Chúng ta

Nhân sự CNTT cấp cao chuyển hướng về công ty nội

Thứ tư, 27/2/2019 | 09:22 GMT+7

Thời gian gần đây có xu hướng giám đốc các công ty công nghệ nước ngoài tại Việt Nam chuyển sang đầu quân cho các doanh nghiệp trong nước sau một thời gian họ tích lũy kinh nghiệm làm việc ở các công ty nước ngoài tại thị trường này.

Giới chuyên gia nhận định, nhân sự công nghệ thông tin (CNTT) cao cấp chuyển về làm cho các công ty trong nước vì nhiều lý do, trong đó có chế độ đãi ngộ tốt và cơ hội thực hiện những ước mơ mà họ chưa thể làm trong thời gian làm giám đốc, quản lý tại các công ty nước ngoài hoạt động ở Việt Nam.

Ông Vũ Minh Trí là một trong những người nằm trong xu hướng chuyển việc từ công ty công nghệ nước ngoài sang công ty trong nước. Ông Trí đã có nhiều năm làm giám đốc các công ty tên tuổi nước ngoài tại Việt Nam như Sony Ericsson, Yahoo, Qualcomm Đông Dương, Microsoft Việt Nam… Thời gian gần đây, ông về làm Phó tổng giám đốc phụ trách mảng điện toán đám mây của tập đoàn VNG, giúp đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ máy chủ dữ liệu, điện toán đám mây. Tập đoàn này coi đây là một trong những mảng doanh thu chính trong thời gian tới bên cạnh mảng nội dung số, thanh toán và dịch vụ đám mây sau một thời gian tập trung kinh doanh trò chơi trực tuyến, thanh toán điện tử, thương mại điện tử. Trước khi ông Trí về đầu quân cho VNG, ông Đặng Việt Dũng, cựu giám đốc điều hành của công ty Uber Việt Nam, cũng đã gia nhập VNG với vai trò phụ trách mảng thanh toán điện tử.

dsc-9611-anh-son-174922-180718-7190-9575

Anh Phan Thanh Sơn hiện là Giám đốc Phát triển Kinh doanh của FPT IS.

Sau nhiều năm giữ vị trí giám đốc tại các công ty công nghệ nước ngoài, trong đó có công ty Cisco Việt Nam, ông Phan Thanh Sơn đã chuyển sang làm Giám đốc công nghệ của Công ty Hệ thống thông tin FPT. Ông Sơn chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành hoạt động tư vấn giải pháp hạ tầng theo định hướng công nghệ chung; phát triển lực lượng công nghệ, định hướng, nghiên cứu và xây dựng các giải pháp mới về hạ tầng, phần mềm nền tảng để phát triển các phần mềm đóng gói mới, các phần mềm cho thuê, may đo của công ty này. Ông Sơn cũng sẽ phối hợp với các đối tác tổ chức đào tạo thường xuyên, truyền cảm hứng về các công nghệ mới, giải pháp mới cho khách hàng chiến lược, các thành phần tham gia quy trình kinh doanh sản xuất của công ty...

Trong xu hướng chuyển về các công ty công nghệ trong nước có ông Hồ Thanh Tùng. Ông Tùng có nhiều năm đảm nhận vị trí Tổng giám đốc công ty Oracle Việt Nam trước khi về làm Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc chiến lược của Tập đoàn Công nghệ CMC. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ông Tùng tại CMC là xây dựng chiến lược để tập đoàn này mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài. Một nhân sự CNTT cao cấp có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các hãng công nghệ nước ngoài cách đây vài năm cũng rời vị trí Tổng giám đốc công ty IBM Việt Nam để về làm việc cho ngân hàng VPbank. Hiện nay, ông Võ Tấn Long đảm nhận vị trí Giám đốc dịch vụ ngân hàng số của VPBank.

Các nhân sự CNTT cao cấp chuyển từ công ty nước ngoài sang công ty trong nước với nhiều lý do khác nhau. Ông Vũ Minh Trí cho biết ông muốn tham gia vào việc phát triển các giải pháp công nghệ trong nước. Còn một trong những lý do khiến ông Hồ Thanh Tùng chuyến đến CMC là để thực hiện mong muốn nghiên cứu sâu và ứng dụng công nghệ tương lai vào cuộc sống.

Nói về việc chuyển đổi từ “tướng” ở công ty công nghệ nước ngoài thành “phó tướng” của công ty Việt Nam, ông Hồ Thanh Tùng cho rằng hai vị trí này có nhiều điểm khác biệt nhưng bổ trợ cho nhau rất nhiều. Người điều hành một hãng công nghệ đa quốc gia tại Việt Nam có cơ hội tập trung sâu trong một lĩnh vực và nắm bắt những công nghệ đã được ứng dụng ở các nước phát triển, xu hướng công nghệ trên thế giới như công nghệ số, dịch vụ điện toán đám mây, Internet vạn vật (Internet of Things – IoT), học máy (Machine Learning) và trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI)… Tuy nhiên, nếu có đam mê, mong muốn nghiên cứu sâu và ứng dụng công nghệ tương lai vào cuộc sống thì các tập đoàn công nghệ trong nước như CMC sẽ giúp họ thực hiện những ước mơ đó.

Trong vai trò là người tuyển dụng, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn CMC, cho biết việc thu hút người giỏi bên ngoài là chuyện mà công ty nào cũng phải làm thường xuyên, bên cạnh công tác đào tạo nâng cao trình độ nhân lực nội bộ.

“Gần đây các công ty công nghệ Việt Nam là ‘bến đỗ’ của nhiều người đã từng làm việc tại các công ty nước ngoài vì môi trường làm việc và điều kiện tài chính của các công ty trong nước có thể cạnh tranh với các công ty nước ngoài trong việc thu hút người tài”, ông Chính nói khi phân tích lý do vì sao ngày càng nhiều nhân sự Việt Nam rời các công ty nước ngoài để làm việc cho công ty Việt làm.

Ông nói thêm, khi làm việc tại công ty trong nước thì nhân lực cao cấp Việt Nam sẽ có được sự gắn kết tốt hơn với cộng đồng nhân lực công nghệ người Việt, được quyết định các định hướng quan trọng của công ty. Trong khi đó nếu làm việc tại các hãng công nghệ nước ngoài tại Việt Nam thì họ chỉ là người đại diện, chủ yếu làm thương mại (bán các giải pháp do nước ngoài phát triển).

Các nhân lực cao cấp khi về làm cho những công ty công nghệ của Việt Nam không phải là được giao các công việc dễ dàng hơn mà trái lại họ phải đáp ứng yêu cầu và đối mặt với những thách thức cao hơn trong việc đưa ra các quyết định quan trọng, điều hành hoạt động của công ty. Tuy nhiên, nếu thành công thì họ sẽ đóng góp nhiều hơn cho công ty, cho sự phát triển của đất nước. Như vậy họ sẽ cảm thấy vui và hào hứng hơn, theo ông Chính.

Bởi vì cuộc sống không chỉ là kiếm tiền mà còn là đóng góp được gì cho cộng đồng, vai trò của anh ra sao. Ngoài ra, nhân sự chuyển từ công ty nước ngoài có thể sử dụng kinh nghiệm về công nghệ và quản trị tại công ty nước ngoài đóng góp cho sự phát triển của các công ty và thị trường công nghệ trong nước, ông Chính nói.

Khi làm việc tại các công ty công nghệ trong nước, nhân sự CNTT cấp cao được tham gia vào các kế hoạch, chiến lược phát triển giải pháp (đóng góp công sức tạo sản phẩm có ích cho xã hội, cho đất nước), chứ không chỉ đơn thuần là đi bán giải pháp (làm thương mại) như ở công ty nước ngoài. Đây cũng là một trong các yếu tố khuyến khích nhân sự CNTT cấp cao đầu quân cho công ty trong nước và khi làm việc cho các công ty nội thì vai trò của họ được đề cao hơn, theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghệ FPT. Ông cho biết cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước, trong đó có việc cung cấp các giải pháp cho thị trường trong và ngoài nước.

Hiện nay, khách hàng của FPT hoạt động ở nhiều nước trên thế giới và trong nhiều lĩnh vực khác nhau, vấn đề là doanh nghiệp có tuyển dụng được đủ người để phục vụ khách hàng được tốt hay không. FPT sẵn sàng cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam về thu nhập để chiêu mộ nhân lực giỏi, nâng cao khả năng cạnh tranh và cung cấp dịch vụ. Ông Bình cho rằng trong bối cảnh các tập đoàn công nghệ trong nước ngày càng phát triển nhanh với quy mô lớn, giám đốc một công ty công nghệ nước ngoài tại Việt Nam có khi quản lý ít nhân viên hơn so với làm việc ở công ty trong nước. Bởi vì một công ty công nghệ nước ngoài tại Việt Nam có khi chỉ có khoảng trăm nhân viên trong khi giám đốc công nghệ của một công ty con của FPT IS quản lý cả nghìn người.

Các nhân sự CNTT cấp cao cũng như các công ty sử dụng lao động không tiết lộ mức lương, đãi ngộ đối với họ vì đây là một trong những điều khoản bảo mật. Nhưng theo tiết lộ của một trang web chuyên săn đầu người, mức lương mỗi tháng của các vị trí giám đốc công nghệ thông tin là khoảng 10.000-20.000 đô la Mỹ, tùy theo vị trí, quy mô của công ty sử dụng lao động cũng như việc thương lượng giữa người lao động và công ty.

Thêm nữa, khi làm việc cho các công ty nước ngoài, nhân lực CNTT cấp cao Việt Nam có khi chỉ được hưởng lương và chính sách đãi ngộ như cấp xe ô tô đi lại. Trong khi đó, khi nhận lời về làm việc cho các công ty nội địa, ngoài việc được hưởng các chính sách như tại các công ty nước ngoài, họ còn được tặng xe ô đô, nhà, được tham gia mua cổ phần, chia cổ phiếu ưu đãi… nếu cam kết làm việc với khoảng thời gian thỏa thuận. Do nhu cầu phát triển, các công ty CNTT trong nước hiện đang đưa ra chính sách ưu đãi khá tốt, cạnh tranh so với các công ty nước ngoài để thu hút nhân lực cấp cao. Do vậy, giới chuyên gia cho rằng sẽ còn nhiều nhân lực CNTT cao cấp Việt Nam về đầu quân cho các công ty công nghệ trong nước và các công ty công nghệ trong nước cũng sẽ tìm cách mua lại các công ty nước ngoài để có được người nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trong những lĩnh vực mới trong thời gian tới.

Tập đoàn FPT cho biết kế hoạch chi hơn 40 triệu đô la Mỹ để mua 90% cổ phần của Intellinet Consulting, một công ty tư vấn công nghệ có trụ sở tại Atlanta, Mỹ. Ông Bình cho biết công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn công nghệ với 150 chuyên gia tư vấn công nghệ cao cấp có kinh nghiệm chuyên sâu mà ở Việt Nam chưa có chuyên gia công nghệ nào đạt được. Mua lại Intellinet Consulting là cách mà FPT cùng lúc hút được 150 nhân sự công nghệ về làm việc cho mình.

FPT mua lại 90% cổ phần của Intellinet Consulting nhằm tăng cường ở mảng cung cấp dịch vụ chuyển đổi số cho khách hàng trên toàn cầu tại Mỹ, Nhật, Pháp… Thương vụ này sẽ giúp FPT nâng tầm vị thế công nghệ, trở thành đối tác cung cấp các dịch vụ công nghệ tổng thể với giá trị cao hơn và toàn diện hơn cho khách hàng, từ khâu tư vấn chiến lược, thiết kế đến triển khai, bảo hành bảo trì, đặc biệt trong các dự án chuyển đổi số. Điều này đáp ứng nhu cầu bức thiết của khách hàng khi phải quản trị nhiều đối tác trong cùng một dự án chuyển đổi số có quy mô lớn. FPT đặt mục tiêu đạt doanh thu 100 triệu đô la từ thị trường Mỹ vào giữa năm 2019, khoảng một năm kể từ sau khi thương vụ này diễn ra.

>> Cựu CIO tập đoàn trăm tỷ đô làm Tư vấn trưởng Chuyển đổi số FPT

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Ý kiến

()