Vào năm 1991, Giáo sư Rob Hurle (Trường Đại học Quốc gia Australia - ANU) cùng với Viện Công nghệ thông tin tại Hà Nội (IOIT) đã thí nghiệm kết nối các máy tính ở Úc và Việt Nam thông qua đường dây điện thoại. Ông Rob cũng viết một phần mềm mới để có thể sử dụng modem liên lạc sang Việt Nam.
Năm 1992, thí nghiệm thành công và IOIT Hà Nội có hộp thư điện tử riêng với “đuôi” ở tận Úc. Email này được phía Việt Nam dùng để trao đổi nội dung với ông Rob, và có lẽ đó là lần đầu tiên người ở Việt Nam gửi email ra nước ngoài. Tới tháng 9 năm sau, ông Rob và một đồng nghiệp Việt kiều (Trường Đại học Tasmania) đã tới Hà Nội bàn về kế hoạch phát triển Internet tại Việt Nam.
Internet Việt Nam đã có một chặng đường phát triển với nhiều cột mốc quan trọng. |
Sau một thời gian dài nghiên cứu, phát triển, lịch sử Internet Việt Nam ghi nhận ngày 19/11/1997 là ngày mà quốc gia hình chữ S kết nối với xa lộ thông tin của thế giới. Cũng trong ngày này, một số doanh nghiệp tiên phong đã chính thức nhận giấy phép trở thành nhà cung cấp dịch vụ Internet theo quyết định của Tổng cục Bưu điện. Trong đó, FPT là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam vừa là nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) vừa là nhà cung cấp thông tin lên mạng Internet (ICP) tại thời điểm này.
Thời gian trôi qua, vẫn chỉ có duy nhất Công ty Điện toán và truyền số liệu (VDC) cung cấp kết nối Internet cho các nhà cung cấp dịch vụ (ISP) đã được cấp phép. Tình trạng độc quyền đầu vào là một trong những nguyên nhân khiến giá cước kết nối Internet ở Việt Nam đắt đỏ. Theo quy luật thị trường, sự cạnh tranh đã xuất hiện khi có thêm FPT và Viettel đứng ngang hàng, cùng cung cấp kết nối Internet mà không còn phụ thuộc vào VDC.
Tới tháng 10/2003, bên cạnh VNPT, FPT Telecom đã tự triển khai cơ sở hạ tầng riêng và bắt đầu cung cấp ADSL với gói MegaNet và MegaBiz. Không lâu sau đó, thị trường Internet trong nước ghi nhận một cột mốc mới vào ngày 1/6/2006, chính nhà mạng này đã chính thức cung cấp dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao bằng kết nối cáp quang (FTTH).
FTTH sử dụng tuyến cáp quang kết nối từ ISP đến nhà khách hàng, do đó chất lượng tốt hơn và băng thông cao hơn cáp đồng (ADSL). Cáp quang không bị nhiễu do độ dài, điện từ, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết tác động, băng thông FTTH được tính bằng Gigabit/giây. Với công nghệ này, các nhà mạng có thể cung cấp đường truyền Internet có tốc độ tải lên đến 10 Gigabit/giây, nhanh gấp 200 lần so với ADSL 2+ (20 Megabit/giây).
Sau một thời gian mạng Inernet với IPv4 đi vào hoạt động ổn định rồi cạn kiệt, thời của IPv6 bắt đầu. IPv4 dễ quản lý với cấu trúc định tuyến phân cấp, bảo mật cao và hỗ trợ thiết bị di động tốt hơn. IPv6 sử dụng 128 bit để đánh địa chỉ, do đó có thể hỗ trợ tới 2.128 địa chỉ khác nhau, phục vụ gần như vô hạn các thiết bị. Đây là một thay đổi lớn mà Việt Nam đang triển khai đồng bộ cùng với thế giới.
Theo số liệu thống kê do FPT Telecom cung cấp, hiện đã có một tỷ lệ nhất định các hộ gia đình sử dụng dịch vụ broadband được họ kích hoạt IPv6. Các khách hàng đăng ký mới dịch vụ cũng sẽ được tự động chuyển đổi hoàn toàn lên nền tảng IPv6. Tất nhiên, các nhà mạng khác ở Việt Nam như VNPT, Viettel, CMC… cũng không thể đứng ngoài cuộc chuyển đổi lịch sử này.
Kết quả xếp hạng trên thế giới hiện nay, FPT Telecom đứng vị trí 47 so với các nước phát triển và đứng thứ 2 tại Việt Nam. Dự kiến trong năm 2017, sẽ có hơn 1.000.000 hộ gia đình sử dụng dịch vụ broadband của họ được kích hoạt IPv6.
Những nỗ lực để đổi thay và tạo nên những cú “hích” mạnh mẽ trong lịch sử Internet Việt Nam của các nhà mạng luôn được cơ quan quản lý và người dùng ghi nhận. Chẳng hạn trong ngày 6/1 vừa qua, FPT Telecom đã được trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai IPv6 năm 2016, nhờ những đóng góp lớn và tiêu biểu vào kết quả triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 tại Việt Nam. Qua đó, các nhà mạng đã chung tay “vẽ” nên bức tranh nhiều màu sắc mới mẻ, hiện đại và hội nhập cho thị trường Internet trong tương lai.
Dân Việt
Ý kiến
()