Chúng ta

Sẽ chỉ còn một thẻ thanh toán chung duy nhất khi tham gia giao thông?

Thứ sáu, 25/11/2016 | 09:24 GMT+7

Tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2016, đại diện Bộ Giao thông Vận tải. Hiệp hội Vận tải ô tô, ngân hàng Vietinbank, BIDV… đều mong muốn có một thẻ chung duy nhất khi tham gia giao thông để đỡ gây phức tạp và tiện lợi nhất cho người dân dù việc liên thông giữa các ngân hàng sẽ mất nhiều thời gian.

Người dân mong muốn những gì khi tham gia giao thông?

Tại buổi đối thoại với chủ đề “Thúc đẩy thanh toán điện tử trong lĩnh vực giao thông và khả năng liên thông với các dịch vụ tiện ích khác” trong khuôn khổ Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2016 (VEPF 2016) ngày 24/11, các diễn giả đã đặt mình trong vai người dân để nói lên mơ ước của họ. Ông Vũ Quang Lâm, Thành viên HĐQT Tasco kiêm Tổng giám đốc VETC, chia sẻ, dưới góc độ một người dân, ông luôn mong muốn cuộc sống tiện nghi, hiện đại; kỳ vọng có thể thanh toán tiền điện, tiền nước, tiền phí một cách thuận lợi nhất.

Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cho rằng, mong muốn lớn nhất của người dân là tiết kiệm thời gian, trong cuộc sống hàng ngày việc thanh toán giao dịch một hàng hóa, dịch vụ nào đó cần phải nhanh gọn và chính xác. Chính phủ đang thực hiện dịch vụ công từ mức độ 1 đến mức độ 4, trong đó đặc biệt quan tâm việc giúp ngắn thời gian của người dân khi giao dịch, thanh toán điện tử qua môi trường Internet và đảm bảo kết nối nhiều hình thức thanh toán.

the-thanh-toan-chung-vepf2016.jpg

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cũng như các ngân hàng Vietinbank, BIDV… đều mong muốn có một thẻ chung duy nhất khi tham gia giao thông để đỡ gây phức tạp và tiện lợi nhất cho người dân dù việc liên thông giữa các ngân hàng sẽ mất nhiều thời gian.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, bất kỳ người dân nào tham gia giao thông đều muốn "đi đến nơi, về đến chốn", thuận tiện chứ không bị gây khó khăn. Bên cạnh đó, người dân mong muốn không phải mỗi điểm thu phí một loại thẻ khác nhau mà có thể sử dụng một thẻ thống nhất dùng trong tất cả các loại phương tiện công cộng để rút ngắn thời gian và xứng đáng với số tiền bỏ ra.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở giao thông vận tải TP HCM, cho biết, hiện xe bus ở TP.HCM có gần 150 tuyến với 1.300 xe, phục vụ khoảng 800.000 lượt khách/ngày. Tuy nhiên, đang phát sinh bất cập là người dân đi xe khách, bỏ xe bus khi các phương tiện công cộng đi không tiện và hay trễ giờ. Do đó, ông Cường cho rằng ước muốn của người dân rất đơn giản là được dùng dịch vụ giao thông công cộng thuận tiện, phải làm sao để đảm bảo an toàn và chất lượng dịch vụ cho người dân khi dùng dịch vụ xe buýt cũng như đảm bảo chi phí tối ưu nhất. “Giờ nếu có thẻ điện tử để dùng dịch vụ công cộng sẽ rất thuận tiện cho người dùng vì hiện nay đang dùng tiền lẻ, khi trả lại tiền mất thời gian và không tiện lợi”, ông Cường kết luận.

Cuối cùng, “đóng vai” người dân, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Công ty FPT, cho rằng, ước mơ đầu tiên là không có barie khi tham gia giao thông trên mọi tuyến đường. Ngoài ra, dù trong thành phố có nhiều phương tiện khác nhau như metro, xe bus… nhưng người dân không phải “rút thẻ ra, rút thẻ vào liên tục” chỉ cần có thẻ trong túi là có thể lưu thông trong được trong thành phố. “Tôi cũng mong muốn có một thẻ để thanh toán được nhiều loại phương tiện khác nhau”, ông Bình nhấn mạnh.

Mục tiêu đến năm 2019 sẽ bỏ barie đối với các trạm thu phí không dừng

Khi đưa ra câu hỏi làm thế nào để đạt được những mong ước như trên của người dân, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng, có rất nhiều dịch vụ phải thanh toán trong lĩnh vực giao thông. Khi ra nước ngoài quan sát thấy rằng hình thức đầu tư BOT được nhiều quốc gia triển khai, kể cả Mỹ. Hiện đưa ra 3 giai đoạn thu phí không dừng như sau, giai đoạn một là thu phí không dừng nhưng cần barie, điều này vẫn mất thời gian. Trên thế giới, tất cả các xe đều gắn thu phí điện tử, cơ quan chức năng có thể quản lý đến từng hộ gia đình và mỗi người khi có một tài khoản tham gia giao thông. Do đó, cơ quan quản lý có thể biết được chính xác mỗi người ở đâu, có bao nhiêu tiền trong tài khoản và có thể trừ tiền được khi tham gia giao thông. “Việt Nam hiện chưa làm được như thế, lái xe nào thì gắn tài khoản người đó và phải nạp tiền trước, khi đảm bảo có tiền rồi thì barie mới mở cửa”, ông Trường nhấn mạnh.

Giai đoạn 2 là không cần người ở trạm thu phí mà chỉ có đầu đọc và đầu thu. Giai đoạn 3 còn cao hơn nữa qua ETC như ở Nhật Bản, tức là người lái xe qua trạm thu phí mà không cần phải dừng lại.

Tuy nhiên, Việt Nam đang ở giai đoạn 1 và phấn đấu đến năm 2019 bỏ barie. Gần đây, Chính phủ còn chỉ đạo nghiên cứu loại hình thu phí theo kiểu trả sau (hiện mới có trả trước).

“Sắp tới, nhiều phương tiện công cộng cần thanh toán như xe bus, metro, bãi đỗ xe… Nếu chúng ta tích hợp một thẻ thì sẽ rất hay và tiết kiệm thời gian cho người dân. Các ngân hàng phải nghiên cứu để liên thông để có một thẻ chung để các dịch vụ công cộng đều có thể thanh toán chung được”, ông Trường nói.

Tuy nhiên, ông Trường cho rằng, Việt Nam có bất cập là xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông với rất nhiều nguồn vốn, Chính phủ, ODA, WB... Do đó, hiện nay chúng ta có nhiều công nghệ. “Bộ Giao thông vận tải đã làm việc với Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Thông tin Truyền thông cần ban hành một chuẩn công nghệ thống nhất, khi đó các nhà đầu tư sẽ phải tuân theo nhằm giảm chi phí đầu tư, tiết kiệm cho xã hội đồng thời tạo thuận lợi cho người dân”, ông Trường nói.

Ông Trường khẳng định hiện không quá lo lắng về công nghệ song vấn đề ở chỗ công ty cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến và các ngân hàng phải thống nhất giải pháp.

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc VietinBank cho rằng, công nghệ bao giờ cũng phải có thời gian để tiến hoá. Do đó, phải có nhiều chuẩn khác nhau cho phù hợp với thực tế và phải làm sao đảm bảo được sự tương thích của công nghệ, đồng thời luôn luôn đặt nguyện vọng của người dân khi thiết kế sản phẩm.

Ngoài ra, theo ông Lân, các thẻ phải có sự tương thích và liên thông chứ không phải mỗi nơi dùng một thẻ khác nhau gây bất tiện cho người dân.

Trong khi đó, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Tổng giám đốc BIDV nhận định rằng mỗi công nghệ có những ưu nhược điểm khác nhau nhưng không nhất thiết phải có nhiều chuẩn khác nhau vì điều này sẽ làm phát sinh chi phí không cần thiết. “Nếu có một chuẩn chung là tốt nhất, đỡ gây phức tạp cho người dân. Ngân hàng có thể triển khai được nhưng sẽ mất thời gian. Về phía BIDV cũng như Vietinbank sẵn sàng hỗ trợ tốt nhất triển khai thu phí không dừng”, ông Lâm khẳng định.

Thay mặt Diễn đàn VEPR 2016, ông Trương Gia Bình đưa ra 4 kiến nghị gửi tới lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành để thúc đẩy thanh toán điện tử trong thu phí giao thông và khả năng liên thông với các dịch vụ thanh toán khác. 

Thứ 1, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định và lộ trình bắt buộc áp dụng thanh toán điện tử trong thu phí giao thông và thanh toán dịch vụ vận tải công cộng đô thị.

Thứ 2, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, giao Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân các địa phương, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành thống nhất, đồng bộ, sớm ban hành chuẩn kỹ thuật và thanh toán nhằm kết nối liên thông thanh toán phí giao thông và dịch vụ vận tải công cộng cũng như khả năng liên thông với các dịch vụ tiện ích khác.

Thứ 3, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các bên thống nhất cơ chế chia sẻ doanh thu thu phí theo hướng hài hoà lợi ích giữa chủ đầu tư BOT, chủ đầu tư dự án thu phí tự động không dừng BOO và chủ phương tiện tham gia giao thông nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng trên toàn quốc.

Thứ 4, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp triển khai các giải pháp khuyến khích và tăng cường truyền thông nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử trong giao thông vận tải.

Đáp lại những kiến nghị này, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong tuần này, Chính phủ đã họp bàn lần cuối về chính sách thu phí giao thông không dừng và có thể trong tháng 11 sẽ ban hành quyết định cuối cùng về thu phí không dừng.

ICT News

Ý kiến

()