Chúng ta

Nhà đài hợp tác bán gói kênh vì quyền lợi của khách hàng

Thứ hai, 4/5/2015 | 15:13 GMT+7

Thay vì chạy đua mua bản quyền truyền hình với giá cao, hay đua nhau giảm giá để giành khách, một số nhà đài đã tìm được tiếng nói chung trong việc chia sẻ bản quyền nội dung và hợp tác bán gói kênh trên hạ tầng của đối thủ.

Thị trường truyền hình trả tiền được đánh giá là phát triển nóng trong 5 năm trở lại đây. Theo số liệu của Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV), tính đến tháng 10/2010 đã có tới 39 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với đầy đủ các phương thức và công nghệ truyền dẫn. Đến tháng 6/2014, cả nước đã có 7 triệu thuê bao truyền hình trả tiền. Nếu so sánh với 22 triệu hộ dân thì tiềm năng của thị trường truyền hình trả tiền còn rất lớn.

DSC-0026-1-9805-1430642217.jpg

Ra mắt từ cuối năm 2013, Truyền hình FPT do FPT Telecom cung cấp, với bộ giải mã sử dụng dịch vụ truyền hình qua giao thức kết nối Internet băng rộng. Được thiết kế như một thiết bị Media Player chuyên nghiệp, Truyền hình FPT có thể thay thế các thiết bị thu - phát khác. Ảnh: Hà Dương.

Cuối năm 2013, diện phủ sóng truyền hình trả tiền đã có đầy đủ 4 loại hình dịch vụ chính là: Truyền hình cáp hữu tuyến (CATV) với công nghệ tương tự (Analog) và kỹ thuật số, truyền hình số vệ tinh, truyền hình số mặt đất, rruyền hình IPTV (truyền dẫn qua mạng Internet). Truyền hình trả tiền có mặt trên 90% lãnh thổ, với hơn 90% hộ gia đình ở các đô thị lớn, thị trấn, thị xã đã sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền.

Cũng theo đánh giá của VNPayTV, thị trường cung cấp các dịch vụ truyền hình trả tiền phát triển theo nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng và nó đạt được sự thỏa mãn tương đối toàn diện cả về chất lượng chương trình, kỹ thuật công nghệ truyền dẫn và nhu cầu cao của một bộ phận khách hàng. Thị trường cung cấp đầy đủ các kênh truyền hình trong nước và quốc tế với chất lượng tốt, các nhà cung cấp còn chia ra làm nhiều gói kênh để đáp ứng thị hiếu của từng đối tượng khán giả.

Tuy nhiên, các nhà cung cấp dịch vụ sau nhiều năm đầu tư, khai thác và phát triển đến thời điểm hiện tại đã xuất hiện những bất cập và sự chênh lệch về năng lực và tiềm lực, hình thành sự cạnh tranh giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ. Trong đó nổi bật nhất trong 2 năm trở lại đây là cạnh tranh về giá dịch vụ và chất lượng truyền dẫn ngày càng quyết liệt.

Thể hiện rõ nhất là sự cạnh tranh giữa các đối thủ trực tiếp có cùng loại hình truyền dẫn tín hiệu truyền hình. Trong lĩnh vực truyền hình số vệ tinh là cuộc rượt đuổi cạnh tranh về nội dung và giá thuê bao giữa: K+, VTC và Truyền hình An Viên.  

Lĩnh vực truyền hình cáp hữu tuyến (CATV) đang chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt giữa 2 "ông lớn" là SCTV và VTVcab. Hiện nay truyền hình cáp hữu tuyến chiếm tỷ lệ cung cấp trên 70% thị trường và giành tới hơn 80% thị phần về thuê bao.

Ở lĩnh vực truyền hình IPTV tuy không ồn ào như truyền hình cáp nhưng sự cạnh tranh diễn ra âm thầm giữa VNPT (cung cấp dịch vụ MyTV), FPT và Viettel. Thế mạnh thuộc về VNPT bởi tập đoàn hùng mạnh này sở hữu hạ tầng Internet trên cả nước. Do đó, chỉ trong 4 năm cung cấp dịch vụ, đến nay VNPT đã có 850.000 thuê bao, một con số mà nhiều nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phải thèm muốn.

Trong bối cảnh cạnh tranh dịch vụ truyền hình càng trở nên gay gắt, việc độc quyền nội dung được coi là thế mạnh của các nhà cung cấp dịch vụ. Nhưng gần đây bắt đầu xuất hiện sự hợp tác, chia sẻ bán nội dung trên hạ tầng của nhau giữa các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình vệ tinh, truyền hình IPTV và truyền hình cáp.

Mới đây nhất, truyền hình VTC bắt đầu phát thử nghiệm chưa thu phí gói kênh chọn lọc, hấp dẫn của VTVcab trên hệ thống của mình, gồm 8 kênh: Thể thao TV, Bóng đá TV, Bibi, Phim Việt, Kênh 17, EChannel, HayTV, Yeah 1 TV. Sau thời gian thử nghiệm, VTC sẽ thu phí gói kênh và hai bên sẽ chia sẻ doanh thu từ việc bán gói kênh này.

Trước đó, VTC đã bán gói kênh HTV gồm 12 kênh: HTV1, HTV2, HTV3, HTV4, HTV Thể thao, HTVC Phim, HTVC Thuần Việt, HTVC Phụ nữ, HTVC Gia đình, HTVC Du lịch và Cuộc sống, FBNC và  HTVC Ca nhạc. Phí sử dụng dịch vụ gói kênh HTV là 15.000 đồng/tháng/thuê bao.

Từ tháng 1/2015, Truyền hình An Viên cũng bổ sung thêm gói 5 kênh đặc sắc SCTV trên hệ thống truyền hình số mặt đất DTT ở khu vực miền Nam, với giá cước thuê bao 33.000 đồng/tháng. Tháng 3/2014, Truyền hình An Viên đã đưa ra gói 6 kênh đặc sắc của VTVcab trên hệ thống truyền hình số vệ tinh với giá cước 24.000 đồng/tháng.

Tính đến thời điểm này, Viettel, MyTV, FPT, VTVcab và HCATV cũng đang bán gói kênh đặc sắc của K+ trên hạ tầng của mình.

Nội dung được xem là thế mạnh để cạnh tranh. Việc các nhà đài bắt tay, chia sẻ phân phối nội dung có thể nói là một cách tăng doanh thu và giữ chân khách hàng. Đây là tín hiệu mới của thị trường truyền hình trả tiền. Thay vì chạy đua để mua bản quyền truyền hình với giá cao, hay đua nhau giảm giá để giành giật khách hàng của nhau, các nhà đài đã tìm được tiếng nói chung trong việc chia sẻ bản quyền nội dung và hợp tác vì quyền lợi khách hàng.

ICT News

Ý kiến

()