- Từng tiếp xúc với nhiều doanh nhân Việt, ông đánh giá thế nào về họ?
- Doanh nhân Việt Nam rất năng động, bận rộn và cũng rất đáng tin cậy so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Tôi tin tưởng rằng văn hóa doanh nghiệp của Đức và của Việt Nam không quá khác biệt. Trải qua nhiều năm hợp tác, chúng tôi tin rằng doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể trở thành đối tác tin cậy của doanh nghiệp Đức.
Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK) đánh giá so với các nước khác ở Đông Nam Á, doanh nhân Việt rất đáng tin cậy. |
- Thế còn môi trường đầu tư ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây?
- Tôi cho rằng môi trường và các quy định về đầu tư nước ngoài đối với các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Đức nói riêng tại Việt Nam rất tốt.
Việt Nam luôn là một trong những nước được các nhà đầu tư Đức quan tâm, tìm hiểu và khảo sát khi các doanh nghiệp này muốn mở rộng sản xuất hoặc tìm nơi đầu tư ở Đông Nam Á và châu Á.
Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức các nhà đầu tư Đức phải đối mặt khi vào Việt Nam. Đầu tiên là chuỗi cung ứng tại Việt Nam hiện chưa đáp ứng được yêu cầu và chưa thực sự hiện đại.
Thứ hai là chất lượng và kỹ năng lao động, cụ thể là đào tạo nghề tại Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu. Phía Đức thường đầu tư vào các ngành công nghệ cao, chúng tôi rất cần những công nhân lành nghề có thể điều khiển và vận hành các máy móc hiện đại.
Chính vì vậy Việt Nam cần phải đào tạo nguồn lao động của mình một cách bài bản và phù hợp với thực tế hơn nữa.
- Liệu đó có phải là lý do chính khiến nhiều doanh nghiệp lớn ở Đức chưa quan tâm nhiều tới việc đầu tư ở Việt Nam?
- Gần đây chúng tôi nhận thấy nhiều nhà đầu tư lâu năm ở Đức, những người từng đầu tư vào Trung Quốc cách đây 10-15 năm, đang có xu hướng mở rộng đầu tư tại châu Á trong đó có Việt Nam.
Tôi phải nói rằng hầu hết các doanh nghiệp Đức đều muốn đầu tư tại Việt Nam, nhưng một số lĩnh vực họ muốn “nhảy vào” như sản xuất ôtô thì lại rất khó tìm được đối tác cung ứng phù hợp.
Vậy nên họ buộc phải lựa chọn Thái Lan làm điểm đến đầu tư. Tương tự, các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp trong ngành dược và thiết bị y tế thì Singapore và Malaysia là sự lựa chọn của họ thay vì Việt Nam bởi các nước đó đáp ứng được các đòi hỏi họ đề ra.
Các nhà đầu tư thuộc các lĩnh vực khác có thể sẽ chọn Việt Nam.
- Theo ông, trở ngại của doanh nghiệp Đức khi đầu tư tại Việt Nam là gì?
- Doanh nghiệp FDI có thể dễ dàng và nhanh chóng nhận được giấy phép chứng nhận đầu tư từ chính quyền. Tuy nhiên, nếu họ muốn thay đổi nội dung trong giấy phép đó, muốn thay đổi quy mô đầu tư hoặc muốn bán sản phẩm của họ tại thị trường Việt Nam, họ cần phải có các giấy phép con.
Ngay cả việc hợp tác với các tổ chức nước ngoài hay tổ chức của Đức trong việc đào tạo công nhân của mình, họ cũng cần phải xin giấy phép.
Trong nhiều trường hợp, việc xin giấy phép mất rất nhiều thời gian. Những thủ tục hành chính này thực sự là rào cản cản trở các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài tại đây.
- Lĩnh vực phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam khi muốn vào EU, đặc biệt vào Đức là gì?
- Hiện có 2 nhà đầu tư lớn của Việt Nam đang hoạt động tại Đức đó là công ty phần mềm FPT và VietinBank. Với các ngành như sản xuất phần mềm, dịch vụ ủy thác nghiệp vụ kinh doanh (BPO) và công nghệ thông tin, Đức thật sự là một thị trường tiềm năng.
Tôi cho rằng nông sản của Việt Nam cũng rất có tiềm năng tại thị trường Đức. Việt Nam là nước đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu cà phê trong khi Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong việc nhập khẩu mặt hàng này.
Điều ngạc nhiên là ngay tại nước Đức không ai biết về điều đó, vì họ không thể phân biệt được đâu là cà phê đến từ Việt Nam trong các cửa hàng, siêu thị. Không hề có sự tồn tại của nhãn hàng nào mang tên Made in Vietnam tại Đức.
Zing.vn
Ý kiến
()