Đây là những khuyến cáo của các chuyên gia tại tọa đàm “Cách mạng công nghiệp 4.0 cơ hội, thách thức trong ngành giao thông vận tải” do Bộ GTVT tổ chức sáng 24/11 tại Hà Nội. Tại toạ đàm, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình dẫn ra nhiều ví dụ để minh hoạ điều này. Chẳng hạn, một ô tô cá nhân chỉ có 6% thời gian được sử dụng, một chiếc taxi cũng chỉ lăn bánh 25% thời gian tồn tại. Nếu đi chung xe, thông qua những ứng dụng chia sẻ chuyến đi sẽ đưa hiệu quả sử dụng xe lên đến 70% thời gian sử dụng.
Đi chung xe giúp tăng hiệu quả sử dụng xe, giảm áp lực lên hạ tầng giao thông. |
Với vấn nạn tắc đường, việc đơn giản nhất có thể làm là lập một phần mềm cập nhật tình trạng kẹt xe, trước khi di chuyển, người dùng điện thoại thông minh có thể truy cập để thay đổi thời gian xuất phát, tránh được tắc đường. Ông Bình cho hay, cuộc cách mạng lần thứ 4 có thể hiểu là việc số hoá, đưa thêm các trạng thái thông tin của các vật thể vật lý hiện hữu để phục vụ con người. Chẳng hạn, chiếc máy bay hiện nay có thể coi là một chiếc máy tính bay vì các số liệu khi bay đều được truyền tải về máy tính dưới mặt đất. “Thời kỳ các hãng hàng không hãnh diện vì tích trữ kho phụ tùng lớn, đắt tiền sẽ không còn. Thay vào đó là việc kết nối thông tin, chế tạo ngay các phụ tùng mà máy bay cảnh báo cần thay thế”, ông Bình dẫn chứng.
Theo ông Bình, việc thúc đẩy công nghệ 4.0 còn giúp giảm thủ tục hành chính, giảm các chuyến đi trên đường và tăng minh bạch điều hành của Nhà nước. Ông Bình cho rằng, hoạt động kinh tế hiện nay và tương lai tập trung vào thương mại điện tử, kinh tế số, không phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, nguồn lực phụ thuộc vào khâu tổ chức, kết nối. “Để làm được điều đó, trước hết cần quyết tâm của các cơ quan Nhà nước, Chính phủ”, ông Bình nói.
Đại diện Uber cũng cho hay, qua khảo sát trên 2.000 người cho thấy, mỗi người tại Hà Nội và TPHCM mất từ 51 đến 58 phút vì tắc đường mỗi ngày. Nếu sử dụng các dịch vụ đi chung xe sẽ giúp giảm ách tắc, chi phí xây dựng hạ tầng và ô nhiễm khói bụi. Đại diện Uber mong muốn các cơ quan Nhà nước ủng hộ thông qua các chủ trương chính sách.
Qua nghe tham luận của đại diện các ngành nghề khác như hàng hải, hàng không, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, cách mạng 4.0 tại Việt Nam có lĩnh vực còn sơ khai, đặc biệt trong môi trường chủ yếu là lao động phổ thông như Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có những lĩnh vực như hàng không, đường bộ đã triển khai 4.0 trong thực tế (dịch vụ đi chung xe, thu phí không dừng…). Theo ông Đông, tới đây, ngành GTVT sẽ nghiên cứu đưa ra các kế hoạch hành động cụ thể. Trong đó, việc xây dựng các văn bản pháp luật, quy hoạch ngành sẽ tạo ra khoảng mở để đón trước việc phát triển công nghệ, văn bản pháp luật hạn chế sử dụng các câu chữ khiến cho quản lý các công nghệ mới bị gò bó.
>> 'Cảm ơn FPT đã xây Cổng thông tin quốc gia Myanmar'
Tiền Phong
Ý kiến
()