Vòng chung kết cuộc thi SMAC Challenge 2015 với sự góp mặt của 4 đội tuyển sinh viên đến từ các trường đại học công nghệ hàng đầu Việt Nam, gồm: UET-TNA của Đại học Công nghệ - Đại học quốc gia Hà Nội, 3TM của Đại học CNTT - Đại học quốc gia TP HCM và Infinity đến từ Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
Ca sĩ Hoàng Tôn mở màn chương trình sôi động bằng các ca khúc hit đã khiến hội trường như nóng hơn. |
Ban tổ chức cho biết trước vòng thi chung kết, cả 4 ứng dụng Hỗ trợ nấu ăn (Icook), Học toán, kể chuyện cùng bé (Mom&Kids), Dẫn đường (Street Router), Trợ lý chăm sóc bé (Mimi) của các đội thi Infinity, UET - TNA, Feed & Quit và 3TM đều đã hoàn thiện và được đưa lên kho ứng dụng Google Play.
Ban giám khảo vòng chung kết cuộc thi viết ứng dụng tương tác thông minh điều khiển bằng giọng nói SMAC Challenge 2015. |
Ban giám khảo vòng thi chung kết gồm ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ FPT; bà Nguyễn Phương Anh, Giám đốc truyền bá công nghệ và phát triển, Google Việt Nam; ông Nguyễn Francis Tuấn Anh, Giám đốc truyền bá công nghệ và phát triển, Microsoft Việt Nam; PGS.TS Vũ Hải Quân, Hiệu phó trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM; và Giáo sư Cù Trọng Xoay - Đinh Tiến Dũng, Giám đốc Sáng tạo Truyền hình FPT thuộc FPT Telecom.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khẳng định FPT sẽ tiếp tục theo dõi, ủng hộ cho sáng tạo của các bạn trẻ. |
Mặc dù vào thời điểm cuối năm rất bận rộn nhưng ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT vẫn dành thời gian đến tham dự chung kết.
Chủ tịch FPT cho biết từ các cuộc thi công nghệ, nhiều bạn trẻ đã trưởng thành và trở thành những triệu phú USD. Do đó, người đứng đầu FPT khẳng định FPT sẽ tiếp tục dõi theo, ủng hộ cho các sáng tạo của các bạn trẻ.
Tại trận chung kết, các đội thi đã trải qua 2 vòng thi: Ứng dụng và SMAC Game. Tại vòng thi Ứng dụng (50% số điểm), các đội thi đã giới thiệu ý tưởng của mình qua video clip và trình diễn trực tiếp các tính năng. Vòng thi SMAC Game (chiếm 30% số điểm), robot của các đội thi thực hiện thao tác mua hàng tại siêu thị sau khi nhận yêu cầu bằng giọng nói của tổ trọng tài. 20% số điểm còn lại tính trực tiếp cho phần tải ứng dụng từ những người dùng thực tế của từng đội.
Theo đánh giá của ông Lê Hồng Việt, Giám đốc công nghệ FPT, các bài thi SMAC Challenge 2015 đã đến gần hơn với thực tế. Các ứng dụng đều tập trung giải quyết một số nhu cầu của xã hội như tìm đường đi, chăm sóc, tư vấn sức khỏe trong gia đình… Đặc biệt, công nghệ tương tác với giọng nói đã được các bạn thí sinh phát huy rất tốt trong các bài thi của mình.
Các thành viên đội UET-TNA đến từ ĐH Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội giới thiệu các tính năng của ứng dụng học toán, kể chuyện cùng bé. |
Trận chung kết bắt đầu với vòng thi Ứng dụng. Lần đầu tiên tham gia cuộc thi lớn, lại là đội thi đầu tiên nên UET-TNA đến từ ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội đã không kết nối được với robot ở những phút đầu. Tuy nhiên, được sự cổ vũ của các cổ động viên và Ban giám khảo, đội UET-TNA đã bắt nhanh nhịp và trình diễn các tính năng của sản phẩm như kể chuyện cho bé, dạy bé học toán, đánh vần, hát cho con nghe…
Trước câu hỏi của giám khảo đến từ Microsoft Việt Nam về nguồn dữ liệu, các thành viên đội Infinty cho biết ứng dụng được xây dựng dựa trên nhu cầu cá nhân. |
Đội thi thứ 2 là Infinity đến từ Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông với ứng dụng Icook. Nhận xét về ứng dụng Icook, bà Nguyễn Phương Anh, đại diện Google cho hay, công nghệ chỉ có tác dụng tốt khi nó hỗ trợ cho nhiều người. Các bạn sinh viên đã làm được điều đó khi xây dựng ứng dụng cho nhiều thế hệ các bà, các mẹ. Bà Phương Anh gợi ý Infinity nên tập trung phát triển nhiều hơn công nghệ giọng nói cho sản phẩm của mình.
Đội 3TM của Đại học NTT - Đại học Quốc gia TP HCM với ứng dụng chăm sóc em bé. |
Đội thứ ba thể hiện ở phần thi Ứng dụng là đội 3TM của Đại học CNTT-ĐH Quốc gia TP HCM với ứng dụng chăm sóc bé. Giám khảo Phương Anh nhận xét: ứng dụng nên tập trung vào việc lưu lại lịch sử của các thành viên trong gia đình để làm kho dữ liệu cho mỗi người khi cần thiết.
Đội Feed&Quit của Đại học FPT là đội cuối cùng tham gia phần thi Ứng dụng. |
Với ứng dụng dẫn đường, Feed&Quit của ĐH FPT là đội thi cuối cùng thực hiện phần thi Ứng dụng. Ứng dụng dẫn đường của các sinh viên FPT là ứng dụng đầu tiên tại Việt Nam chỉ đường cho xe máy và xe buýt. Giám đốc công nghệ FPT nhận định: đây là ứng dụng tốt và nếu áp dụng vào giao thông, đặc biệt là chỉ đường cho xe buýt sẽ rất hữu dụng.
Trong vòng thi SMAC Game, robot của các đội thi phải thực hiện thao tác mua hàng tại siêu thị sau khi nhận được yêu cầu bằng giọng nói của tổ trọng tài.
Kết thúc vòng thi đầu tiên, đội Infinity dẫn đầu, đạt 46,5 điểm. Ở vòng thi SMAC Game, sau 2 lượt đấu đối kháng, đội Infinity đã giành chiến thắng.
Đội Infinity đến từ Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã giành giải Nhất cuộc thi SMAC Challenge 2015. |
Kết quả chung cuộc, giải Nhất trị giá 100 triệu đồng đã được được trao cho đội Infinity. Đây là lần thứ hai các sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông giành ngôi vô địch cuộc thi SMAC Challenge. Trước đó, năm 2013, đội SRC PTIT của Học viện đã trở thành nhà vô địch của SMAC Challenge mùa đầu tiên.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng đã trao giải Nhì trị giá 20 triệu đồng cho đội Feed & Quit của ĐH FPT. Đồng giải Ba là 2 đội 3TM của ĐH CNTT - ĐH Quốc gia TP.HCM và đội UET-TNA đến từ ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội.
SMAC Challenge là cuộc thi viết ứng dụng công nghệ thường niên, dành cho các bạn trẻ, do Tập đoàn FPT tổ chức từ năm 2013. Với chủ đề “Số hóa giọng nói”, SMAC Challenge 2015 là cuộc thi đầu tiên tại Việt Nam tìm kiếm và phát triển các ý tưởng công nghệ tương tác bằng giọng nói. Với phần tải ứng dụng từ những người dùng thực tế, tính đến 20h30 ngày 18/12/2015, có tổng cộng 1.693 lượt tải và đội Infinity dẫn đầu với 523 lượt tải trên Google Play. |
VTC News
Ý kiến
()