giáo dục Việt Nam là cao; nền giáo dục hiện nay còn nhiều yếu kém, còn lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Nhưng biết được thế mạnh của mình thì đó là một sự động viên, còn nhiều yếu kém thì mình phải phấn đấu, khắc phục. Có vô vàn thông tin, đánh giá về nền giáo dục của ta phải xử lý nhưng từ đó phải biết nhìn nhận chính mình. Phải rất bình tĩnh và thận trọng đánh giá thông tin này, mình không nghi ngờ, nhưng không suy diễn và áp đặt thành ra suy tôn nền giáo dục Việt Nam.

GS. Ngô Bảo Châu cùng chia sẻ trên truyền thông rằng, báo cáo của OECD là đáng tin nhưng nên cầu thị tỉnh táo xem chúng ta còn yếu ở mặt nào để cùng chung tay đổi mới giáo dục... Bản thân Giám đốc Giáo dục của OECD Andreas Schleicher cũng cho rằng, dữ liệu của OECD để so sánh giúp các nền giáo dục khám phá điểm mạnh, điểm yếu, từ đó, xem xét những lợi ích kinh tế dài hạn có được nhờ cải thiện chất lượng giáo dục.

TS. Đàm Quang Minh - Hiệu trưởng ĐH FPT: “Nếu đánh giá thêm các môn Nghệ thuật, Lịch sử, Địa lý, Phát triển cá nhân thì kết quả chắc cũng sẽ khác. Các quốc gia OECD đang có các môn Khoa học xã hội phát triển nên thiếu quan tâm đến các môn Toán - Khoa học. Chính vì vậy, gần đây, họ đánh giá rất cao về các môn Toán - Khoa học. Nói cách khác đây là điểm yếu cần khắc phục của các quốc gia OECD”.

Lao Động

Ý kiến

()