Một bài toán khác
Mùa hè năm 1996, khi việc kết nối mạng Internet đang là vấn đề rục rịch ở Việt Nam, FPT là một trong những đơn vị có thể tham gia làm nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP). Khi đó, hình ảnh của FPT chưa khổng lồ như bây giờ nhưng trụ sở của họ ở 89 Láng Hạ với 6 tầng lầu cũng là quá khang trang so với rất nhiều doanh nghiệp khác. Tại tầng 5 của toà nhà đó, hàng chục đường dây điện thoại đã được kéo vào cùng những máy chủ thuộc loại ác chiến thời ấy để ra đời mạng Trí tuệ Việt Nam (TTVN) vang bóng một thời cùng người chủ đã khai sinh ra nó - Trương Đình Anh (người nổi tiếng với tham vọng trở thành triệu phú vào năm 35 tuổi và ước vọng phấn đấu làm Thủ tướng năm 40 tuổi).
Không như các đơn vị khác có thể làm ISP, FPT đã lựa chọn một bài toán khác là không quá chú tâm vào phát triển mạng diện rộng theo giao thức TCP/IP (giao thức Internet) và TTVN được phát triển trên nền của một công nghệ khá đơn giản với giao diện chỉ là văn bản. Tuy có nhiều hạn chế nhưng ưu điểm là người sử dụng đầu cuối chỉ cần máy tính cấu hình thấp với hệ điều hành Windows 3.1 là hoàn toàn có thể kết nối được. Ông Trương Đình Anh nhớ lại: TTVN ra đời không ngoài mục đích có thật nhiều người sử dụng để từ đó họ sẽ dần quen với việc sử dụng Internet. Vì thế, nếu FPT cứng nhắc với công nghệ đòi hỏi cấu hình cao thì sẽ khó thu hút được người sử dụng. Và cũng là để thu hút người dùng tham gia, FPT đã quyết định phát triển miễn phí TTVN mặc dù những khoản đầu tư là rất tốn kém. Toàn thể cộng đồng người sử dụng hoàn toàn không phải trả một chi phí nào để tham gia mạng này.
“Trí tuệ Việt Nam” không chỉ là thương hiệu của một cuộc thi sản phẩm phần mềm dành cho giới trẻ, mà còn là một ký ức đẹp của Internet Việt Nam những ngày đầu gian khó. Ảnh: CTV. |
Một thị trường sôi động về modem và...
TTVN cũng như các mạng khác, người sử dụng muốn tham gia phải có modem để kết nối máy tính của họ vào mạng thông qua đường dây điện thoại (dial-up). Tuy nhiên, TTVN có ưu điểm là không đòi hỏi máy tính và hệ điều hành tiên tiến nên modem để kết nối cũng không cần phải có tốc độ cao. Cùng với các chiến dịch vận động và sự tuyên truyền của chính cộng đồng người sử dụng, rất đông người đã đua nhau tham gia làm thành viên của TTVN. Họ chỉ cần có modem và tốn tiền kết nối qua điện thoại mà không phải trả một khoản phí nào cho FPT.
Để phục vụ nhu cầu đó của các thượng đế, các doanh nghiệp nhỏ và cửa hàng máy tính đã đua nhau nhập modem về để bán và xem chừng, modem là mặt hàng “hot” nhất của thị trường lúc bấy giờ. Hàng xịn thì Motorola, tầm trung là Robotic, rẻ tiền thì có Zoltrix…
Tuy nhiên, việc sử dụng mạng khi đó khá tốn kém vì cứ mỗi phút kết nối đều bị bưu điện tính tiền như cước gọi điện thoại nội hạt thông thường. Và cũng cần phải nói thêm là những người sử dụng mạng thường vào mạng với thời gian không dưới 5 phút, thậm chí tới 20-30 phút là chuyện bình thường. Nhiều người nghĩ ra cách là mang modem đến cơ quan để kết nối vào mạng nhằm xài chùa cước phí điện thoại. Xem ra, bưu điện là người được lợi nhiều nhất từ các mạng Intranet và mạng diện rộng thời đó bởi họ cứ việc tính phút mà ăn tiền nhân lên. Sướng hơn với bưu điện là không thiếu gì những cuộc kết nối liên tỉnh về Hà Nội và TP HCM để quay vào máy chủ của các mạng trong đó có TTVN.
Còn với cộng đồng người sử dụng, cũng nhờ tham gia TTVN mà nhiều người có thêm bè bạn, mối quan hệ. Với các công ty nhỏ, cửa hàng máy tính thì TTVN chính là chỗ để họ quảng cáo bán hàng. Ông chủ các cơ sở này thường xuyên vào mạng để cung cấp các bản báo giá về những linh kiện, thiết bị của mình. Thành viên của TTVN cũng tranh thủ cơ hội để rao lên những thông tin cần mua, cần bán… Thậm chí có người còn gửi cả những thắc mắc chưa có lời giải đáp về mọi lĩnh vực với hy vọng chính cộng đồng người sử dụng có được câu trả lời. Là “ông trùm” về hỏi đáp trên truyền hình nhưng GS. Nguyễn Lân Dũng cũng thừa nhận chính mình cũng phải tìm lời giải cho những thắc mắc của bạn xem truyền hình thông qua TTVN.
... khi Internet chính thức xuất hiện
Ngày 19/11/1997, Việt Nam chính thức kết nối vào mạng Internet toàn cầu và vì TTVN là mạng hoạt động không theo giao thức TCP/IP nên cộng đồng sử dụng nó sẽ không có cơ hội vào được Internet. Vì thế, một số lượng không nhỏ người dùng TTVN đã buộc phải đăng ký dùng Internet của FPT với mức phí phải trả cho mỗi phút truy cập là 400 đồng chưa kể cước kết nối qua điện thoại. Tuy nhiên, mạng TTVN vẫn được duy trì để phục vụ cộng đồng người dùng song FPT không chủ trương phát triển TTVN nữa.
Để tiếp tục duy trì, đầu năm 1999, FPT đã quyết định thu phí sử dụng với người dùng TTVN với mức cước 50.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, số lượng người ở lại với TTVN cũng không nhiều và thực chất một account đã được người dùng chia sẻ cho rất rất nhiều bè bạn khác của họ bởi khi đó, họ đã có nhiều công cụ khác để gửi và nhận e-mail cho mình như Yahoo!, Hotmail… và cũng chẳng báu gì cái hộp thư của TTVN nữa. Cứ với tình trạng đó, TTVN không còn cơ phát triển nữa và đến giữa năm 2000, FPT đã quyết định đóng cửa nó.
Từ đó, TTVN chuyển sang một chương mới với tư cách là thương hiệu của cuộc thi sáng tạo phần mềm do FPT cùng báo Lao Động và Đài Truyền hình Việt Nam khởi xướng. Thương hiệu TTVN ngày nay đã rất nổi tiếng không chỉ cho riêng FPT mà là cả với không ít tài năng trẻ đã làm nên những sản phẩm CNTT có giá trị. Không ít thành viên đó là những người từng tham gia mạng diện rộng TTVN “vang bóng một thời”.
Theo ICT News
Ý kiến
()