Chúng ta

Hướng đến xây dựng chính quyền điện tử

Thứ sáu, 16/6/2017 | 15:06 GMT+7

Tính đến cuối tháng 5/2017, 9 huyện, thị, thành phố đã triển khai thành công đề án một cửa, một cửa liên thông hiện đại cấp huyện. Thông qua việc triển khai đề án này, tại các địa phương, việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, tổ chức được đẩy nhanh với nhiều thuận lợi theo hướng chính quyền phục vụ. 

Công nghệ thông tin hỗ trợ tích cực cho người dân

Thời gian qua, Sở Thông tin - Truyền thông đã triển khai và bàn giao nhiều thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) và phần mềm cho các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành phố, xã, phường, thị trấn. Việc triển khai này đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho người dân, tổ chức.

Ông Bùi Văn Mạnh, một chủ doanh nghiệp ở thị xã Dĩ An, cho hay: “Tôi đặc biệt quan tâm tới CNTT được trang bị tại Trung tâm Hành chính công (TTHCC) và bộ phận một cửa UBND thị xã Dĩ An. Tại các nơi này, nhiều máy móc trang thiết bị CNTT đã hỗ trợ tích cực cho người dân và doanh nghiệp, nhất là việc công khai, minh bạch thủ tục trên môi trường mạng, trên trang dichvucong.binhduong. gov.vn đã giúp cho người dân, tổ chức thuận lợi trong việc tra cứu thông tin, quy trình”.

Tính đến thời điểm cuối tháng 5-2017, 9 huyện, thị, thành phố đã triển khai thành công đề án một cửa, một cửa liên thông hiện đại cấp huyện.

Tính đến thời điểm cuối tháng 5/2017, 9 huyện, thị, thành phố của Bình Dương đã triển khai thành công đề án một cửa, một cửa liên thông hiện đại cấp huyện.

Bà Nguyễn Thị Mai Loan, một người dân ngụ phường Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một, cho biết, đến TTHCC làm thủ tục vài lần, tôi khá bất ngờ vì môi trường làm việc ở đây mát mẻ, thoải mái, CNTT hỗ trợ tối đa cho người dân, tổ chức. “Trong quá trình ngồi chờ đợi, tôi rất vui khi được truy cập Internet miễn phí trên máy tính để bàn, được xem TV quảng bá hình ảnh, đất và người Bình Dương”, bà Mai Loan chia sẻ.

Còn ông Trần Chí Thành, một người dân ở thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, bày tỏ, việc ứng dụng CNTT, ứng dụng các phần mềm tại các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành phố đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Cụ thể như thông qua nhắn tin qua đầu số 8283 đã giúp ông tra cứu tình trạng xử lý hồ sơ trong quá trình làm thủ tục.

Hướng tới điện tử số

Sở Thông tin - Truyền thông cho biết, thời gian qua, sở đã phối hợp với Công ty FPT để tổ chức mua sắm, triển khai trang thiết bị CNTT và cài đặt phần mềm cho 19 cơ quan và 2 đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Về thiết bị CNTT, gồm: Máy ki-ốt bốc số, tra cứu, máy in nhiệt, máy quét mã vạch, hệ thống giám sát (camera), màn hình TV, máy, vật tư thi công hệ thống và một số thiết bị CNTT, phụ kiện khác.

Cùng với đó, Sở Thông tin - Truyền thông đã trang bị hệ thống phần mềm, gồm 2 phần mềm. Trong đó phần mềm một cửa điện tử tập trung cấp tỉnh, gồm 7 phân hệ: Tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ theo mô hình một cửa; Thống kê và báo cáo; Tra cứu hồ sơ bằng mã vạch, ki-ốt thông tin; Tra cứu hồ sơ thủ tục qua SMS; Tổng hợp báo cáo phục vụ lãnh đạo tỉnh; Hệ thống quản lý hàng đợi và mời công dân; Hệ thống đánh giá chất lượng dịch vụ của cán bộ công chức (đánh giá cán bộ công chức). Trang thông tin hành chính công, gồm 4 phân hệ: Tra cứu, tổng hợp thông tin tình hình xử lý hồ sơ; Thông tin tra cứu thủ tục hành chính thông minh; Dịch vụ công mức 3; Quản lý thông tin đăng ký người dùng.

Mới đây, đầu tháng 3/2017, Sở Thông tin - Truyền thông đã tổ chức họp với TTHCC, Công ty FPT để thống nhất các nội dung công việc cần bàn giao. Trong đó, đã làm rõ nội dung bàn giao và trách nhiệm của Sở Thông tin - Truyền thông, TTHCC như bàn giao trang thiết bị CNTT cho Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm Thông tin điện tử. Đối với TTHCC được bàn giao thêm phần mềm một cửa điện tử tập trung cấp tỉnh và Trang thông tin hành chính công và các phân hệ có liên quan. Qua việc bàn giao này, các quầy thuộc các sở, ban, ngành tại TTHCC đã từng bước hoàn thiện về CNTT, đáp ứng yêu cầu công việc và giải quyết TTHC theo hướng điện tử số cho người dân, tổ chức.

Với quyết tâm xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, tăng cường công khai, minh bạch TTHC thông qua đồng bộ hóa, chuẩn hóa bộ TTHC trên trang thông tin dichvucong.binhduong.gov.vn; tập trung liên thông các TTHC; kết nối với cấp huyện trong việc liên thông ngành dọc, tra cứu kết quả giải quyết TTHC và việc thực hiện mô hình một cửa hiện đại.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng, ban hành và triển khai Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương phù hợp với khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam. Từ đó, tạo nền tảng kết nối, chia sẻ giữa các cơ quan cấp tỉnh, liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia. Song song đó, hạ tầng kỹ thuật tiếp tục được đầu tư phát triển, chuẩn hóa khai thác hạ tầng mạng trục tốc độ cao giữa các cơ quan; mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh tiếp tục nâng cấp với tốc độ cao, ổn định, an toàn phục vụ nhu cầu kết nối truyền tải dữ liệu giữa các cơ quan.

>> Bảo hành iPhone xách tay tại Việt Nam: Tưởng dễ mà không dễ

Báo Bình Dương

Ý kiến

()