Ngành công nghiệp ô tô đứng trước những thay đổi lớn
Trong một cuộc phỏng vấn tại triển lãm xe Frankfurt Auto Show 2017, CEO Qualcomm Steve Mollenkopf cho rằng xe hơi và tự động hóa mới là lĩnh vực xuất hiện nhiều thay đổi nhất trong thập kỷ tới.
Xe tự lái, các dịch vụ di động sẽ mang đến sự thay đổi lớn chưa từng có và ngành công nghiệp ô tô truyền thống có thể bị “phá vỡ”. Nó giống như những gì mà iPhone đã tạo ra ở thị trường điện thoại bởi các công nghệ mới sẽ khiến con người thay đổi cách thức di chuyển.
Big Data, Cloud và IoT mang đến những thay đổi của ngành công nghiệp ô tô. |
Dù đã được nhắc đến từ lâu nhưng thiếu đi các công nghệ phù hợp đã khiến những chiếc xe không người lái chỉ có trong phim viễn tưởng suốt nhiều thập kỷ. Thế nhưng sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mới như IoT, AI,…khiến những chiếc xe tự lái, xe điện thông minh trở nên gần hơn khi đã có thể chiêm ngưỡng “concept” ở các triển lãm.
Đóng góp quan trọng nhất của AI là làm cho các mẫu xe ô tô trở nên an toàn hơn thông qua khả năng giao tiếp với nhau (Vehicle-to-vehicle) giúp làm giảm tai nạn và cả khả năng giao tiếp với con người.
Cũng trong một sự kiện vừa được tổ chức tại Việt Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương Thiều Phương Nam cho hay hiện hơn 70% các ô tô mới đã được kết nối mạng LTE. Đến năm 2020, ước tính sẽ có khoảng 250 triệu xe kết nối Internet. Với sự phát triển của công nghệ di động, IoT thì ngành công nghiệp ô tô sẽ thay đổi nhanh chóng nhất. Cùng với điện toán đám mây, IoT trở thành nền tảng hoàn hảo để triển khai công nghệ AI trong lĩnh vực ô tô để mang đến những bộ óc thông minh hơn trên xe hơi.
Sự “lấn sân” của các công ty công nghệ
Sự phát triển của công nghệ quay lại đe dọa ngành sản xuất ô tô truyền thống. Theo dự đoán, các mẫu xe điện có thể chiếm 20% thị trường vào năm 2019 trong khi các hãng ô tô lại chậm chân trong lĩnh vực mới này.
Tesla của Elon Musk hẳn là bài học cho các nhà sản xuất ô tô bởi những thành quả mà hãng xe này mang lại trong một thời gian ngắn có thể đe doạ đến bề dày lịch sử hàng trăm năm của nhiều hãng xe trên thế giới.
Nhưng giờ đây người ta không chỉ còn nhắc đến Tesla bởi Google đã thử nghiệm và đang gấp rút thương mại hóa mẫu xe không người lái của riêng mình. Qualcomm cũng tuyên bố nhảy vào lĩnh vực ô tô và sản xuất bộ vi xử lý trên các dòng xe điện, xe tự lái giúp các xe hơi có thể kết nối với nhau. Cũng vào tháng 10/2017, Apple đã xác nhận đang phát triển phần mềm cho phép xe ô tô tự lái dựa trên công nghệ máy học (Machine learning).
Ngoài ra, trong bối cảnh AI là cuộc chơi mang tính cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô thì hàng loạt liên minh mới cũng được hình thành. Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành ô tô đều đang tìm kiếm sự hợp tác để có thể tận dụng AI và không bị tụt hậu trong ngành công nghiệp này.
IBM tuyên bố hợp tác với BMW trong một dự án đầu tư trên 1 tỷ USD để phát triển trí tuệ nhân tạo cho ô tô. Audi cũng sẽ ứng dụng AI để chế tạo xe tự lái vào năm 2020 dựa trên những siêu máy tính mới nhất của NVIDIA. Hay các liên minh mới vừa được tạo ra như GM-Cruise Automation, Uber-Volvo, Ford hợp tác với Baidu,...để cạnh tranh trong cuộc chiến xe tự lái.
Các nhà sản xuất ô tô bước vào cuộc chơi
Khi các phần mềm, ứng dụng mới là cuộc chiến mới của ngành công nghiệp ô tô thì các nhà sản xuất ô tô hiểu rằng, xe hơi không còn là “lãnh địa bất khả xâm phạm” của Ford, GM, Honda, Daimler, Toyota, Jaguar Land Rover hay Volkswagen nữa. Trước sự “tấn công” ồ ạt của các công ty công nghệ, các nhà sản xuất ô tô đang bắt đầu thay đổi và năm 2017 làn sóng cách tân chưa bao giờ mạnh mẽ đến thế. Sự chuyển dịch lớn trong các nhà sản xuất đã đưa những chiếc xe thông minh đến gần hơn với hiện thực dù các mẫu xe này vẫn chưa thể xuất hiện ở showroom ô tô.
Kỹ sư trẻ Thái Vin đang theo dõi dữ liệu trên máy tính trong khi xe chạy với tốc độ hơn 20km/h ở khuôn viên toà nhà F-Town, quận 9. Nhiệm vụ của Vin hay các đồng nghiệp team ADAS đằng sau vô lăng của những chiếc xe ứng dụng công nghệ tự lái được thử nghiệm tại FPT là những tài xế có nhiệm vụ kiểm soát mức độ an toàn. |
Không chỉ bắt tay với các nhà sản xuất công nghệ, các thương hiệu ô tô đã bắt đầu chi nhiều tiền hơn cho nghiên cứu phát triển (R&D) để đưa các mẫu xe thông minh đến gần hơn với người tiêu dùng. AI trên xe hơi đang tiến được những bước rất xa và tạo ra những chiếc xe không chỉ là phương tiện đi lại đơn thuần.
Toyota đã chi hơn 1 tỷ USD (trong 5 năm) cho cơ sở nghiên cứu của mình tại Silicon để điều tra về máy tính thị giác, máy học, robot, tương tác giữa con người và máy tính, các hệ thống thông minh, ra quyết định, xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Năm nay hãng này đã gọi trí thông minh nhân tạo của mình với cái tên Yui. Với các camera và cảm biến gắn trên xe, Yui “nghiên cứu” hình dáng, cử chỉ, tâm trạng của người lái và định hình cách hành xử với lái xe hay khách hàng. Thậm chí, Yui có thể “tước quyền” của tài xế và tự mình kiểm soát nếu phát hiện ra các bất thường. Dự kiến, các tính năng này sẽ được ứng dụng trong các mẫu xe của Toyota trước năm 2030.
Nhưng Toyota không phải là người duy nhất nhìn nhận AI, hàng loạt các tên tuổi khác như Honda, Ford, BMW, Nissan, Volkswagen cũng đang gấp rút chạy đua. Volkswagen đầu tư hơn 40 tỷ USD trong 5 năm tới vào các công nghệ mới với tham vọng đến năm 2025 sẽ dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực ô tô điện.Trong đó, hãng này sẽ chú trọng phát triển các dòng xe hybrid, xe điện, xe tự lái, các dịch vụ vận chuyển mới hay công nghệ số hóa.
Trong khi đó, hãng xe Mỹ GM cũng khẳng định sẽ giới thiệu dịch vụ chia sẻ xe sử dụng chính những chiếc xe tự lái thương hiệu này vào năm 2019.
Đầu năm 2017, Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến cho biết: “Tháng 10 tới, các bạn sẽ nhìn thấy chiếc ô tô tự lái do chúng tôi làm. Mời các bạn đến Khu công nghệ cao Hòa Lạc và hãy cùng thử xem chiếc xe tự lái của FPT Software khác biệt như thế nào?" Đây là lần đầu tiên FPT nói về công nghệ xe tự lái.
Đến tháng 10/2017, FPT đã chính thức thử nghiệm công nghệ xe tự hành trên ô tô 4 chỗ chạy trong khuôn viên văn phòng của công ty tại TP.HCM. Xe có thể chạy ổn định trong khuôn viên làm việc của FPT với tốc độ 25km/h. Trong quá trình di chuyển, xe tự căn làn, chủ động rẽ trái/phải theo vạch đường cũng như xác định đối tượng trên đường và băng qua đường để tự động phanh và vòng tránh vật cản. Với khả năng tự căn làn, chủ động rẽ trái/phải theo vạch đường, xác định đối tượng trên đường và băng qua đường theo công nghệ học máy, tự động phanh và vòng tránh vật cản, năng lực công nghệ xe tự lái của FPT đang hướng tới cấp độ 2 trên 5 cấp độ của SAE (Hiệp hội kỹ sư ô tô Hoa Kỳ).
Hiện trong mảng công nghệ ô tô, FPT đã và đang triển khai khoảng 150 dự án liên quan đến công nghệ này cho 20 khách hàng tại Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ. FPT đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu phát triển các giải pháp công nghệ ô tô để hợp tác với các hãng hàng đầu thế giới liên quan tới ô tô, bao gồm cả hãng sản xuất (OEM) và hãng cung cấp linh kiện tier-1.
ICT News
Ý kiến
()